Nhà siêu mỏng, siêu méo: Sẽ không chỉ 'trảm' ngọn
Hà Nội đã nhiều lần mạnh tay xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn mỗi khi các tuyến đường mới được mở ra. Tại sao lại như vậy?
Nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện trên đường Vành đai 2.
Mở đường là xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo
Sau gần 6 tháng thông xe kỹ thuật (tháng 1/2016) tuyến đường Vành đai 2, đoạn đường Nhật Tân – Xuân La – Bưởi (Hà Nội) trị giá hơn 6.000 tỷ đồng ngay lập tức đã xuất hiện nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Trên tuyến đường đã mọc lên hàng loạt ngôi nhà hình thù kỳ dị. Có thể thấy: Một ngôi nhà hình tam giác có cạnh hẹp nhất chỉ 1 mét.
Hay ngôi nhà màu vàng có mặt tiền khoảng 2 m lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng còn lại. Hay đoạn gần với cầu vượt đường Bưởi, một ngôi nhà mỏng như bức tường được xây dựng và đang kinh doanh hàng ăn. Công trình lạ mắt này mỏng có chiều sâu chỉ 60-80 cm và chiều dọc chừng 1,5m. Kế đó là một công trình 5 tầng có chiều sâu hơn 2m.
Trước tuyến đường Vành đai 2, Hà Nội cũng từng đau đầu với nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hàng loạt sau khi hoàn thành các tuyến đường như: Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa, đường Xã Đàn, Trần Phú, Cầu Giấy… Và cho tới nay, “cuộc chiến” với nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn chưa tới hồi kết.
Theo quy định của thành phố Hà Nội, những diện tích dưới 15m2 sẽ không được xây dựng công trình. Chiếu theo quy định này, Hà Nội còn tồn tại hơn 600 căn nhà xây dựng siêu méo, siêu mỏng. Các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và Tây Hồ đang là những địa phương còn tồn tại nhiều nhà siêu méo, siêu mỏng.
Nhìn ở góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, PGS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, câu chuyện nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội kéo dài nhiều năm qua thể hiện sự yếu kém, trì trệ và thiếu trách nhiệm trong công tác lập quy hoạch và quản lý đô thị hiện nay.
Theo ông Hùng, vấn đề chỉnh trang đô thị và tạo cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị đáng lẽ phải ăn khớp, đồng bộ với nhau. Nhưng việc thực hiện thường là chắp vá, đầu voi đuôi chuột, mạnh ai nấy làm. Vì thế, hiện nay rất nhiều dự án khu đô thị mới hoành tráng, các con đường nghìn tỷ được mở nhưng bao giờ cũng thiếu hạ tầng đồng bộ, khiến kiến trúc hai bên đường nham nhở, lộn xộn với đủ loại nhà kỳ dị. Việc này đã khiến diện mạo Hà Nội méo mó.
Để xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Hùng đề xuất cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc thực hiện đến đảm bảo quyền lợi của người dân. Phát triển đô thị là một việc liên ngành, chứ không thể thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm. Ở những đô thị, huyện lỵ trong quy hoạch sắp tới, chúng ta cần làm hạ tầng trước rồi mới đưa dân vào, có thế mới có thể ngăn được nhà siêu mỏng, siêu méo.
Ngành chức năng sẽ và cuộc quyết liệt
Ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” là nguồn vốn. Vì nếu giải phóng mặt bằng, thu hồi hết đất của người dân sẽ đội nguồn kinh phí lên rất nhiều. Sở Xây dựng Hà Nội từng nhiều lần ra văn bản chỉ đạo giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo. Lãnh đạo thành phố cũng cho rằng đây là việc khó nhưng vẫn phải kiên quyết làm.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chính quyền một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua còn chưa chủ động trong tham mưu cũng như thiếu kiên quyết trong xử lý nhà siêu méo, siêu mỏng. Họ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho thành phố giải quyết.
Nói về cái khó, đại diện UBND quận Ba Đình cho rằng, phải có cơ sở pháp lý vững chắc để thu hồi đất ngoài chỉ giới mở đường, nếu không có thể sẽ phát sinh khiếu kiện gay gắt. Cùng với đó, phải tính toán được phương án tái định cư khi thu hồi đất. Diện tích đất còn lại rất ít, có khi chỉ vài mét vuông, số tiền bồi thường không đủ mua nhà tái định cư.
Việc này phải tính kỹ vì không có chỗ ở mới thì không thể giải phóng mặt bằng được... Ngoài ra, việc sử dụng diện tích đất sau khi thu hồi như thế nào cũng không đơn giản. Nhiều quận, huyện cho rằng, vì diện tích rất nhỏ nên phương án làm kiốt bán hàng hay vườn hoa, tiểu cảnh không khả thi. Trong khi đó, việc tổ chức đấu giá hay bán lại cho hộ phía trong cũng rất khó bởi sẽ nảy sinh khiếu kiện.
Đã nhiều lần Hà Nội đặt quyết tâm xóa nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan sau mỗi tuyến phố được mở. Tuy nhiên, lần này TP sẽ và cuộc quyết liệt.
Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Luật Thủ đô có hiệu lực tháng 7/2013 đã mở ra cho TP một cơ chế đặc thù, khi làm các đường mới thì được phép giải phóng mặt bằng các thửa đất siêu mỏng, siêu méo hoặc có hình dáng không hợp lý và thu hồi luôn.
“Mở đường đã xác định chỉ giới thì việc phát hiện những mảnh đất mỏng méo rất thuận lợi. Như thế, đồng thời chúng ta cũng có thể điều chỉnh lại chức năng sử dụng đất” - TS Nghiêm nêu quan điểm.
Với cách đặt vấn đề như vậy, hi vọng hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội sẽ chấm dứt.