Uber - Công khai trốn thuế
Mặc dù có mang lại lợi ích cho một số khách hàng sử dụng nhưng thực tế, sau nhiều năm hoạt động ở Việt Nam, dịch vụ cung cấp vận tải Uber vẫn chây ì, không đóng thuế.
Trong khi đó, các dịch vụ kinh doanh vận tải tương tự như Grap đã chấp nhận kê khai, đóng thuế đầy đủ, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Có thể nói, vì không đóng thuế nên giá cả của Uber thấp hơn các dịch vụ tương tự, làm náo loạn thị trường vận tải hành khách cá nhân công cộng, khiến nhiều doanh nghiệp bất bình.
Hiện nay, với lý do kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin, Uber chỉ chấp nhận đóng thuế ở lĩnh vực này, là liên kết, gọi xe cho hành khách. Tuy nhiên, thực tế thì tất cả số tiền hành khách thanh toán sau khi sử dụng dịch vụ Uber đều được chuyển vào tài khoản của Công ty Uber (tại Hà Lan), sau đó đơn vị này mới trả lại cho các tài xế.
Khoảng chênh lệch của thuế giữa kinh doanh vận tải và kinh doanh công nghệ là vô cùng lớn nên đồng nghĩa, hàng tỷ đồng tiền thuế chênh lệch này bị thất thu mỗi ngày. Nói cách khác, Uber cho rằng, chính tài xế là người phải chịu trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước chứ không phải phía Công ty. Điều này gần như là vô nghĩa bởi không thể nào kê khai, thu thuế từng xe dịch vụ chạy vận tải như vậy trên thị trường.
Ngoài việc trốn thuế, Uber còn cho phép hành khách thanh toán bằng tiền mặt càng khiến cho việc kê khai, thu thuế của cơ quan nhà nước thêm khó khăn. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chế tài đặc biệt quản lý các xe chở khách kiểu Uber như việc gắn lô-gô Uber vào nóc xe, tương tự taxi.
Tất nhiên, việc minh bạch này còn giúp cho hành khách có thể dễ dàng lựa chọn giữa các dịch vụ taxi truyền thống, xe Grap hay xe Uber. Tuy nhiên, phía Uber lại chưa chấp nhận với lý do cho rằng, đây chỉ là dịch vụ liên kết hành khách, một kiểu “đi nhờ” xe chứ không phải kinh doanh.
Với hàng ngàn xe ở khu vực TP Hồ Chí Minh được phía Uber ký hợp đồng với tài xế, vận chuyển, lưu thông hàng ngày nhưng thật lạ, suốt trong một thời gian dài qua, việc bắt Uber đóng thuế dường như vẫn là một việc rất khó. Ngoài ý thức của doanh nghiệp cố tình lách luật, việc thiếu các chế tài cần thiết để bắt doanh nghiệp tuân theo cũng là một vấn đề. Điều này, có lẽ cần thêm các chế tài độc lập để bắt buộc doanh nghiệp phải tuân theo.