Mặt trận kiến nghị: Hiện đại hóa lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình Biển Đông, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước xây dựng và hiện đại hóa lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới…
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu.
Ngày 27/6, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đã trình bày báo cáo ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình nhân dân và đất nước 6 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình tư tưởng của các tầng lớp nhân dân nói chung yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Nhân dân quan tâm và đánh giá cao việc tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng; tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành và các địa phương.
Các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong 6 tháng qua đã góp phần quan trọng vào việc củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước và đối tác cũng như đưa các mối quan hệ song phương và đa phương tiếp tục đi vào chiều sâu.
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Qua tập hợp, tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, qua công tác giám sát của MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có một số ý kiến:
Thứ nhất, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục chỉ đạo việc đưa nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội như rà soát việc xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật bảo đảm sự cạnh tranh, hợp tác của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những nội dung cơ bản về các hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế để lành mạnh hóa thị trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Thứ hai, Quốc hội khóa XIV tới đây sẽ bầu, phê duyệt các chức danh lãnh đạo nhà nước cao nhất, các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đồng nghĩa với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong nhiệm kỳ mới cần tinh gọn, hiệu quả.
Những bất cập tồn tại trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cần phải được giải quyết một cách triệt để nhằm góp phần quan trọng trong xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ ba, trước những diễn biến phức tạp về tình hình Biển Đông, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế; xây dựng và hiện đại hóa lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; tiếp tục đối thoại tìm các giải pháp hòa bình, tham gia xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo; thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống, sản xuất cũng như đề ra các biện pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, về vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác truyền thông, giáo dục an toàn thực phẩm; tăng cường hoạt động quản lý, chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương trên toàn quốc; tăng cường nhân lực và nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, thanh kiểm tra, kiểm nghiệm vệ sinh thực phẩm; thực hiện nghiêm ngặt việc thanh tra, kiểm tra, xét nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cửa khẩu, ở các cơ sở nhà hàng, cửa hàng ăn uống; thiết lập và phổ biến rộng rãi trong nhân dân về đường dây nóng chuyên phản hồi về các sai phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý thật nghiêm minh với tất cả các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm.