Dư chấn Brexit tiếp tục lan khắp toàn cầu
Giữa những dự báo về hậu quả của cơn địa chấn mang tên Brexit, chính phủ Anh đang căng mình nhằm hạn chế tổn hại mà nó gây ra đối với đất nước trong lúc chờ tiến trình “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU) khởi động, trong khi giới lãnh đạo chuẩn bị cho các vòng họp đầu tiên đầy căng thẳng.
Dư chấn từ sự kiện Brexit tiếp tục lan rộng khắp toàn cầu. (Nguồn: SBS).
Sự kiện đầu tiên trong hôm đầu tuần cho thấy chính trường Anh đang lao đao chống chọi với ảnh hưởng của Brexit - Anh rời khỏi EU - chính là cuộc khủng hoảng trong Công đảng Anh do ông Jeremy Corbyn dẫn đầu. Ông Corbyn đã tuyên bố bổ nhiệm 10 vị trí mới sau khi hàng loạt các nhân vật chủ chốt của đảng lần lượt từ chức khỏi cái gọi là "nội các đối lập" hồi cuối tuần qua.
Sáng ngày 27/6, trước khi thị trường châu Âu mở cửa, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã nói rằng Brexit chắc chắn sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế chung của nước Anh và cả các nguồn tài chính của chính phủ tuy nhiên ông cũng tuyên bố, sẽ chấp nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và sẽ hợp tác để tiến trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.
Theo vị quan chức trên, nền kinh tế Anh vẫn ổn định. Ông cũng cho rằng chính phủ Anh không nên quá vội vã trong tiến trình “ly hôn” với EU.
“Không có gì để nghi ngờ về khả năng duy trì sự ổn định tài khóa mà chúng tôi đang thực hiện với đất nước. Và với các công ty lớn nhỏ, tôi sẽ nói điều này: Nền kinh tế Anh về cơ bản vẫn mạnh mẽ, có độ cạnh tranh cao và luôn cởi mở” - ông Osbourne tuyên bố.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Anh cho hay đã có rất nhiều doanh nghiệp yêu cầu cần phải có một bảng thời gian chi tiết về việc Anh rời khỏi EU.
EU họp khẩn
Trong khi đó, tại Berlin hôm đầu tuần, 3 nhà lãnh đạo hàng đầu của EU gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã có cuộc họp về vấn đề Brexit. Cuộc họp này được tổ chức ngay trước một cuộc họp lớn tổ chức ở Brussels trong hai ngày 28 và 29/6 khi giới lãnh đạo châu Âu cùng thảo luận về biện pháp ứng phó với Brexit.
Cuộc họp ở Brussels sẽ tụ họp đầy đủ lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU, chỉ trừ Thủ tướng Anh David Cameron được cho là sẽ không đến tham dự phiên họp này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng có mặt tại Brussels để tham dự các cuộc họp khẩn của EU.
Scotland đòi độc lập
Liên quan tới sự giận dữ của người Scotland trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh tổ chức hôm 23/6 vừa qua, Bộ trưởng thứ Nhất của nước này, bà Nicola Sturgeon đã tuyên bố rằng Quốc hội nước họ có thể phủ quyết quyết định rời khỏi EU của người Anh.
Trước đó, trong ngày 26/6, bà Sturgeon từng nói rằng bà chắc chắn sẽ yêu cầu các thành viên trong đảng từ chối đồng thuận với kết quả cuộc trưng cầu vừa qua. Tuy nhiên, có khả năng lớn là bước đi này sẽ bị Quốc hội Anh ở Westminster gạt bỏ. Bà Sturgeon cũng cho hay bà sẽ khởi động các vòng đàm phán với Brussels trong tuần tới về việc Scotland sẽ ở lại EU.
Bà Sturgeon từng phản đối gay gắt kết quả cuộc trưng cầu dân ý, nói rằng sẽ là điều không thể chấp nhận về mặt dân chủ khi Scotland mất tư cách thành viên EU trong khi rõ ràng đa số phiếu cử tri của họ ủng hộ ở lại. Và như một hậu quả, Scotland đã lên kế hoạch sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu thứ hai - cuộc thứ nhất từng diễn ra năm 2014 - nhằm tách ra khỏi Liên hiệp vương quốc Anh (UK).
Thị trường toàn cầu suy giảm
Khi các thị trường bắt đầu mở cửa phiên giao dịch hôm đầu tuần, đồng Bảng của Anh tiếp tục đà mất giá do các nhà đầu tư lo sợ về dư chấn của sự kiện Brexit. Chỉ số FTSE ở London đã giảm 0,5% ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, và đồng Bảng Anh đã mất giá thêm 2% so với đồng USD, ở mức 1 Bảng đổi 1,34 USD - mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Sự kiện Brexit cũng ảnh hưởng tới các thị trường cổ phiếu ở châu Á trong hôm đầu tuần. Giới phân tích cho rằng ảnh hưởng của kết quả trưng cầu dân ý Anh sẽ còn lan rộng khắp toàn cầu, gây nên tình trang bất ổn và khiến cho nền kinh tế thế giới khó lấy lại sức bật. Quan trọng nhất tại thời điểm hiện nay chính là việc nước Anh cần phải duy trì sự ổn định nền kinh tế.
Tuy nhiên, những dự báo mới nhất về nền kinh tế Anh đều ảm đạm. Theo Economist, trước mắt ước tính Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020. Bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU.
Một người phát ngôn của chính phủ Đức hôm đầu tuần cho biết, sẽ không có bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào giữa Anh và EU trước khi Anh khởi động tiến trình “ly hôn” bằng việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. “Chỉ khi Anh đưa ra đề nghị theo Điều 50, thì EU mới vạch ra các hướng dẫn để đối thoại về tiến trình ra khỏi khối của Anh”, Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho hay. |