Đổ xô đi đăng ký mô tô, xe máy điện
Theo quy định, từ 1/7, mô tô, xe máy điện không có đăng ký, không đeo biển số lưu thông trên đường sẽ bị phạt theo quy định. Cũng từ 1/7, người đi xe máy điện làm thủ tục đăng ký sẽ phải nộp lệ phí trước bạ. Những ngày này, nhiều nơi như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An... các cơ sở, nơi đăng ký mô tô, xe máy điện rất đông người đến đăng ký, thậm chí quá tải, phát sinh đủ loại dịch vụ, cò quay...
Người dân chờ đợi đăng ký xe máy điện ở Đội CSGT tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nước đã đến chân
Mua xe máy điện từ hơn năm trước, nhà ngay gần Đội CSGT nơi đăng ký xe, nhưng Trần Thanh Minh, một học sinh PTTH ở ngay trung tâm quận Ba Đình vẫn chưa làm đăng ký xe, gắn biển số. Mấy tháng trước nhà trường tuyên truyền vận động học sinh có xe máy điện tập trung làm hồ sơ, nhưng rồi ít hồ sơ quá, nhà trường cũng không thể tổ chức cho các em đi đăng ký tập thể.
Và rồi cho đến sát giờ G, sắp đến ngày 30/6, Minh mới vội vã đến để mua hồ sơ đăng ký xe. Hỏi vì sao, trước đó không đi đăng ký biển số xe, cậu ta chỉ cười trừ. Còn vì sao giờ mới vội đi đăng ký, cậu ta tâm sự, rằng lo bị phạt, lo phải nộp lệ phí, đặc biệt nữa là xe cậu ta mua không có giấy tờ...
TP Hồ Chí Minh: Người dân vẫn hờ hững Chiều ngày 29/6, theo quan sát của chúng tôi tại điểm đăng ký xe máy điện của Công an huyện Hóc Môn, TP HCM, lượng người đem xe máy điện tới đăng ký không quá đông đúc. Phần lớn người dân vẫn tiếp tục đến để đăng ký xe mô tô. Tương tự, tại điểm đăng ký xe ở Công an Quận 3, trong ngày 29/6 cũng chỉ có khoảng 60 phương tiện xe máy điện được đăng ký. Con số này ở khu vực quận 1 thậm chí chỉ bằng một nửa. Đoàn Xá |
Có rất nhiều người cùng chung tình trạng như cậu học sinh Trần Thanh Minh trên đây. Chỉ khi gần đến ngày quy định phạt, quy định phải nộp lệ phí...nhiều người, nhiều nhà mới vội vã đi đăng ký xe, gắn biển số xe máy điện.
Những ngày này, các điểm đăng ký mô tô, xe máy điện ở nhiều tỉnh, thành phố đều khá đông đúc, nhiều địa điểm đăng ký quá tải, không ít người xếp hàng, chờ đến nửa ngày vẫn chưa được gọi tên, người đến giữa trưa, tối muộn phải quay về đến chiều, hôm sau đến xếp hàng.
Tại Hà Nội, cao điểm nhất có thể kể đến trong hai ngày 28, 29/6, trưa, chiều muộn, một số điểm đăng ký xe hàng người xếp hàng vẫn kéo dài. Gần 12 h trưa ngày 29/6, có mặt tại địa điểm đăng ký xe ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội, chúng tôi vẫn thấy có mặt hơn chục người chờ đợi.
Anh Nguyễn Thế Anh, Tổ trưởng Tổ đăng ký xe thuộc Đội CSGT Công an quận Ba Đình cho biết, tháng trước đó, mỗi ngày Đội tiếp nhận chỉ khoảng 50-70 hồ sơ. Tuy nhiên những ngày gần đây tăng vọt, có ngày lên đến 200-300 xe. Ngày 28/6, cán bộ của Tổ đã phải làm việc đến 9h đêm.
Phát sinh nhiều hệ lụy
Đăng ký dồn, đăng ký gấp, và rồi chỉ khi đến việc nhiều gia đình mới vỡ ra cảnh thủ tục còn thiếu thứ này, thứ kia. Có học sinh mang xe đến rồi lại mang xe về vì chưa có căn cước công dân mặc dù đã 18 tuổi. Có người thì thiếu hộ khẩu, hay không mang hộ khẩu chính, chờ mấy tiếng đồng hồ xếp hàng đến lượt thì lại quên chưa photo hộ khẩu, căn cước công dân kèm theo, hoặc chưa phải ở nơi mình chờ đợi...
Không ít xe không có cả số khung, số máy. Và như anh Nguyễn Thế Anh cho biết, tình trạng xe nhập lậu, không giấy tờ có đến 20-30%. Với những xe này, Đội phải lập hồ sơ trình lên cấp trên xem xét.
Cũng từ tình trạng dồn gấp, xếp hàng, chờ đợi mà sinh ra những dịch vụ, cò quay. Không ít người dù là xe máy điện cũng nhờ cậy để kiếm số đẹp. Dịch vụ trông xe, cà số, làm gọn cũng phát sinh. Nếu như theo quy định, đi đăng ký xe sớm trước đó thì không mất phí, nhưng không ít chỗ “dịch vụ” đã thu khoán gọn từ 250-350 ngàn đồng.
Rồi cà số mất 50 ngàn, lắp biển số từ 100-150 ngàn. Nhiều người dù mất phí cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Không ít người bức xúc, như chị Nguyễn Ánh Diệp ở Ngọc Khánh- Ba Đình- Hà Nội phản ánh: “Tôi đã nhờ dịch vụ 350 ngàn đồng, vậy mà họ còn đòi thu tiếp tiền lắp biển 150 ngàn đồng nữa”.
Lỗi tại người dân?
Chủ trương siết chặt quản lý phương tiện giao thông trong đó có xe điện, nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, góp phần chống tình trạng nhập lậu, gây thất thoát lãng phí đã có từ lâu. Từ năm 2013 đến nay đã có nhiều văn bản bản pháp luật quy định, hướng dẫn về vấn đề này.
Đặc biệt, thủ tục đăng ký xe cũng rất đơn giản: người đi mô tô, xe máy điện chỉ cần mang chứng minh thư, hộ khẩu và giấy khai đăng ký xe... đến đăng ký, thì dù xe mua không có giấy tờ, theo quy định vẫn được nhận ngay biển số và hai ngày sau có giấy chứng nhận, mặc dù thủ tục này còn tạo nhiều kẽ hở cho xe nhập lậu.
Tuy nhiên như Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ- đường sắt CA TP Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 6, mới có gần 70.000 mô tô, xe máy điện được đăng ký, còn rất nhiều mô tô, xe máy điện chưa đăng ký. Còn như cán bộ công an ở điểm đăng ký phường Vĩnh Phúc cho biết, đến nay chưa có thời gian tổng hợp số liệu...
Từ việc đăng ký xe mô tô, xe máy điện cho thấy vấn đề tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân chấp hành pháp luật, tuân theo pháp luật còn rất nhiều việc phải làm.
Nghệ An: Người dân đổ xô đi đăng ký Tại Nghệ An, số lượng phương tiện xe máy điện, mô tô điện rất lớn ước chừng khoảng hàng chục ngàn chiếc. Chiều ngày 29/6, tức là còn đúng 1 ngày trước thời điểm xử phạt, chúng tôi ghi nhận các điểm đăng ký trên địa bàn chật cứng người đến làm thủ tục. Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, tính đến ngày 28/6, toàn tỉnh Nghệ An có 31.503 ngàn xe máy điện đã được đăng ký. Nhiều huyện có số lượng đăng ký lớn như TP Vinh có 9.523 phương tiện, huyện Diễn Châu: 2.800 phương tiện, huyện Hưng Nguyên: 1.271 phương tiện... Bắc Vũ |