Giảm kiểm tra, bớt gánh nặng
“Doanh nghiệp tiếp tục mong muốn Nhà nước đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hải quan để giảm bớt gánh nặng. Chính phủ yêu cầu không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế thì cũng không nên kiểm tra hóa, kiểm soát hóa quá gắt gao”.
Hải quan đang từng bước cải cách thủ tục (Ảnh: S. Xanh).
Đó là những kiến nghị được nêu ra tại Hội nghị một số vấn đề cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 29/6, tại TP HCM.
Vẫn làm khó doanh nghiệp
Ông Phạm Quốc Long - Phó chủ tịch Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam băn khoăn, hầu hết các DN trong và ngoài nước đang hàng ngày đối diện những khó khăn khi làm thủ tục thông quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Đơn cử, hải quan vẫn thẩm định giá, kiểm tra chất lượng cho từng lô hàng tương tự các lô hàng đã nhập khẩu về từ trước.
Ví dụ: sắt thép, xe ô tô… dù nhập khẩu theo mẫu mã đã nhập khẩu từ chuyến trước rồi nhưng chuyến hàng về sau vẫn phải thực hiện đầy đủ các bước khi làm thủ tục hải quan. “Cần tiếp tục cải cách trên tinh thần tăng cường làm thủ tục hải quan qua mạng, giảm bớt thủ tục, giấy tờ trực tiếp tránh gây khó khăn không đáng có cho DN” - ông Long kiến nghị.
Lên tiếng về thủ tục hải quan trong kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “DN tiếp tục mong muốn nhà nước đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hải quan. Chính phủ yêu cầu không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế thì cũng không nên áp dụng kiểm tra hóa, kiểm soát hóa quá gắt gao”.
Trước đây khi nói đến kiểm tra hàng hóa nhập khẩu ông Giang từng kiến nghị xóa bỏ hình thức kiểm tra hàm lượng formaldehyde đối với vải mẫu nhập khẩu. Bởi vì, chỉ khoảng 5 – 10m vải cũng bị hải quan kiểm tra. Cùng mẫu vải đó khi nhập khẩu lần thứ hai, thứ ba cũng phải thực hiện quy trình tương tự. Cộng đồng DN khẳng định, kiểm tra tràn lan hàng hóa xuất nhập khẩu đang làm mất thời gian và chi phí của DN.
DN mong muốn, cơ quan nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu theo quy tắc quản lý rủi ro. Lý do, bản thân DN cũng rất trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh của chính đơn vị. DN đang quan ngại, mục tiêu đến năm 2020 có cả nước có 1 triệu DN nhưng trong điều kiện hiện nay liệu DN mới ra đời có sống nổi không?
Hiểu và thông cảm với khó khăn của DN vì cơ quan quản lý nhà nước siết chặt các bước kiểm tra hàng hóa, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, ở các nước khác chỉ có khoảng 10% hàng hóa xuất nhập khẩu bị kiểm tra còn lại là quản lý theo quy tắc rủi ro, Việt Nam thì ngược lại. Sắp tới đây sẽ chuyển dịch vụ công sang cho xã hội, thị trường, DN tự định đoạt.
Thay vì kiểm tra 100% hàng hóa xuất nhập khẩu thì hiện nay tỷ lệ này chỉ ở mức 35%. Mục tiêu tới đây, chỉ kiểm tra khoảng 10% cũng được Chính phủ hướng đến.
Tìm cách tháo gỡ
VCCI cho rằng, Chính phủ đã có nhiều động thái quan tâm và tháo gỡ khó khăn cho DN. Nghị quyết 36a của Chính phủ liên quan đến các quy định về thuế và hải quan đang tạo ra môi trường công khai, minh bạch và tăng cường giám sát tránh nhũng nhiễu, phiền hà DN. Ông Vũ Tiến Lộc hy vọng, Nghị quyết 36a sẽ hạn chế những chí phí không đáng có mà DN phải bỏ ra như thời gian qua.
Mong muốn cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong hội nhập, VCCI đang tham gia xóa bỏ 300 điểm không hợp lý có trong thông tư trước khi được nâng cấp lên Nghị định.
300 điểm không hợp lý thì nên bỏ đi hoặc cụ thể chứ không nên mù mờ như hiện nay. Theo VCCI, từ ngày 1/7 là thời điểm tổng rà soát các điều kiện kinh doanh cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế chứ không phải là thời điểm chấm dứt. Trong thực tiễn áp dụng nếu DN phát hiện sai sót vẫn có thể kiến nghị để tiếp tục sửa đổi cho phù hợp.
VCCI đang kiến nghị Chính phủ 6 tháng 1 tiến hành một đợt sửa đổi, nghĩa là cộng đồng DN cứ phát hiện những sai thì sửa không chờ 4 - 5 năm mới xếp hàng chờ xét như thời gian qua. DN nên nghiên cứu kỹ thấy gì bất hợp lý thì kiến nghị lên cho VCCI. “Chính phủ đang phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện kinh tế thị trường theo chuẩn mực thế giới trong thời hội nhập.
Nghĩa là không giữ nguyên mô hình phát triển cũ mà xem xét, tìm hiểu cách thức phát triển và quản lý cho phù hợp với điều kiện phát triển mới của Việt Nam” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại diện VCCI còn cho rằng, tinh thần của các văn bản mới đây của Chính phủ đều hướng đến mục tiêu: DN là động lực phát triển, không phải là đối tượng kiểm soát. Nhà nước là hậu phương vững chắc cho DN. Muốn biết DN thành công hay thất bại thì nhìn vào thái độ của nhà nước đối với DN sẽ rõ.