Kinh doanh điện ảnh: Cuộc cạnh tranh quyết liệt

Minh Minh 18/06/2016 06:59

Chưa khi nào câu chuyện “đầu ra” cho phim ảnh nội lại nóng như hiện nay. Cuộc cạnh tranh đưa phim ra rạp cũng giống như chuyện của thương trường. Mới đây nhất chính là vụ kiện của 8 đơn vị kinh doanh điện ảnh gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp bởi CGV đang gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Kéo khán giả đến rạp vẫn là giấc mơ của điện ảnh Việt Nam.

Cụ thể là từ tháng 5/2016, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã có đơn khiếu nại đến Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các cơ quan chức năng khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.

Trong đơn nêu: “Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)”.

Hiện các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác đã phải chịu sự áp đặt của đơn vị này do số lượng rạp của CGV quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu tại hệ thống rạp CGV, đồng nghĩa với việc phim không được chiếu trên 40% tổng số rạp, có nghĩa là sẽ mất 40% doanh thu.

Trong đơn, các doanh nghiệp này cũng phản ánh CGV có xu hướng chiếu phim nước ngoài, đặc biệt là phim do Hàn Quốc sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn. Và bày tỏ lo ngại “CGV sẽ tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam”. Đây có thể xem là nguy cơ cho nền công nghiệp và thị trường điện ảnh nước nhà nằm trong tay Tập đoàn này”.

Cho đến nay đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi 8 đơn vị nói trên gửi đơn khiếu nại CGV, chiều 17/6, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên lạc với bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà cho biết Cục không có chức năng giải quyết những khiếu nại của 8 đơn vị kinh doanh điện ảnh nói trên.

Đúng thẩm quyền và chức năng phải là Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công thương. Trao đổi với ông Ngô Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông cũng cho hay Hội Điện ảnh không can thiệp được vào chuyện này vì nó thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Hơn nữa 8 đơn vị nói trên cũng không phải là hội viên của Hội Điện ảnh Việt Nam nên hội cũng không thể lên tiếng can thiệp được.

Trong một diễn biến khác, từ ngày 3/6 Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương cũng đã có công văn (số 615) trả lời Cục Điện ảnh về việc giải quyết khiếu nại của 8 doanh nghiệp điện ảnh phản ánh Tập đoàn CJ CGV Việt Nam dựa vào vị trí thống lĩnh thị trường (tỷ lệ hệ thống cụm rạp áp đảo thị trường) nên áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã xác định: 8 doanh nghiệp kể trên chưa tuân thủ đúng theo thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh; các thông tin nêu trong đơn chưa rõ ràng, đầy đủ và chưa có các bằng chứng kèm theo.

Vì vậy Cục Quản lý cạnh tranh đã gửi công văn yêu cầu các doanh nghiệp có tên trong đơn lập hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh phải cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết chứng cứ về hành vi vi phạm của đơn vị bị khiếu nại, và chứng cứ để chứng minh đơn khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp theo qui định của pháp luật cạnh tranh.

Đến đây, sự việc ít nhiều đã cho thấy trong cơ chế thị trường, kinh doanh điện ảnh cũng không nằm ngoài qui luật cạnh tranh quyết liệt. Tất nhiên theo các chuyên gia, pháp luật chỉ bảo hộ sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

Minh Minh