Làng hến bên sông La
“Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua”, lần theo câu ca ấy chúng tôi tìm về làng Bến Hến (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ngôi làng ẩn mình bên dòng La hiền hòa, hơn 300 năm nay vẫn “giữ lửa” nghề truyền thống gắn bó máu thịt với sông nước. Sản vật ngọt mát của dòng La đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ và đến hôm nay vẫn chưa bao giờ ngưng nghỉ.
Nghề làm hến ở Bến Hến nhiều vất vả.
Cái nghề lọ mọ như vạc ăn đêm
Làng Bến Hến, buổi chiều tháng 6 nắng như đổ lửa. Đứng trên cầu Thọ Tường, nhìn về phía xa xa đã thấy làng hến. “Dẫu ai đi quanh về quắt, không kẻo nước giắt Kẻ Thượng” (giắt là loại hến nhỏ sinh sôi rất nhanh vào mùa hè, thích nghi sống ở vùng nước lợ như phía hạ nguồn giáp ranh giữa sông La và sông Lam). Ngôi làng nổi lên dung dị, cổ kính nhưng không kém phần tấp nập, huyên náo.
Tới đầu làng đã nghe tiếng rây hến như tiếng ve mùa hè. Mùi hến ngọt bùi cứ quyện vờn quanh mũi. Ngôi làng này vừa mang những nét thuần túy cổ kính và vừa có dáng dấp hiện đại. Những hàng cây cổ thụ ven sông La ôm lấy làng tạo nên những nét xưa cũ, thơ mộng. Nhà tầng, nhà mái bằng san sát không khác gì những ngóc ngách huyên náo ở vùng đô thị đông đúc.
Người dân làng này cũng không biết nghề làm hến bắt đầu từ bao giờ, chỉ nghe truyền lại rằng, cách đây hơn ba trăm năm, trong làng có một gia đình chỉ có hai cha con, mẹ mất sớm, người cha một mình gà trống nuôi con. Lớn lên đứa con thi đỗ làm quan, trên đường trở về quê hương vinh quy bái tổ gặp lúc gió mưa, sấm sét giữ dội và bị rơi xuống sông La.
Người làng bỏ công tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy xác chỉ vớt được những con hến nho nhỏ. Khi người dân đem đi nấu cháo, nấu canh thì thấy rất ngọt, từ đó làng chuyên đi bắt hến để về ăn, dần dần cả làng chuyên đi bắt hến về bán mưu sinh.
Cụ Lê Đức Tài năm nay đã 85 tuổi cho biết: “Hàng năm, làng lấy ngày 20 tháng 3 (âm lịch) là ngày tế Thành Hoàng làng, người dân chế biến các món ăn từ hến để cúng Thành Hoàng. Đây được coi là ngày giỗ nghề của người dân làng bến Hến”.
Làm hến vất vả, truân chuyên khó có nghề nào sánh bằng. Ngày xưa, mò cua, bắt ốc không mất thuế chợ là vì vậy. Ngày nay, nghề này tuy vất vả nhưng đổi lại chắt góp được đồng tiền. Chị Nguyễn Thị Sen, một người làm hến lâu năm ở làng Bến Hến chia sẻ: Để theo đuổi được nghề làm hến không phải là điều đơn giản, phải có sức khỏe, chịu khó thức khuya dậy sớm.
Đàn ông phải thức dậy từ 1 giờ sáng để đi vợt hến đến 12 giờ trưa mới về. Phụ nữ cũng thức dậy lúc đó để luộc hến đem đi chợ bán cho nóng, tươi. Để làm ra một cân hến thịt trải qua rất nhiều công đoạn. Vượt sông hàng chục cây số để vợt hến, sau đó về nhặt rác, cát, sỏi cho sạch rồi ngâm, luộc, chao, đãi…Cả ngày quần quật không phút ngơi nghỉ.
Cào hến, đi bắt hến không dễ dàng gì vì phải phụ thuộc vào con nước thủy triều lên - xuống. Làm hến không phân biệt, không tính mùa, ngày hay đêm. Gặp tuần nước nước xuống vào ban ngày, mùa hè còn đỡ vì chỉ chịu cái nắng, nóng đội xuống đốt cháy da, bù lại nước mát ngâm thỏa thích.
Cuối tuần trăng, nước chuyển dịch rút xuống vào ban đêm gặp mùa đông, gió mùa trời rét nằm chưa ấm chỗ đã phải dậy đi cào, lọ mọ như vạc ăn đêm, nước buốt lạnh vẫn cứ phải ngâm mình cào, lắc. Nhiều lúc giá rét, cứng cả hàm, tay chân tê buốt, nói không ra lời.
Vì muốn gắng làm cho hết buổi, hết con nước nên người cào hến phải uống nước mắm để chống rét, chống lạnh. Đã làm nghề hến ít nhất mỗi gia đình cũng phải sắm một chiếc thuyền. Làm hến ở khắp nơi, nhưng chủ yếu vẫn trên dọc các con sông quen thuộc như sông La, sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và ra tận hạ lưu sông Lam.
Khi nước lên buổi cào kết thúc, mọi người dở cơm nắm ra ăn rồi theo gió kéo buồm về Bến Hến. Thuyền cập bến thì cả làng như có hội, già, trẻ, lớn, bé - những ai có mặt ở nhà đều ra tận bờ sông đón người thân. Tiếng gọi nhau ồn ào cả một vùng. Nghề hến cuốn tất cả mọi người trong làng vào vòng xoáy mưu sinh. Chắc cũng do nghề sông nước mà tiếng nói của người dân làng Bến Hến vì thế nghe hơi nặng, hơi thô.
Hến cập bến được người dân bươi, cào để nhặt rác, cặn. Khi đã sạch thì đem đi ngâm cho ngập nước, nhanh thì một buổi, nhiều thì một đêm để cho hến nhả hết bùn, hết cát. Thường thường để kịp buổi chợ tuỳ theo gần xa, cánh đàn bà, con gái cứ phải dậy lúc 10 giờ tối hoặc 1 - 2 giờ sáng để nấu. Lúc này đứng trên cầu Thọ Tường nhìn sang thì làng giống như một khu công nghiệp với những lò khói bốc lên nghi ngút, ánh sáng từ hàng trăm lò nấu hến hắt tỏa ra rực sáng lung linh.
Cào hến, đi bắt hến không dễ dàng gì vì phải phụ thuộc vào con nước thủy triều lên - xuống. Làm hến không phân biệt, không tính mùa, ngày hay đêm. Gặp tuần nước nước xuống vào ban ngày, mùa hè còn đỡ vì chỉ chịu cái nắng, nóng đội xuống đốt cháy da, bù lại nước mát ngâm thỏa thích. Cuối tuần trăng, nước chuyển dịch rút xuống vào ban đêm gặp mùa đông, gió mùa trời rét nằm chưa ấm chỗ đã phải dậy đi cào, lọ mọ như vạc ăn đêm, nước buốt lạnh vẫn cứ phải ngâm mình cào, lắc. Nhiều lúc giá rét, cứng cả hàm, tay chân tê buốt, nói không ra lời. |
Nghề làm hến đi về đâu?
Theo chị Sen, luộc hến là công đoạn đòi hỏi nhiều kỷ thuật và kinh nghiệm. Lửa thì lửa phải rực, đượm và đều nếu không hến sẽ câm, không nở, sản phẩm ruột hến thu được ít, thu nhập bị giảm. Khi thấy chảo sôi ùm lên là phải lập tức giảm lửa sau đó dùng dụng cụ đánh đảo cho hến đều. Khi nào thấy hến mở hết, mở đều thì vớt ra đem xuống sông chao gợn tách vỏ lấy ruột hến.
Tùy theo từng người, ruột hến có thể để riêng theo từng sanh, chảo hoặc 2 - 3 sanh, chảo một nơi, một mớ cho dễ bán. Nước được múc đựng vào các thùng tôn. Còn vỏ hến được gom lại dùng để đốt vôi phục vụ nông nghiệp và xây dựng hoặc người dân mua về làm thức ăn cho vịt.
Con hến sử dụng triệt để không bỏ thứ gì. Đàn bà, phụ nữ khi nấu hến xong phụ thuộc vào chợ gần, xa mà đi ngay hoặc chờ trời sáng. “Người ta hay đồn đại là dân ở đây bỏ chất gì của Trung Quốc để hến nở nhanh, trắng nhưng thực tế cô thấy đó, khi luộc hến chúng tôi chỉ bỏ một nắm muối trắng vào đảo cho hến săn chắc, vị đậm đà chứ không hề có bất cứ thứ gì khác”- chị Sen nói.
Hến Trường Sơn được tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Hầu hết ở đâu có chợ là ở đó có bán hến Trường Sơn. Ngay tại xã có chợ Thượng, chợ Vãi, chợ Đón, qua đò có chợ Hôm, chợ Đồn, ngược sông Ngàn Sâu có chợ Nướt, chợ Bộng, chợ Phùng; ngược sông Ngàn Phố có chợ Choi, chợ Nền Rạp, chợ Phố Châu; xuôi sông La có chợ Huyện. Hến có mặt ở các đô thị như TP Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh. Hến còn ra tận Nghệ An, có mặt ở chợ Vinh, chợ Mí, chợ Quyết, chợ Rồng...
“Ngay cả ở thủ đô Hà Nội, người ta ăn hến ở đây quen rồi, khi nào cần thì họ gọi điện bảo chúng tôi gửi xe khách ra, nhà xe thu tiền đem về cho chúng tôi. Có khi cả người mua và người bán không hề biết mặt nhau nhưng rất tin tưởng vào chất lượng hến ở làng này”- chị Sen vui vẻ nói.
Làm hến tuy vất vả nhưng cho thu nhập khá, có người mỗi ngày bán được một triệu đồng. Những người được thuê rây hến thì mỗi chảo hến được tính 10 nghìn đồng, nếu người nào khỏe, làm nhanh thì một tiếng đồng hồ làm được 5 chảo, một ngày 4-5 trăm nghìn.
Hến được giá nhất vào mùa hè, trung bình 1 kg hến vỏ giá khoảng 20.000 đồng, nếu đã qua chế biến, loại hến to thì giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng còn hến nhỏ thì 40.000 đến 45.000 đồng/kg. Nhờ nghề truyền thống mà làng Bến Hến đã có nhiều đổi thay, cuộc sống người dân hầu hết là khá giả.
Ông Nguyễn Văn Tuyến- Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: “Nghề làm hến được người dân duy trì hàng trăm năm nay vì cho thu nhập khá, trung bình. Nếu mùa vụ nào trúng, nhiều gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. Xã đã thành lập các tổ hợp tác, hỗ trợ nguồn vốn đóng thuyền, sắm sửa máy móc để người dân yên tâm làm ăn, duy trì nghề truyền thống của cha ông”.
Dẫu vậy, nghề làm hến hao mòn sức khỏe, vì phải dầm mưa dãi nắng, đắm mình nơi sông nước quanh năm nên hầu hết người làm hến đều mắc các bệnh về xương khớp, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm… Cứ 10 người làm thì 8 người mắc bệnh. Mặt khác, việc đánh bắt hến dùng bằng vợt sắt, khi vợt thì thu gom hết tất cả con hến lớn, bé kể cả hến mới sinh sản, điều này đang vô tình hủy diệt nòi giống hến và vì thế hến ở đây cũng đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.