Vàng và những hiểm họa từ vàng - Kỳ 2: Đại náo Bồng Miêu

Tấn Thành 02/07/2016 11:10

Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu xưa nay nổi tiếng với những hoạt động khai thác vàng trái phép. Khi Nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa thì tình trạng này ngày một nóng lên.

Thiếu đất sản xuất, công ăn việc làm những người này đã trở thành “vàng tặc” bất đắc dĩ.

Đại náo Bồng Miêu

Tại mỏ vàng Bồng Miêu có thời điểm lên đến hàng nghìn người khai thác quặng vàng trái phép. Thậm chí có lúc người dân tấn công luôn cả Nhà máy Vàng Bồng Miêu để cướp quặng. Chính quyền địa phương đã đẩy, đuổi, truy quét liên tục, thế nhưng đâu lại vào đó.

Mới đây, từ thành phố Tam Kỳ, nhóm phóng viên chúng tôi đã vượt chặng đường hàng chục km để có mặt tại khu vực mỏ Bồng Miêu. Tiếp tục leo núi, vượt những chặng đường dốc, đá để đóng vai những người khai thác quặng, tiếp cận với những hầm lò mà các vàng tặc đang khai thác.

Tại miệng hầm Ngách Chụm, vàng tặc đã phá thông tuyến đường này để đi đến nhiều vị trí trong các hang động để khai thác quặng vàng. Thời điểm cuối tháng 6 này, khai thác đông nhất là điểm Nhà Máy Đỏ. Vàng tặc đã bất chấp hiểm họa sập hầm đè chết để khai thác quặng.

Họ ăn ở, chui rúc trong các tuyến đường hầm lò ngang dọc, với nhiều ngóc ngách, đá quặng lởm chởm, nứt nẻ, để ngày đêm đục phá lấy quặng. Lực lượng chức năng truy quét họ đi sâu vào hang động, không cách gì đẩy đuổi được.

Trong hầm lò đã như vậy, ngoài hầm lò tại các bãi lộ thiên vàng tặc cũng náo động, như tại khu vực Đồi Sim có đến hàng trăm con người tụ tập khai thác quặng tại các khu vực như khu 6, khu 7. Ngoài ra nhiều bãi lộ thiên khác vàng tặc cũng đang tiếp diễn hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tám, một phu vàng cho biết: “Trừ những chủ bãi, còn lại hầu hết là dân lao động ở địa phương và các xã lân cận tìm đến khai thác vàng. Một là làm công ngày vài trăm nghìn, hai là khai thác quặng để bán cũng chừng nấy thôi. Rất cực khổ, nhưng do gia cảnh khó quá nên chúng tôi cũng làm liều!”.

Lực lượng chức năng hủy một lán trại của vàng tặc ở khu vực mỏ Bồng Miêu.

Nan giải

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn kết, ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết: “Rất nhiều cuộc truy quét, đẩy đuổi, tình trạng khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu tạm thời lắng xuống. Nhưng kể từ ngày Nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa thì người dân địa phương và dân tứ xứ đổ về đây khai thác vàng bất hợp pháp. Có thời điểm lên đến hàng trăm người ẩn náu trong các hầm lò. Thậm chí họ ăn, ở, sinh hoạt ngay trong hầm để khai thác vàng trái phép. Vì thế công tác truy quét, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi khu vực gặp nhiều khó khăn”.

Thực tế cho thấy, dù địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không thể ngăn chặn vì các đối tượng khai thác vàng di chuyển theo nhiều hướng khác nhau để lên các khu vực hầm lò.

Càng đắng lòng, khi ông Vinh cho biết, do nhà máy đóng cửa, công nhân về nhà, một số về làm vườn, trang trại, còn số đổ xô vào núi rừng để khai thác vàng trái phép. Ngoài ra, những người dân tứ xứ đổ về đây đa số họ cũng do không có công ăn việc làm ổn định nên trở thành vàng tặc bất đắc dĩ.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Phú Ninh đã từng chỉ đạo nhiều lần truy quét vàng tặc tại các khu vực thuộc mỏ vàng Bồng Miêu, đồng thời yêu cầu chính quyền xã Tam Lãnh tăng cường các biện pháp đảm bảo tình hình trật tự tại địa phương, ngăn chặn việc khai thác vàng trái phép.

Nhưng theo ông Vinh: “Các ngành chức năng của xã đã tăng cường các biện pháp về quản lý tài nguyên khoáng sản, đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân không khai thác quặng vàng trái phép, không xay đá, làm hóa chất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Tổ chức truy quét, đẩy đuổi, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp. Chính quyền địa phương đã cảnh báo. Nói chung, xã cũng làm hết cách rồi, nhưng không cách chi triệt nổi”.

Còn một thực tế nữa, đó là đa số vàng tặc ở đây là những hộ nghèo ở địa phương và các nơi đổ về. Một phần do sống ngay trên mỏ vàng, đất sản xuất lại ít, thế là họ tìm cách mưu sinh bằng cách mót vàng. Những lao động này, chưa hề trải qua bất kỳ một khóa huấn luyện khai thác hầm lò, không hề được trang bị bảo hộ lao động, họ chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân.

Do đó họ luôn đối diện với hiểm nguy. Đã có những vụ sập hầm gây chết người, như vụ sạt lở núi Sũng Mùn, xã Tam Lãnh trong lúc khai thác vàng làm 6 người chết.

Theo ông Vinh: “Bản chất sâu xa của vấn đề này là không chỉ truy quét, đẩy đuổi mà còn phải tìm ra hướng giải quyết công ăn việc làm ổn định lâu dài cho người dân và Nhà nước phải tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản nói chung và mỏ vàng Bồng Miêu nói riêng”.

Vàng tặc đã và đang náo động tại các khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Nếu huyện Phú Ninh và UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan không triển khai kịp thời những biện pháp hữu hiệu thì những hiểm họa về môi trường, về trật tự an ninh, về tai nạn lao động gây chết người là điều khó mà tránh khỏi.

Tấn Thành