Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi Nga vụ bắn hạ máy bay: Ankara chủ trương 'Thêm bạn bớt thù'

Khánh Duy 29/06/2016 08:35

Trước lời xin lỗi muộn màng của phía Thổ Nhĩ Kỳ về vụ nước này bắn hạ máy bay quân sự Nga hồi năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ lần đầu tiên có cuộc điện đàm với người đồng cấp Recep Tayip Erdogan trong ngày hôm nay (29/6) kể từ sau khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ trong hôm nay (29/6) (Nguồn: Reuters).

“Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan sẽ diễn ra trong ngày mai, được khởi xướng bởi phía Nga” – Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trước báo giới trong hôm 28/6.

Trước đó, trong hôm đầu tuần, Tổng thống Erdogan đã gửi một bức thư tới Tổng thống Putin để đề nghị đưa ra lời xin lỗi về cái chết của một phi công Nga- người đã bị sát hại khi chiếc máy bay của ông bị bắn hạ ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái.

“Lãnh đạo nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và thương tiếc tới thân nhân của phi công Nga bị theiejt mạng và nói lời xin lỗi”, ông Peskov cho hay.

Mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua một giai đoạn thụt lùi ghê gớm kể từ tháng 11/2015 khi một chiếc máy bay ném bom Su-24M của Nga bị một chiếc phi cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Một phi công của chiếc máy bay này đã bị bắn chết khi đang nhảy dù xuống đất và một thủy quân lục chiến khác cũng bị thiệt mạng khi đang trong chiến dịch giải cứu phi công còn lại.

Hành động hung hăng trên đã vấp phải phản ứng nhanh chóng từ phía Moscow, trong đó Tổng thống Nga đã từng gọi đó là “đâm sau lưng”. Các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào mặt hàng nông sản xuất khẩu và ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ gần như được Nga áp dụng ngay lập tức.

Điện Kremlin nhìn nhận thông điệp mới của ông Erdogan như một bước tiến quan trọng hướng tới hàn gắn quan hệ song phương, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần phải giải quyết; theo Điện Kremlin.

“Thực tế, chúng tôi sẽ phải đưa ra hơn là một bước tiến đến gần nhau” – ông Peskov cho hay – “Không có lý do gì để tin rằng mọi thứ sẽ được giải quyết ổn thỏa chỉ trong vòng vài ngày, mà cần có thời gian làm việc”.

Điện Kremlin không cho hay liệu Tổng thống Putin có đáp lại bức thư của oogn Erdogan hay không, tuy nhiên xác nhận rằng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng đúng cụm từ “xin lỗi” mà không bao hàm thêm ý nghĩa nào khác.

Cả bức thư xin lỗi của ông Erdogan cùng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ trong hôm 29/6 là một tín hiệu tích cực sau gần 8 tháng căng thẳng giữa Moscow và Ankara. Nga đã từng yêu cầu phía Thổ đưa ra lời xin lỗi, đền bù thiệt hại và mang những kẻ có liên quan ra trước pháp luật, nhưng tất cả đều bị Ankara thẳng thừng từ chối.

Trong khoảng thời gian đó, Tổng thống Erdogan cũng nhiều lần cố gắng nối lại liên lạc với Tổng thống Putin, đáng chú ý nhất là trong tháng 6 vừa qua, khi ông này chúc mừng “tất cả người dân Nga”, bày tỏ hy vọng rằng “mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nâng lên một tầm cao xứng đáng” trong một bức thư.

Ngoài ra, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cũng từng gửi một bức thư riêng tới người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, nói rằng: “Trong tương lai gần, mối quan hệ hợp tác giữa hai đất nước sẽ đạt tới một tầm cao hết sức quan trọng đối với lợi ích chung của người dân hai nước”.

Nhưng hôm 28/6, ông Yildirim nói với báo giới trong nước rằng Ankara sẽ không bồi thường chi phí tổn thất cho chiếc máy bay Nga từng bị bắn hạ. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với điều ông tuyên bố chỉ mới một ngày trước đó rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chi trả tiền bồi thường “nếu cần thiết”, đồng thời nói rằng cả Moscow và Ankara “sẽ bỏ qua sự việc này sau lưng và tiếp tục con đường chung”.

Vì sao Thổ xin lỗi Nga?

Theo giới phân tích, nguyên nhân sâu xa đằng sau quyết định của ông Erdogan là do Ankara đã quá ngán ngẩm với các lệnh trừng phạt của Nga – gồm cấm hàng nông sản xuất khẩu, cấm bán các gói du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, dừng miễn thị thực đối với công dân Thổ, và hạn chế các công ty xây dựng của Thổ vốn hoạt động hiệu quả trên khắp nước Nga.

Đối đầu với nước Nga cũng khiến chính quyền Ankara hết sức lo ngại về việc nước này phải trả một cái giá quá đắt cho một trong các chính sách áp đặt của họ. Các chính sách này bao gồm ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, phong trào Hamas ở Dải Gaza và phe nổi dậy Syria dọc biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ.

Căng thẳng với quốc gia từng một thời là đối tác của họ cũng khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng chịu sức ép về mặt kinh tế, trong khi các mối đe dọa an ninh ngày càng trỗi dậy như phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc xung đột ở Syria và cả Iran.

Động thái mới của ông Erdogan cũng là kết quả của chính sách ngoại giao có tên “thêm bạn bớt thù”, được giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận, của ông đề xướng. Hồi tháng 6 vừa qua, ông Erdogan đã chỉ định một tân Thủ tướng, ông Binali Yildirim, để dẫn đầu nỗ lực ngoại giao này.

Khánh Duy