'Chưa bao giờ bầu cử dân chủ công khai minh bạch như kỳ này'
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hoá xã hội, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9.
Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9.
Chiều ngày 27/6, hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 9 đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, chân tình của các đại biểu phản ánh ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong 6 tháng qua cũng như những công việc của Mặt trận từ bầu cử đến giám sát hỗ trợ hạn xâm nhập mặn, hỗ trợ cho đồng bào miền Trung ảnh hưởng bởi cá chết bất thường...
Một khối lượng công việc đồ sộ ghi đậm dấu ấn của người Mặt trận.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch nhận định, trong 6 tháng qua công tác Mặt trận tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 8 của MTTQ Việt Nam trong phối hợp thống nhất hành động giữa các Mặt trận các tổ chức thành viên các cơ quan hữu quan qua đó tạo nên sức mạnh tổng hợp càng ngày càng hiệu quả trong giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch phát biểu.
Đặc biệt trong việc thực hiện chức năng giám sát phản biện, cán bộ Mặt trận ngày càng trưởng thành hơn.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Túc, đó là việc quá tải ở cơ sở. Thực tế cán bộ Mặt trận nhất là ở khu dân cư “thở không ra hơi, bơi không hết việc”.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, cần gỡ cho cơ sở, địa bàn dân cư tránh quá tải và có chính sách phù hợp cho cán bộ Mặt trận ở cơ sở đặc biệt là Ban CTMT ở khu dân cư để huy động cho được người cao tuổi, cựu chiến binh, hội phụ nữ tham gia cùng với Mặt trận giải quyết những vấn đề ở khu dân cư.
"Muốn làm được điều đó, Ban Thường trực cần thí điểm ở mỗi cuộc vận động để rút kinh nghiệm và phổ biến trong thời gian tới”, ông Túc đề nghị.
Liên quan đến vấn đề bầu cử, ông Nguyễn Túc nhìn lại quá trình tham gia của chính bản thân mình sau 8 cuộc bầu cử, ông bày tỏ niềm vui khi chia sẻ, chưa bao giờ bầu cử dân chủ công khai minh bạch như kỳ này.
Thực tế qua công tác giám sát ở Hòa Bình, Sơn La cho thấy công tác bầu cử làm rất bài bản, bỏ phiếu tín nhiệm với những người ở xã ở huyện rất tốt, tuy nhiên theo ông Túc ở kỳ này chúng ta tập trung nhiều vào Trung ương còn hướng dẫn kiểm tra ở tỉnh, huyện, xã còn coi nhẹ.
“Lần đầu tiên bầu cử ở cấp xã bị thiếu hụt nhiều. Điều này cho thấy, bên cạnh những thành tựu mà chúng ta đã làm được góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử thì cần nhận rõ trách nhiệm của Mặt trận ở một số nơi chưa làm đến nơi đến chốn để bầu cử ở cấp xã bị thiếu hụt”, ông Túc thẳng thắn nêu ý kiến.
Quan tâm đến nhiệm vụ Mặt trận đưa Nghị quyết 12 của Đảng vào cuộc sống, ông Phạm Xuân Hằng, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Mặt trận đưa nghị quyết 12 vào cuộc sống là một nhiệm vụ quan trọng vì nếu không làm thế thì không thể duy trì được cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Xuân Hằng phát biểu.
Theo ông Hằng, Đảng có 3 phương thức, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là trung tâm, phát triển văn hoá là nền tảng xã hội. Trong đó phát triển văn hoá chưa tương xứng, chưa gắn với phát triển kinh tế. Kinh tế mà không gắn với văn hoá sẽ kìm hãm sự phát triển của xã hội như hàng hoá giả, thuốc sâu giả, an toàn thực phẩm không đảm bảo...
“Phải xem văn hoá là nền tảng của sự phát triển. Chúng ta cần đổi mới đồng bộ toàn diện trên nền tảng văn hoá chứ không phải trên 3 phương thức đó để rồi việc ai người đó làm. Kỷ luật Đảng phải nghiêm khắc hơn. Công bộc của dân phải trung thực với chính mình, biết lắng nghe thật lòng và phát ngôn một cách đúng mực”, ông Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hằng, nhiệm vụ của Mặt trận là xây dựng đại đoàn kết, trong đó chọn những việc gắn với nhiệm vụ để làm nhưng cũng phải chủ động, quan tâm đến những vấn đề khác để còn thực hiện giám sát phản biện.
Góp ý vào chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết đại hội XII của Đảng, ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch đề nghị từng nhiệm vụ trọng tâm cần chỉ rõ những nhiệm vụ phải làm của Mặt trận để tránh quá sức sẽ không làm hết được.
Ông Lù Văn Que phát biểu.
Ông Lù Văn Que cũng đề cập đến thực tế việc phá rừng ở Tây Bắc, Tây Nguyên đã cho chúng ta bài học đắt giá về khát nước. Mặt trận cần ủng hộ chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ nhưng đồng thời Mặt trận nên tích cực vào cuộc vận động toàn dân tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng với cách làm bài bản và có trách nhiệm.
Quan tâm đến việc phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của người dân, triển khai các cuộc vận động, bà Hà Thị Liên - Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, cần tập trung chọn 3 đến 5 nội dung để làm rõ vai trò của Mặt trận trong thực hiện cuộc vận động.
Bà Hà Thị Liên - Ủy viên Đoàn Chủ tịch phát biểu.
Bà Liên đề nghị, Trung ương cần tập trung bàn rõ nét và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tập huấn, triển khai các chuyên đề để cả nước cùng thực hiện đồng bộ cuộc vận động.
Mặt trận nên có chuyên đề giám sát trong việc huy động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới tránh việc huy động quá sức dân, hay việc nợ nần, lợi dụng tiêu cực trong việc sử dụng nguồn lực xây dựng NTM.
Bên cạnh đó bà Liên cũng đề nghị nên xem xét việc bình bầu đăng ký gia đình văn hóa, thống nhất các tiêu chí bầu các gia đình tiêu biểu, thay đổi trong cách bầu đăng ký hàng năm để việc đăng ký thiết thực tránh hình thức chạy theo thành tích có tới hàng 100% gia đình văn hóa nhưng vẫn trộm cắp, tệ nạn xã hội.
Ông Trần Ngọc Đường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch khẳng định việc nêu ý kiến về tình hình nhân dân, đất nước là văn kiện quan trọng trong việc cho Đảng, Nhà nước xây dựng sách pháp luật phù hợp với lòng dân.
“Trong thời gian qua, nhân dân sục sôi về vụ cá chết ở miền Trung, vụ đi xe công biển xanh của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Nhân dân cũng ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xử lý vụ việc này cho nên người dân lo có những chỉ đạo nhưng làm không đến nơi đến chốn và chỉ để rút kinh nghiệm. Tôi muốn Đoàn Chủ tịch, Ban thường trực đầu tư nhiều hơn cho những văn kiện này. Phải phản ánh tương đối tiệm cận với ý chí của nhân dân. Trong báo cáo về tình hình nhân dân đất nước nên phản ánh ý muốn của từng tầng lớp xã hội và từng vụ việc cụ thể và các tổ chức thành viên phải đóng góp phản ánh đầy đủ dư luận của xã hội để Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách tốt hơn”, ông Trần Ngọc Đường đề nghị.
Góp ý vào nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận trong 6 tháng cuối năm, ông Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện hải dương học - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ cho rằng, đối với việc Mặt trận vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu bên cạnh việc thay đổi hành vi của người dân cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, đi kèm với đó là chế tài mới giải quyết được vấn đề môi trường.
Liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông Võ Sĩ Tuấn cũng cho hay, bên cạnh việc tăng cường lực lượng quân sự để bảo vệ chủ quyền biển đảo cần đa dạng hóa các hoạt động dân sự như hoạt động kinh tế, bảo vệ môi trường, hợp tác nghiên cứu khoa học trên biển.
Nghiên cứu khoa học, môi trường chúng ta còn đơn độc cần khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển Đông. Tại sao chúng ta không mời các nhà khoa học quốc tế đến Trường Sa để nghiên cứu để họ công nhận chủ quyền của chúng ta.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị cần có đánh giá về chiến lược biển của chúng ta trong thời gian qua để biết được sau sau bao nhiêu năm chúng ta làm được gì và không được gì. Chúng ta muốn là một quốc gia mạnh về biển đi lên từ biển thì cần có một chiến lược bài bản.