Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp
Tại Hà Nội, sáng 18/6, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về phòng cháy, chữa cháy, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành cho biết, 5 năm qua, tình hình cháy, nổ đã được kiềm chế thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại do cháy nổ gây ra (chỉ tăng trung bình 9,17%/năm).
Gia tăng nguy cơ cháy trong đô thị.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử phạt trên 70.000 trường hợp; lực lượng cảnh sát PCCC đã tổ chức chữa cháy kịp thời 6.416 vụ, cứu nạn cứu hộ 2.466 vụ, cứu được 1.625 người; bảo vệ được khối tài sản trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cơ bản tán thành với báo cáo đánh giá của Bộ Công an và đề nghị phân loại xử lý kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục trong tình hình mới. Đó là, tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp. Trong 5 năm qua cả nước xảy ra gần 12.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 300 người, bị thương 900 người, thiệt hại về tài sản 6.900 tỷ đồng và gần 8.500 ha rừng. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ cháy ở nhiều khu chung cư, khu công nghiệp, nhà xưởng, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và người.
Nguyên nhân chính là do các cấp, các ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong PCCC. Lực lượng PCCC còn thiếu và yếu, đầu tư trang thiết bị, phương tiện và cơ sở hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn còn nhiều bất cập. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phê bình Chủ tịch UBND 21 tỉnh chưa xây dựng và phê duyệt quy hoạch về PCCC trên địa bàn.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành và địa phương cả nước cần thực hiện tốt việc chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể phải xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của PCCC, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.
Phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, phục vụ sự phát triển KT-XH của địa phương, bảo đảm an ninh an toàn, thực hiện tốt 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật PCCC và các văn bản thi hành, các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng của mình tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với công tác PCCC. Vì vậy, ngay trong năm 2016, các tỉnh tổ chức thanh tra, xử lý dứt điểm các vi phạm này.