Làm sao dân biết thực phẩm an toàn?

Hữu Nguyên 18/06/2016 07:06

Tranh cãi về những quy định liên quan tới chất cấm trong thực phẩm và hiện tượng mỗi ngành hành xử một kiểu, thiếu phối hợp, trong thực thi công vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ làm xã hội lo lắng mà còn gây ra nhiều hệ lụy. Câu chuyện Quản lý thị trường Hà Nội lâm vào thế “việt vị” trong vụ bắt giữ lô xúc xích Vietfoods hồi tháng 4/2016 là một trong những ví dụ điển hình cho hiện tượng mỗi ngành hành xử một kiểu trong khi thực thi công vụ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Theo Sở Công thương Hà Nội, Quản lý thị trường đã căn cứ theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT không được phép sử dụng natri nitrat 251, làm cơ sở để tạm giữ lô xúc xích của doanh nghiệp. Thế nhưng sau đó, chính Bộ Y tế lại có công văn khẳng định sản phẩm xúc xích của Vietfoods bị bắt giữ là an toàn cho người sử dụng.

Vụ việc gây tranh cãi tới mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công thương chủ trì cùng Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết. Nhờ sự chỉ đạo này, các ngành chức năng đã tham gia quyết liệt, cuối cùng thì Quản lý thị trường Hà Nội phải thừa nhận đã thu giữ “oan sai” xúc xích Vietfoods và thông báo không xử lý vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở Vietfoods vì không có hành vi vi phạm.

Dù được minh oan nhưng sự cố này không chỉ gây thiệt hại cho Vietfoods hơn chục tỷ đồng mà còn khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành chế biến thịt, thực phẩm đóng hộp lao đao do tâm lý lo ngại của người tiêu dùng.

Xúc xích Vietfoods còn chưa kịp lắng xuống thì lại nổi lên vụ phát hiện 30 tấn cá nục đông lạnh ở Quảng Trị bị nhiễm chất cấm phenol tiếp tục gây tranh cãi giữa các ngành chức năng. Ngành y tế địa phương thông qua mẫu xét nghiệm lô cá phát hiện hàm lượng 0,037mg/Kg chất cấm phenol đã yêu cầu niêm phong và đề nghị tiêu hủy lô cá này.

Lý do, bởi vì phenol là chất cực độc, cấm dùng trong thực phẩm. Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã căn cứ vào các văn bản liên quan hiện tại về quy chuẩn Việt Nam (QCVN) quy định hàm lượng phenol trong một số loại hình. Cụ thể là hàm lượng phenol có trong nước biển là 0,03 Miligam/lit (quy định tại QCVN 10-MT:2015/BTNMT); Hàm lượng phenol và dẫn xuất phenol có trong nước ăn là 1 Microgam/lit (µg) (quy định tại QCVN 01:2009/BYT); Hàm lượng phenol có trong bao bì tiếp xúc trực tiếp hoặc làm từ nhựa phenol là 5 microgam/l (QCVN 12-1: 2011/BYT).

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương cho biết lô cá nục bị nhiễm chất cấm phenol nói trên đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vì đánh bắt trong phạm vi xa bờ 30 hải lý trở lên.

Nhiều nhà khoa học sau đó đã lên tiếng trên báo chí rằng mặc dù phenol là chất cấm trong thực phẩm, song hàm lượng phát hiện trong lô cá nục ở Quảng Trị là còn thấp so với ngưỡng an toàn, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều đáng nói là các thông số khoa học được đưa ra trong các phát biểu hầu hết đều căn cứ vào các tham khảo cá nhân nên lại tiếp tục gây tranh cãi khiến người dân càng thêm hoang mang.

Bộ Y tế sau đó đã vào cuộc khi các tranh luận ngày càng trở nên gay gắt. Bộ này đã yêu cầu ngành chức năng Quảng Trị gửi mẫu cá ra trung ương để các viện chuyên môn làm xét nghiệm thẩm tra kết quả và có kết luận cuối cùng.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sau đó nhận định, Quảng Trị đã hơi vội vàng trong việc công bố thông tin và thu hồi gần 30 tấn cá nục nhiễm phenol. “Phenol đúng là độc nhưng phải ở liều cực cao chứ không phải cứ có mặt là gây độc” - ông Long nói.

Tuy vậy, theo ông Long, hiện chưa tổ chức, quốc gia nào quy định mức giới hạn phenol an toàn trong hải sản. Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu chỉ mới nghiên cứu về ngưỡng phenol an toàn hấp thụ vào cơ thể hàng ngày qua thực phẩm là 0,18mcg (microgam)/kg thể trọng. “Với mức phenol 0,037mg/kg cá như ở Quảng Trị công bố, một người Việt với thể trọng 50-55kg mà ăn thường xuyên 200g cá/ngày cũng không ảnh hưởng đến sức khoẻ” - ông Long khẳng định.

Điều đáng nói là cuộc tranh cãi gây hoang mang dư luận về hàm lượng phenol trong lô cá nục ở Quảng Trị từng được ngành chức năng địa phương cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn đã khiến cho việc tiêu thụ cá ở địa phương này trở nên khó khăn hơn. Hàng loạt chủ vựa cá cũng như nhiều ngư dân đã phải đóng cửa và ngồi nhà chờ đợi các kết luận cuối cùng, trong lúc các cơ quan chức năng địa phương còn chưa kết thúc tranh cãi.

Theo các chuyên gia, trong vụ việc liên quan đến Vietfoods hay cá nhiễm phenol ở Quảng Trị, có ba vấn đề cần đặt ra. Đó là trường hợp nào cơ quan chức năng được tạm giữ hàng hóa; thời điểm công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông; và quyền lợi của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ ra sao khi bị xâm phạm.

Nếu cho rằng doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngoài việc lập biên bản, cơ quan chức năng phải cùng doanh nghiệp đến cơ quan kiểm nghiệm để kiểm tra sản phẩm nghi vấn là không an toàn. Trong vụ việc của Vietfoods, Quản lý thị trường công bố kết luận ngay tại hiện trường “sản phẩm xúc xích của Vietfoods có chứa chất cấm, chất gây ung thư” khi chưa có kết quả xét nghiệm.

Trong vụ cá nục nhiễm chất cấm phenol, mọi việc lại bắt đầu từ kết quả xét nghiệm của ngành chức năng. Nhưng do quan niệm về chất cấm và hàm lượng gây nguy hiểm cho người dùng chưa thống nhất, chưa có quy chuẩn quốc gia nên phát sinh tranh cãi và yêu cầu xử lý khác nhau.

Tất cả các diễn biến của hai ví dụ trên đây, dù xuất phát từ động cơ nào thì cuối cùng cũng đã gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp và làm cho dư luận xã hội hoang mang, lo lắng một cách không cần thiết. Nếu các cơ quan chức năng hành xử thống nhất, đồng bộ và căn cứ trên các quy định cụ thể của pháp luật, tuân theo các quy chuẩn rõ ràng minh bạch của bộ tiêu chuẩn quốc gia (nếu có) thì mọi việc có lẽ sẽ không lộn xộn như đã xảy ra.

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống, ứng phó với các thảm họa môi trường cần thiết phải có sự chỉ đạo phối hợp không chỉ trong hành động mà còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật, các quy chuẩn khoa học nhất quán được ban hành bởi những cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng chính là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của sự phát triển cũng như mục tiêu tạo dựng môi trường thuận lợi cho cuộc sống bình an của người dân và của các doanh nghiệp.

Hữu Nguyên