Vàng và những hiểm họa từ vàng - Kỳ 1: Đại gia vàng và con nợ khủng!

Tấn Thành 01/07/2016 09:00

Theo số liệu của Chi cục Thuế Quảng Nam, tính đến giữa tháng 6/2016, khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp của hai Công ty TNHH Vàng Phước Sơn (Cty Vàng PS) và Công ty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu (Cty Vàng BM) thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam lên đến 410 tỉ đồng. Đây là những công ty khai thác vàng ở những mỏ vàng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Thế nhưng, hiện tại các đơn vị này đã đem lại nỗi thất vọng không chỉ với người lao động mà cả với chính quyền địa phương.

Vàng và những hiểm họa từ vàng - Kỳ 1: Đại gia vàng và con nợ khủng!

Những công nhân của Besra Việt Nam giờ đây đã,
đang thất nghiệp do nhà máy đóng cửa.

Niềm tin từ những mỏ vàng khủng

Ngay từ ban đầu với sự đầu tư quy mô lớn khoảng 40 triệu USD, trong đó quyền sở hữu của Besra có đến 80% cổ phần của mỏ Bồng Miêu và 85% cổ phần của mỏ Phước Sơn. Còn theo số liệu thăm dò trữ lượng vàng thì mỏ vàng Phước Sơn công suất 1.000 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 92-95%. Mỏ vàng Bồng Miêu 500 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 88%. Càng đáng nói riêng tại mỏ vàng Phước Đức, theo giấy phép thăm dò, trữ lượng vàng tại mỏ này lên đến 7.000 tấn.

Ông David Seton, Chủ tịch Tập đoàn Besra từng khẳng định: “Nhà máy tuyển luyện vàng ở Phước Sơn và Bồng Miêu là những nhà máy tiên tiến nhất Đông Nam Á, với công nghệ khai thác và tuyển luyện vàng đẳng cấp thế giới”.

Với sự đầu tư quy mô và trang thiết bị máy móc cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thời gian đầu họ đã tổ chức lao động, giải quyết công ăn việc làm và đóng thuế nghiêm chỉnh. Cụ thể, theo báo cáo của các đơn vị này, ngoài việc sử dụng trên 1.600 lao động chủ yếu là người địa phương, đơn vị cùng đã có hơn 45 tỷ đồng làm công tác ASXH, đầu tư cơ sở hạ tầng từ xây dựng đường sá đến hệ thống xử lý và cung cấp nước sạch, xây dựng phòng học, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo, chương trình chăm sóc sức khoẻ và các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương… Tập đoàn Besra cũng cho biết, tính đến tháng 2-2013, đã nộp ngân sách nhà nước 731 tỷ đồng. Cục Thuế Quảng Nam cũng xác nhận, đơn vị này đã nộp vào ngân sách là hơn 650 tỷ đồng. Cùng với đó các nhà thầu, nhà cung cấp địa phương cũng có điều kiện kết nối xây dựng nhiều hạng mục công trình, cung ứng các dịch vụ và họ đã nhận từ đơn vị này lên đến gần 3.300 tỷ đồng.

Những tưởng với bề thế như vậy, thành quả tốt đẹp sẽ ngày một phát triển. Thế nhưng rồi không thế tin nổi khi niềm tin trở thành nỗi thất vọng.

Đến nợ khủng!

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từng khẳng định với phóng viên báo Đại Đoàn Kết rằng: “Chúng tôi cũng ghi nhận những đóng góp về dân sinh của Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu. Do đó hai Công ty này đóng cửa, số lao động tại đây sẽ thất nghiệp và nguồn thu ngân sách từ các đơn vị này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”. Người dân địa phương cũng nói tốt về đơn vị này, như ông Nguyễn Đại Nam cho rằng: “Công ty Vàng Bồng Miêu còn hoạt động thì tình trạng khai thác vàng trái phép được hạn chế rất nhiều. Minh chứng đơn vị này hoạt động hợp pháp, có lực lượng an ninh bảo vệ hầm lò mà vàng tặc còn tấn công các hang mỏ, huống chi họ nghỉ, chắc chắn nạn vàng tặc sẽ lộng hành”.

Thế nhưng, thời gian sau này, số tiền nợ thuế ngày càng chồng chất và thậm chí họ đóng cửa khiến hơn nghìn lao động mất việc làm. Còn theo số liệu của Chi cục Thuế Quảng Nam, tính đến giữa tháng 6/2016, khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp của hai công ty nói trên lên đến 410 tỉ đồng. Vì thế đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra, vì sao khai thác ở hai mỏ vàng lớn nhất ở Việt Nam, các công ty này lại nợ tiền thuế khủng nhất, trong khi đó họ đã bán hơn 7 tấn vàng khai thác được?...

Besra đã đưa ra nhiều lý do, trong đó cho rằng đã đầu tư lớn về thiết bị máy móc, thăm dò, phát triển hầm lò trước khi thu được sản phẩm cuối cùng nhưng hàm lượng vàng làm ra không ổn định, do thiên tai như bão lũ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, vàng rớt giá v.v. Cùng với đó, Tập đoàn này đã xin miễn thuế cũ chỉ đồng ý nộp thuế mới nhưng đã vấp phải nhiều chỉ trích của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.

Gần đây nhất, Cty Vàng BM còn gây bức xúc trong dư luận, khi giấy phép hết hạn vẫn tiến hành khai thác.

Khi đại gia vàng lâm nợ, số phận của hai mỏ vàng lớn chưa biết sẽ về đâu? Số tiền thuế nợ đọng 410 tỉ đồng không biết chính quyền Quảng Nam có phương án thu hồi được hay không? Nhưng trước mắt, việc hai mỏ vàng này đóng cửa đã khiến hơn 1.000 lao động mất việc làm. Trong khi đó nạn vàng tặc đã bắt đầu tấn công các khu vực mỏ này khiến tình hình ANTT tại các khu vực này phức tạp thêm. Đó là chưa nói những hệ lụy phát sinh, rất cần chính quyền địa phương có câu trả lời.

Tấn Thành