Chuyện cổ tích và những cuộc chia tay đắng ngắt
Vòng 1/8 Euro 2016 kết thúc bằng bất ngờ lớn nhất từ đầu giải khi tuyển Anh danh tiếng hơn hẳn nhưng đã phải cúi đầu rời giải đấu trước một Iceland kiên cường. Cùng với đó, vòng đấu này cũng đã khiến những nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha trở thành cựu vương sau khi bị người Ý khuất phục đầy tâm phục, khẩu phục.
Iceland vẫn đang viết tiếp câu chuyện cổ tích tại Euro.
Thất bại của tuyển Anh và Tây Ban Nha cũng đã khiến 2 HLV lão làng của bóng đá châu Âu Roy Hodgson và Del Bosque ngay lập tức đệ đơn xin từ chức.
Viết tiếp chuyện cổ tích
Câu chuyện cổ tích tại Euro năm nay vẫn được các cầu thủ Iceland viết tiếp những chương hồi đẹp nhất trong lịch sử bóng đá của đất nước xứ băng đảo. Chiến tích quật ngã “ông lớn” Anh bằng cuộc lội ngược dòng với tỉ số 2-1 của Iceland đã ngay lập tức khiến nhiều người liên tưởng đến chu kỳ 12 năm của Euro.
Năm 1992, Đan Mạch dù không vượt qua vòng loại nhưng khi được gọi lên thay thế đã đi một lèo tới chức vô địch và đến năm 2004 thì chức vô địch của đội bóng luôn bị coi là lót đường Hy Lạp đã khiến tất thảy đều thấy kỳ lạ, ngỡ ngàng.
Và giờ, chu kỳ 12 năm đó đang được người hâm mộ (NHM) khắc khoải mong chờ được tái hiện bằng cái tên Iceland. Quật ngã “gã khổng lồ” Anh đầy ngoạn mục, đội bóng xứ băng đảo vào tứ kết và không ngừng nuôi hy vọng viết tiếp câu chuyện cổ tích ở Euro này, bất kể đối thủ tiếp theo là chủ nhà Pháp có sự ủng hộ cuồng nhiệt.
Những gì các cầu thủ Iceland đã thể hiện cho thấy họ là đội bóng có lối chơi kỷ luật, sức mạnh và nhất là động lực thi đấu cực cao. Bằng một thứ bóng đá thể lực, hiện đại và cả sự cần mẫn cần thiết của một đội bóng nhỏ bé Iceland đã khiến tất cả phải ngả mũ với kỳ tích lọt vào tứ kết Euro.
Họ đã khiến tất cả các đối thủ không còn dám đánh giá thấp về mình nữa và họ sẽ tiếp tục mơ, tiếp tục hy vọng cho một giải đấu bất ngờ với ngay chính bản thân các CĐV quê nhà. Dẫu rằng, chiến thắng không thể cứ mãi đến chỉ với sự quyết tâm, lòng khát khao chinh phục, sự may mắn trong những khoảnh khắc, thời điểm diệu kỳ…
Nhưng những gì đã xảy ra người Iceland vẫn đang hân hoan chờ đón những diệu kỳ tiếp theo sẽ đến. Iceland đi tiếp đã giúp bóng đá càng trở thành môn thể thao nhiều bất ngờ, hấp dẫn và khiến những cuộc chơi thêm ý nghĩa, thêm vẻ đẹp. Đó cũng là động lực, niềm tin, để những đội bóng vốn bị đánh giá thấp có khát khao vươn lên, chứng tỏ mình, thậm chí chinh phục đỉnh vinh quang...
Trận thua này có thể nói là một trong những thất bại tủi hổ nhất lịch sử của ĐT Anh và khiến HLV Roy Hodgson phải xin từ chức ngay sau trận.
Ngay lập tức, làn sóng chỉ trích từ truyền thông cũng ào ào đổ xuống đầu thày trò Roy Hogson. “Tận cùng của sự nhục nhã: Đội tuyển Anh bị đá văng khỏi Euro bởi “nhược tiểu” Iceland” – đó là tiêu đề của bài báo trên tờ Daily Mail để viết về thất bại cay đắng của Tam sư.
Những gì đã thể hiện khiến người Anh chỉ biết tự trách mình bởi các cầu thủ của họ tỏ rõ yếu kém, thiếu động lực và non nớt khi bước vào sân chơi lớn. Một thế hệ đầy kỳ vọng của bóng đá Anh đã phải rời giải đấu đầy tủi hổ.
Đừng buồn cho Tây Ban Nha
Đã không thể có hattrick vô địch Euro cho Tây Ban Nha khi thầy trò Del Bosque phải nhận thất bại tâm phục, khẩu phục trước người Ý. Được đánh giá cao hơn, nhiều ngôi sao tên tuổi hơn nhưng lối chơi đã bị bắt bài, không nhiều đột biến cùng động lực thi đấu thấp khi các ngôi sao của họ quá no nê, bội thực trong thành tích đã khiến Tây Ban Nha trở thành cựu vương.
Tại Stade de France, không còn bóng dáng của một chú bò tót kiêu hùng mà chỉ là đội bóng của những cá nhân thi thoảng lóe sáng. Họ bị người Ý dẫn dắt trong suốt thời gian thi đấu. Lối chơi tiqui-taca nhợt nhạt đã bị bắt bài và thiếu biến hóa của La Furia Roja dễ dàng bị bẻ gãy khi vấp phải hàng phòng ngự mang thương hiệu catenaccio của Azzurri.
Thất bại này cũng sẽ khép lại 1 kỷ nguyên oai hùng, thành công rực rỡ của bóng đá Tây Ban Nha. Nó cũng là lời chia tay đắng ngắt của hàng loạt ngôi sao như Iniesta, Sergio Ramos, Cesc Fabregas, David Silva…
Người Ý một lần nữa khiến tất cả phải ngả mũ kính phục bởi nghệ thuật điều khiển cuộc chơi, nghệ thuật điều khiển trận đấu. Italia nổi danh với “Catenaccio” - thứ bóng đá phòng ngự bê tông từng được nâng tầm thành một nghệ thuật. Nhưng trong trận đấu với Tây Ban Nha tại vòng 1/8, đoàn quân áo thiên thanh gây bất ngờ lớn khi chủ động đẩy cao đội hình tấn công đánh phủ đầu.
HLV tuyển Italy Conte có quyền tự hào vì ngoài việc nâng tầm nghệ thuật phòng ngự sở trường, các học trò còn cho thấy họ có ý chí, động lực, khát khao và khả năng tấn công rất tốt mà chiến thắng để hạ bệ nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha là minh chứng rõ nét nhất.
Người Ý cũng như Iceland đã chứng minh, một tập thể đoàn kết, thống nhất, đồng lòng chiến đấu thì dù không có tên tuổi lớn vẫn sẽ chiến thắng những đội bóng có nhiều ngôi sao sáng giá nhưng thiếu gắn kết và động lực.
Thử thách lớn vẫn đang chờ tuyển Ý và Iceland ở vòng tứ kết tới khi phải gặp những đối thủ khó chơi. Italia sẽ phải đối đầu với người Đức - đương kim vô địch thế giới và đang có những màn trình diễn đẳng cấp. Trong khi Iceland phải gặp chủ nhà Pháp. HLV Conte đã sớm nhận định, tuyển Đức mạnh hơn Tây Ban Nha rất nhiều.
Nếu muốn đi tiếp, ông và các học trò cần phải có một trận đấu xuất sắc hơn cả những gì vừa thể hiện. Nhưng với những gì vừa thể hiện thì cả người Ý lẫn Iceland đều sẽ không ngần ngại viết tiếp những chương oai hùng của mình ở đấu trường Euro năm nay.