Múa, từ sàn tập đến sàn diễn

Minh Quân - Phạm Quý 25/06/2016 09:05

Trong các loại hình nghệ thuật, múa là bộ môn đòi hỏi diễn viên phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn, rất khắt khe. Bên cạnh việc luyện tập vất vả, để theo đuổi đam mê và sống được với nghề nhiều người phải đánh đổi cả tuổi trẻ, sức khỏe, đôi khi còn cả hạnh phúc riêng tư. Nghề múa thật nhọc nhằn, thật đáng quý.

Múa, từ sàn tập đến sàn diễn

Ảnh minh họa.

Gian nan khổ luyện

Tại trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chỉ nhìn vào giáo án luyện tập của các học viên khoa Múa, người ta đã có cảm giác ngộp thở. Thời gian học văn hóa, luyện múa, ăn, ngủ đều được quy định sít sao, mỗi ngày phải thực hành, ôn luyện múa từ 9-10 tiếng đồng hồ. Có lẽ, nghệ sĩ múa là những người lao động nghệ thuật nhọc nhằn nhất nhưng lại rất ít vinh quang. Với nhiều học viên việc xác định theo nghề múa còn là sự đánh đổi cả tuổi trẻ, sức khỏe và cả tình yêu.

Nguyễn Thị Phương Dung, sinh năm 1998, lặn lội từ Bình Phước ra Hà Nội học múa chia sẻ: “Chúng em phải ép cơ để rèn độ mở và độ dẻo dai. Quá trình tạo thói quen cho cơ thể phải được rèn luyện thường xuyên và đều đặn.

Để có được một tiết mục “xem được” chúng em đã phải luyện tập miệt mài, đổ bao mồ hôi công sức. Có những ngày chuẩn bị cho kì thi học kì, cả lớp tập xong, ăn uống nghỉ ngơi luôn tại sàn”.

Đó là với người rất trẻ, còn với học viên múa lão làng thì sao? Tô Mai Hương, học viên khóa 30, trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tâm sự, để thành tài thì phải đi qua cả chông gai. Không khổ luyện không thành.

Hương cho biết, đổ mồ hôi, nước mắt là chuyện thường, đôi khi còn đổ cả máu trên sàn tập. Để trở thành một diễn viên múa chuyên nghiệp, họ phải học 3 môn chính là dân gian, ballet và múa đương đại. Trong đó múa dân gian và ballet là những bước vừa đầu tiên, vừa cơ bản trong nghệ thuật múa và đều rất khó. Với múa ballet, phần chân và sự mềm dẻo của cơ thể là bắt buộc.

Đầu tiên phải làm quen với giày mũi mềm, sau đó sẽ tập đứng và làm các tổ hợp trên giày mũi cứng. Mai Hương chia sẻ, mình mệt nhưng nhìn các bạn ép dẻo trên gióng mà thương. Các bạn làm được mình cũng cố phải làm cho bằng được. Tập xoạc hay ép cơ đau đến nỗi không đi nổi lên cầu thang, đêm về cũng không ngủ nổi, thế mà sáng hôm sau lên lớp vẫn phải trả bài nên ở nhà cứ phải ép chân vào tường mà luyện cơ.

Thời tiết dù mưa gió, nắng gắt hay lạnh buốt thì trên sàn múa lúc nào cũng pha lẫn mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu. Lần đầu tiên được đứng trên dày mũi cứng vừa vui thích vừa lo sợ, đến thành nỗi ám ảnh. Nhiều khi đêm về, nằm ngủ mà vẫn nghe thấy tiếng đàn piano, tam thập lục, cả tiếng tà tà của các cô đếm bên tai. “Cứ nghĩ đến múa đã thấy đau và sợ rồi, nhưng vì đam mê nên phải cố gắng theo đuổi đến cùng”- Mai Hương nói.

Theo học múa đã khó, học xong rồi để thành công lại càng khó khăn. Đã thế, đầu tư cho ngành múa lại rất hạn chế. Ngay cơ sở vật chất của một cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu Việt Nam như ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cũng không khỏi khiến người ta ngại ngần.

Vì thế, nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật múa đã khó càng thêm khó. Nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập cũng như biểu diễn quá lạc hậu và thô sơ, có những thiết bị hay đạo cụ còn hơn cả tuổi của một diễn viên múa. Đôi khi tự an ủi rằng, mình sẽ rất lung linh trên sân khấu, hãy diễn hết mình, múa như thể chỉ còn hôm nay thôi. Mồ hôi đẫm áo, trầy tay bầm chân sẽ không còn đau nữa, chỉ còn lại sự thăng hoa...

Giữ lửa đam mê

Với dân múa, cuộc chạy đua với tuổi đời là vô cùng gian nan, bởi mấy nghệ sĩ múa “hút khách” khi bước vào tuổi 30. Học rất gian nan, thời gian học kéo dài, tuổi tác sầm sập ùa về, chống chọi với thời gian như một sự bất lực của người làm nghề múa.

Đã thế, thu nhập của họ lại rất thấp.

Theo NSƯT Linh Nga, cùng với diễn viên một số loại hình biểu diễn khác, diễn viên múa đều có nghề tay trái cả. Theo đuổi nghệ thuật là bởi sự đam mê của mỗi người. “Tôi xin lỗi không đề cập cát-sê ở đây vì chỉ là một cái gì đó tượng trưng. Sự đam mê, nhiệt huyết, mồ hôi của diễn viên múa đổ ra gấp vạn lần số tiền cát-sê họ nhận được.

Những ai theo múa đều do đam mê là chính bởi nếu vì tiền họ đã không làm nghề vất vả này. Nhiều khi một tháng múa có thể ra được 2 chương trình lớn là tối đa nhưng đôi lúc đến nửa năm mới ra được một chương trình”- NSUT Linh Nga nói và cho biết, nhưng không vì thế mà diễn viên múa phàn nàn hay bỏ nghề. Họ chỉ cần được sống với nghề, được thật sự làm nghề, được khán giả nhìn nhận ở một lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm và được gọi “nghệ sĩ” là hạnh phúc rồi”.

Tuy khó khăn vất vả, nhưng do tình yêu nghề đến si mê nên các nghệ sĩ múa vẫn can đảm theo nghề. Đã có những gương mặt ưu tú của nghệ thuật múa Việt Nam được xướng tên đầy tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo, vững tâm mà dấn bước

Nói là nói vậy, biết là biết vậy nhưng do áp lực của cuộc sống mà cũng có những người có hành vi “vừa giận mà vừa thương” chỉ là để trang trải cuộc sống. Có những người có tài năng, được học hành rất chu đáo, bài bản, nhưng rồi lại bỏ nghề. Tiếc lắm nhưng nào biết làm sao. Nhìn những người đi làm ở quán bar, vũ trường, đánh đổi đam mê để kiếm sống, thấy thật tiếc.

Ước gì cái nghề nhọc nhằn ấy, nhọc nhằn cả từ sàn tập đến sàn diễn sẽ tỏa sáng lung linh. Để những nghệ sĩ múa bình tâm vẽ được trong không gian những hình ảnh đẹp cho đời.

Nghề múa nhọc nhằn, nay như thể bị lu mờ nhưng công chúng vẫn không thể quên thời hoàng kim của nghệ thuật múa Việt Nam, với những tác phẩm nổi tiếng: “Cánh chim và mặt trời”, “Người mẹ Việt Nam”... gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ Kim Dung, Mạnh Hùng, Thiên Nga, Kiều Ngân… Chính vì thế, hy vọng về sự “phục sinh” của múa Việt Nam vẫn là rất đáng kể.

Minh Quân - Phạm Quý