Chạm đỉnh Fansipan
Với không ít nguy hiểm rình rập trong hành trình đầy thử thách chạm đỉnh Fansipan- nóc nhà Đông Dương cao 3.143m so với mặt nước biển, thuộc tỉnh Lào Cai- lời khuyên cho dân phượt là hãy chọn một lịch trình phù hợp nhất. Bên cạnh đó rất cần những người bạn đồng hành tin cậy, đầy đủ đồ phục vụ cho chuyến đi để có một hành trình an toàn.
Fansifan ở phía trước.
Chúng tôi chọn những người dân địa phương thông thuộc Fansipan như lòng bàn tay dẫn đường trong chuyến đi này.
Từ thị trấn Sa Pa, khởi hành từ sáng sớm chúng tôi lên tới Trạm Tôn - cửa ngõ vào rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn. Dù đang là đỉnh điểm của đợt nắng nóng, nhưng mùa hè nơi này thời tiết rất đỗi dịu dàng.
Những hướng dẫn viên người Mông đã có mặt chờ chúng tôi từ lúc nào. Họ tự giới thiệu tên, nhưng tôi chỉ nhớ được cái tên A Sinh- một chàng trai trẻ khá hoạt bát, thân thiện. Và porter (người mang vác) là để chỉ những “hướng dẫn viên” đi theo chúng tôi. Nhìn vóc dáng ai cũng nhỏ bé mà trên lưng họ mang vác hơn chục cân hành lí gồm các đồ lều trại, thức ăn...phục vụ du khách với phong cách chuyên nghiệp.
Ở chặng đường đầu tiên, chúng tôi rất ấn tượng Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn bởi những cây cổ thụ nối tiếp nhau, nhiều loài cây lạ lẫm. Tiếng chim hót líu lo, tiếng lá cây khô bước chân ai dẫm nhẹ, tiếng suối chảy róc rách văng vẳng, dốc nối dốc, đá tiếp đá, suối quanh co uốn lượn... khiến ai cũng háo hức dù được cảnh báo quãng đường dài đầy gian nan phía trước.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên là khu rừng nguyên sinh rộng lớn với diện tích trên 28.900ha còn những nét hoang sơ, càng lên cao càng nhiều điều hấp dẫn. Với hệ thực vật gồm trên 2.000 loài, trong đó có 113 loài quý hiếm có tên trong danh mục đỏ của thế giới và Sách đỏ Việt Nam. Những thân cây cổ thụ to mấy người ôm đã có hàng trăm năm tuổi, qua thời gian, thân cành chằng chịt dây leo, bám đầy rêu phong và tầng tầng địa y như những tấm bản đồ của đại ngàn bí ẩn. Trên thân cổ mộc, phong lan thi nhau khoe sắc.
Sau một hành trình “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”, chúng tôi nghỉ trưa ở độ cao 2.200m, trên những chiếc lều được dựng sẵn cho các đoàn leo núi. Sau khi A Sinh chuẩn bị món xôi để hồi sức, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Hành trình lần này khó khăn hơn lúc sáng rất nhiều. Hết con dốc này lại tới con dốc khác, hết đá tảng này lại tới đá tảng khác, có những đoạn nơi tôi bám vào chỉ là những cành cây mỏng manh để thoát thân.
Những hơi thở gấp gáp dồn dập đầy mệt mỏi pha sự sợ hãi của các thành viên. Chúng tôi di chuyển từ đá tảng này sang đá tảng khác là nắm chắc những thân trúc và trượt theo thân cây xuống dần. Porter hướng dẫn, trong trường hợp không an tâm với độ bám của chân mình, hãy dùng cả mông và lưng để trườn xuống. Các nhóm khi leo cần hỗ trợ nhau để cùng nhau vượt qua những điểm khó nhất. Vất vả, có lúc đuối sức nhưng không gian luôn tràn ngập tiếng cười.
Thung lũng Mường Hoa.
Trên đường đi, nhiều lúc có thành viên bất ngờ phát hiện những triền núi ngập tràn màu xanh, thung lũng Mường Hoa đẹp mê hồn hiện ra dưới ánh nắng chan hòa, hay khoảng sáng tối của núi rừng đan xen nhau như một kiệt tác của tạo hóa. Chúng tôi reo lên thích thú khi phát hiện ra những loài hoa lần đầu tiên được chiêm ngưỡng trên dãy Hoàng Liên Sơn. Nhưng thật tiếc rằng mùa hè không phải là mùa của hoa đỗ quyên.
Tới độ cao 2.800m là điểm dừng chân nghỉ qua đêm. Tối đến chúng tôi nghỉ trên những chiếc lều bạt do người dân tộc dựng lên. Sau bữa cơm với món gà nướng, đoàn nhanh chóng thiếp đi vì thấm mệt. Sớm hôm sau, ngày thứ 2, đường chinh phục “nóc nhà Đông Dương” rút dần khoảng cách, nhưng “điểm đen” của chặng tiếp theo cũng được các porter khuyến cáo.
Chúng tôi lên đường chinh phục đỉnh Fansipan khi trời vẫn còn tối đen, trong khoảng không gian như bao la vô tận. Một bên là vực, một bên là vách núi âm u, tĩnh mịch, chỉ vang lên nhè nhẹ tiếng bước chân của đoàn leo núi. Ánh sáng đèn pin, điện thoại le lói dẫn lối. Những vách đá dựng đứng sừng sững hiên ngang dần hiện ra.
Từ điểm cao 2.800m đến 2.900m chúng tôi di chuyển qua khu rừng trúc, địa hình dốc lên liên tục, nhiều đoạn phải dùng tới thang sắt để vượt qua. Để lên cao độ 3.000m phải đi qua rừng trúc lùn bằng đường mòn có tay vịn, vượt qua các vách đá dựng đứng và khoảng hơn 100 m cuối cùng đường lầy lội để có thể chạm tay vào cột mốc huyền thoại trên đỉnh Fansipan.
Khi di chuyển qua các đoạn đường khó này, người leo núi phải hết sức tập trung vì đường đi gây mất sức và địa hình nguy hiểm gây xáo trộn tâm lý. Cơn mưa nhỏ là một thử thách khi di chuyển ở đoạn đường từ điểm cao 2.600m lên 3.000m. A Sinh dặn đi dặn lại những thành viên trong đoàn cần phải cẩn thận hơn nữa để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trời sáng dần, trong rạng đông, cảnh vật núi rừng hùng vĩ, đẹp đến mê hồn. Rồi đỉnh Fansipan hiện ra trước mắt, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, lặng đi xúc động xen lẫn hân hoan, vì cuối cùng đã được chạm tay vào cột mốc 3.143m. Đứng trên đỉnh Fansipan, con người trở nên nhỏ bé giữa không gian đất trời bao la lộng gió. Bầu trời cũng trở nên gần hơn. Trời sáng dần, khung cảnh phía dưới hiện ra đẹp tựa bức tranh lụa, mang lại cảm giác vừa hùng vĩ nhưng cũng thật thanh bình. Chúng tôi không quên mở sâm panh ăn mừng, rồi ghi lại những khoảnh khắc đáng tự hào này.
Được thử sức chinh phục định Fansipan cõ lẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Gian nan, vất vả có cả mồ hôi và những giọt nước mắt, nhưng đọng lại là một cảm giác khó diễn tả thành lời. Chỉ biết, đó là một quyết định đúng đắn, bởi chinh phục đỉnh Fansipan cũng là cách để bạn chinh phục bản thân mình.