Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không để lợi ích nhóm can thiệp vào chính sách thu chi ngân sách

M.C. 02/07/2016 19:34

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có những chỉ đạo về việc thực hiện nhiệm vụ của ngành tài chính tại hội nghị trực tuyến với các địa phương diễn ra sáng nay, 2/7.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Không để lợi ích nhóm can thiệp vào chính sách thu chi ngân sách

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp.

Mở rộng cơ sở tính thuế

Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, đổi mới trong thực hiện các chính sách tài khóa của ngành tài chính trong 6 tháng đầu năm, đảm bảo điều hành tài khóa chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm sự tăng trưởng của các mục tiêu kinh tế, xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán năm, tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó: thu nội địa đạt 48,8% dự toán năm, tăng 13,8% so cùng kỳ năm 2015; thu dầu thô đạt 37,2% dự toán năm, giảm 44,8% so cùng kỳ năm 2015; thu XNK đạt 41,9% dự toán, giảm 2,2% so cùng kỳ năm 2015.

Tiến độ thu ngân sách địa phương đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, thu NSĐP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 55% dự toán. Trong khi đó, thu NSTW thấp, mới đạt khoảng 42% so với dự toán năm và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (đạt 46,3%), chủ yếu do giá dầu thô giảm và thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Chi NSNN 6 tháng ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015, cơ bản đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Ngành tài chính triển khai các giải pháp để thu hút các dòng vốn trong nước, ngoài nước nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển. Tính đến tháng 6/2016, quy mô thị trường chứng khoán tăng khoảng 11% so cuối năm 2015 và đạt tỷ lệ vốn hóa 36% GDP; thông qua thị trường đã huy động được 223 nghìn tỷ đồng (bao gồm phát hành TPCP, cổ phiếu, đấu giá cổ phần) cho NSNN và cho đầu tư phát triển.

Về quản lý nợ công và nợ quốc gia, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về định hướng huy động và sử dụng nợ công giai đoạn 2016-2020. Đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn, trong phạm vi dự toán. Thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, nợ Chính phủ.

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành từ nay tới cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 22 ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành thu chi ngân sách.

Cụ thể, với thu ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc Bộ Tài chính cần mở rộng diện tính cơ sở thuế, đặc biệt là thuế ngoài quốc doanh là một giải pháp rất quan trọng để tăng thu ngân sách.

“Chúng ta muốn nâng các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp càng nhiều càng tốt thì phải rà soát, đánh giá lại thuế khoán, chứng từ hóa đơn, đảm bảo việc nộp thuế là nghĩa vụ, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phụ thuộc quy mô to nhỏ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và đề nghị Bộ Tài chính xây dựng đề án cho việc này.

Trong chống gian lận thuế, Phó Thủ tướng đề nghị ngành rà soát, giám sát việc thực hiện các chính sách miễn giảm, giãn, hoàn thuế, không để lợi ích nhóm chi phối từ khi xây dựng thể chế, chính sách tới khi thực hiện. Đảm bảo chính sách thuế đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch.

Không đạt thu thì điều chỉnh giảm chi

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các địa phương quán triệt nguyên lý “tăng thu, tăng chi” trong lập dự toán và điều hành NSNN khi mà chỉ tiêu thu từ sản xuất kinh doanh tăng tới 14% so với cùng kỳ năm trước. Đối với những tỉnh không đạt thu của năm nay thì phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu chi tương ứng,cắt giảm các khoản chi không cần thiết và nâng cao hiệu quả các khoản chi.

Nói về trách nhiệm của ngành tài chính đối với việc phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu “kiên quyết không ban hành thêm các chính sách để gây khó thêm cho thương mại”, đồng thời chỉ ra các lĩnh vực mà ngành tài chính cần phối hợp, hỗ trợ để đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế đó là khôi phục phát triển nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng theo tín hiệu của thị trường, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu,…

Về các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và đảm bảo nợ công; Đề án đầu tư công trung hạn; góp ý thẩm định vào 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để các Bộ liên quan triển khai thực hiện.

Về tái cơ cấu DNNN, Bộ khẩn trương trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nhất là việc xác định giá trị DN cổ phần hóa; Đề án Tái cơ cấu DNNN tới năm 2020 theo hướng chọn bỏ, nhà nước không nắm giữ cổ phần ở những ngành mà tư nhân làm được, gắn với niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp sau cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán…

Bộ Tài chính cũng nhanh chóng trình Chính phủ việc hợp nhất 2 Sở giao chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đảm bảo việc đưa thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động từ 1/1/2017; quan tâm tới thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; minh bạch, công khai phương án tính phí BOT, PPP; phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát việc điều hành giá xăng dầu theo thị trường, kêu gọi các nhà khoa học hiến kế cách tính giá cơ sở xăng dầu chính xác hơn.

“Phải tăng cường kỷ luật, đạo đức công vụ để các bộ phận phối hợp tốt trong điều hành ngân sách. Chính sách thu, chi không được để lợi ích nhóm can thiệp vào. Tôi giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ kiểm soát nghiêm ngặt việc này. Bộ Tài chính phải tiến hành thanh tra, rà soát việc thực hiện chính sách tài chính như cổ phần hóa, đầu tư công, hải quan, thuế và sắp tới sẽ có thanh tra công vụ trong thuế, hải quan và rà soát từ việc xây dựng pháp luật cho tới thực thi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

M.C.