Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự 2015: Đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm minh của pháp luật
Sáng 30/6, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 và bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29/6/2016
Vì sao phải lùi?
Theo ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, từ sự tiếp nhận ý kiến của cử tri, nhân dân, các cơ quan chuyên môn cùng sự phản ánh của báo chí về những sai sót của Bộ luật Hình sự, UBTVQH đã giao cho Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Công an xem xét, rà soát.. Và, Quốc hội đã quyết định lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, cùng các luật liên quan là Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai. Lùi hiệu lực thi hành các đạo luật này từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành. Do thời gian gấp nên việc thông qua được lấy phiếu của đại biểu Quốc hội từ các Đoàn đại biểu Quốc hội. Qua thảo luận các báo cáo, tờ trình, cùng việc rà soát Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH 13 ở các đoàn, đã có 85,63 % đại biểu Quốc hội bỏ phiếu biểu quyết tán thành việc lùi này.
Theo UBTP của Quốc hội, qua kiểm tra bước đầu cho thấy, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều sai sót, ban đầu phát hiện khoảng 90 lỗi. Mặc dù không sai quan điểm, chủ trương, đường lối, nhưng gây khó khăn khi áp dụng, dễ bỏ lọt tội phạm cũng như gây oan sai. Như ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật này sai ở 5 dạng: Một số quy định chung và riêng mâu thuẫn với nhau; một số quy định bỏ lọt, hoặc trùng định lượng; việc quy định cấu thành tội danh không thống nhất; việc sắp xếp vị trí các khung hình phạt không có sự tiếp nối thể hiện tính nghiêm khắc; viện dẫn điều luật khác không chính xác... Tại buổi họp báo công bố Nghị quyết, ông Nguyễn Văn Luật khẳng định, tới đây, UBTP Quốc hội cùng các cơ quan chuyên môn khác như VKSND tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an... sẽ tiếp tục rà soát, để trình Quốc hội một Bộ luật Hình sự hoàn chỉnh, đảm bảo yêu cầu của cử tri, nhân dân cũng như của sự phát triển đất nước.
Hệ lụy và trách nhiệm
Để một Bộ luật lớn của Quốc hội phải ra nghị quyết lùi, ngay trước ngày có hiệu lực một ngày, đã gây ra những ảnh hưởng không tốt, phát sinh không ít hệ lụy. Dù như Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn nêu, Bộ luật Hình sự cùng các đạo luật liên quan phải lùi nhưng nhiều quy định có lợi cho người phạm tội vẫn được thi hành. Như Nghị quyết quy định, vẫn thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại Khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH 13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng Khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH 13; Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại Điểm a Khoản này... Tuy nhiên, việc phải lùi một đạo luật lớn như Bộ luật Hình sự đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Ngay một số đạo luật liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 như các đại diện cơ quan chức năng cho biết, dù không sai nhưng phải viện dẫn Bộ luật Hình sự 2015 nên cũng buộc phải lùi.
Cùng với việc phải chỉnh sửa luật, các vấn đề liên quan cũng phải khắc phục, như việc thu hồi một lượng không nhỏ các văn bản pháp luật đã được in thành sách, phải khắc phục những thiệt hại liên quan và lại tiếp tục phát sinh những chi phí tốn kém trong nhiều khâu xây dựng, tuyên truyền...
Xung quanh những sai sót, phải lùi hiệu lực các đạo luật lớn như trên trách nhiệm trước hết thuộc về Quốc hội. Ngay các vị đại diện cho các cơ quan có trách nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa XIII đã nhận trách nhiệm, thiếu sót của mình trước cử tri, nhân dân, Đảng và Nhà nước. Và như ông Nguyễn Văn Luật cho biết, tới đây Quốc hội cùng các cơ quan liên quan sẽ phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân cụ thể để xử lý nghiêm theo quy định. Đây là một bài học lớn cho công tác xây dựng pháp luật.