Đồng bộ phần mềm đăng ký hộ tịch trên cả nước
Bộ Tư pháp vừa có công văn gửi các Sở Tư pháp đề nghị tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dừng việc tự phát xây dựng phần mềm đăng ký hộ tịch, chờ Bộ này triển khai đồng bộ trên cả nước, tránh lãng phí ngân sách, đảm bảo tính thống nhất về cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia.
Tạm dừng, tránh lãng phí ngân sách
Theo Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt, chủ trương đến 2020 sẽ triển khai một phần mềm hộ tịch dùng chung trên toàn quốc, nhằm quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch từ các địa phương theo Luật Hộ tịch. Từ đó sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý (theo Luật Căn cước công dân).
Tuy nhiên, hiện ngoài 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Nghệ An) được Bộ Tư pháp triển khai thí điểm phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử theo quy chuẩn, còn lại các tỉnh, thành phố khác đều đang sử dụng các phần mềm đăng ký hộ tịch do đối tác tự chọn xây dựng. Chính vì vậy những cơ sở dữ liệu này khó có thể “hòa mạng” vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia sau này.
Công văn số 345/CNTT-HTTT&CSDL của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) gửi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung và hệ thống thông tin quản lý hộ tịch tại các địa phương, tránh đầu tư lãng phí nhân công, vật lực rồi không dùng được khi hòa mạng dữ liệu quốc gia.
“Riêng đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác mà chưa có phần mềm hộ tịch hoặc đã có nhưng không đáp ứng được các yêu cầu của đề án, kể cả các địa phương đang dự kiến xây dựng mới, Sở Tư pháp báo cáo UBND tỉnh cho dừng lại chờ phần mềm do Bộ Tư pháp triển khai...” - Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu.
Đảm bảo thống nhất về dữ liệu hộ tịch
Về vấn đề kinh phí, Cục trưởng Cục CNTT khẳng định: Phần mềm được xây dựng bằng ngân sách nhà nước tại Trung ương và trang bị miễn phí cho các địa phương. Sau khi thực hiện thí điểm thành công tại 4 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên sẽ triển khai đồng loạt trên toàn quốc, đảm bảo đến 2020 toàn bộ các tỉnh, thành phố đều sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung miễn phí.
Trong giai đoạn triển khai Dự án thí điểm (2016-2017), căn cứ vào khả năng huy động bổ sung các nguồn vốn khác cho dự án và năng lực đáp ứng của Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp, Cục CNTT sẽ mở rộng thêm một số địa phương thực hiện thí điểm .
Phải sửa ngay các phần mềm hiện có
Để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý dữ liệu hộ tịch trong toàn quốc, Bộ Tư pháp yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay đang tiếp tục sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch hiện có (do các đơn vị, công ty khác nhau cung cấp), cần phải yêu cầu đối tác tiến hành chỉnh sửa ngay phần mềm đó để đáp ứng đúng các yêu cầu của Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đảm bảo cơ sở dữ liệu phải thống nhất để quản lý cũng như cung cấp đầu vào cho cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an quản lý.
Bộ Tư pháp cũng lưu ý các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi sửa phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch hiện có cần đảm bảo một số yêu cầu thiết yếu theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Cùng với đó, phần mềm cũng phải đảm bảo có khả năng tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc của Bộ Tư pháp để phục vụ yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký hoặc nơi cư của địa phương đối với cơ sở dữ liệu hộ tịch đã được tạo lập; mức độ cam kết và khả năng đáp ứng của đối tác xây dựng/cung cấp phần mềm trong việc nâng cấp, điều chỉnh phần mềm khi có sự thay đổi của các quy định pháp luật...