Nghe bài chòi ở Hội An
Tới Hội An (Quảng Nam) lần này, chúng tôi may mắn được tham dự một cuộc chơi hát bài chòi đậm đặc chất Quảng tổ chức trong lòng phố cổ. Nói may là bởi hội hát bài chòi chỉ được tổ chức vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, khi ánh trăng đã bắt đầu vằng vặc nhưng chưa vào độ viên mãn, đủ cho đêm trên mảnh đất miền Trung này mang vẻ huyền hoặc, dễ dẫn dụ người ta quay trở về những năm tháng xa xưa...
Anh hiệu, chị hiệu hô bài chòi.
Trò chơi bài chòi không chỉ thu hút người dân địa phương mà rất nhiều du khách bốn phương tham gia khi có dịp đến Hội An trong đêm rằm phố cổ. Hàng trăm du khách, đủ các quốc tịch, không trực tiếp vào chòi chơi bài thì đứng ngồi chung quanh khuôn viên để nghe hô bài chòi và hòa vào không khí vui nhộn, đầm ấm của cuộc chơi. Những du khách nước ngoài không hiểu lời ca bài chòi, nhưng nhìn họ vô cùng hào hứng với hình thức diễn xướng dân gian đầy màu sắc địa phương này.
Giữa không gian lộng gió, đêm hát bài chòi ấy đã cho chúng tôi hiểu phần nào về văn hoá xứ Quảng. Những con người bình dị mang nguyên vẻ lam lũ đời thường lên sân khấu còn những câu ca thì giống như những lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng lại đầy âm điệu, đầy biến hoá và cảm xúc. Người dân xứ Quảng không gọi là hát mà gọi là hô bài chòi. Có lẽ bởi vì chất giọng nặng chịch của người dân nơi đây. Ấy thế mà cứ phải cái chất giọng đó mới thành bài chòi, mới đi vào tâm can người nghe, giống như là muốn nghe vọng cổ hay phải đúng giọng miền Tây thứ thiệt, muốn nghe quan họ hay phải đúng cái giọng quê mùa của người Kinh Bắc vậy.
Bài chòi được xem là một trò chơi dân gian đặc sắc. Khuôn viên của hội bài chòi gồm 9 chòi tre, mỗi chòi có từ 5-6 người chơi. Trong đó, 1 chòi cái để ống tre đựng quân bài, cờ hiệu và 1 chòi trung tâm cho ban nhạc gồm đờn cò và trống. Bộ bài sử dụng để chơi bài chòi gọi là bài trùng, có 27 cặp với những tên gọi dân dã, dễ nhớ như: Nhất trò, Nhì nghèo, Ba gà, Tam quăng, Tứ cẳng… Quân bài được in bằng giấy bìa, dán lên thẻ tre. Bộ bài được chia làm 2 phần, một nửa chia cho người chơi, một nửa đặt ở chòi cái. Mở đầu cuộc chơi, anh hiệu (người cầm trịch) sẽ hô to lời thai. Anh rút ngẫu nhiên một quân bài trong ống tre và ngâm nga một đoạn vè- gọi là hô thai, sao cho cuối đoạn vè lời ngâm sẽ “ứng” với quân bài anh rút được. Con bài người chơi nào trùng với con bài rút ra từ ống tre của chòi cái thì người ấy gõ mõ báo hiệu và được phát một cây cờ. Người chơi nào có nhiều cờ nhất sẽ được thưởng. Cuộc chơi tiếp tục cho đến khi anh hiệu hô hết các quân bài. Hội bài chòi là một sân chơi ngoài trời bình dân, người chơi chính là khán giả đến để thưởng thức không khí sôi nổi và nghe anh hiệu hô thai.
Thú thả đèn hoa đăng tao nhã.
Chen chân trong đám đông của hội bài chòi, khá nhiều du khách thích thú chụp vài tấm hình kỷ niệm. Anh Nguyễn Quốc Hưng đến từ Hà Nội tâm tư rằng, với anh bài chòi nghe khá lạ tai và đây là lần đầu tiên anh được trải nghiệm không gian diễn xướng mà người diễn và người chơi có sự tương tác thật gần gũi, câu hát lại mộc mạc, dí dỏm đến thế. Anh cười sảng khoái trước câu hát: Lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê em nhỏ không nằm với em/ Bây giờ mười tám đẹp xinh/ Em ngủ dưới đất chồng rinh lên giường/ Một rằng thương, hai rằng thương, ba bốn cũng nói rằng thương/ Huớ anh ơi! Thương chi hung rứa? Có bốn cẳng giường gãy 1 còn 3 (trong lời hát về Tứ cẳng)… Anh Hùng nói, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, miễn chạm đến trái tim khán giả là thành công và anh tìm thấy điều đó ở nghệ thuật bài chòi.
Người Quảng Nam mê bài chòi lắm, từ gái trai, già trẻ, lớn bé đều mê và thích hát bài chòi. Chả thế mà người Quảng có câu ca là: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Ở nhà con khóc đến lòi rún ra...” để nói về nỗi đam mê bài chòi. Nghe người dân ở đây kháo nhau rằng, ở Hội An, người chơi bài chòi thì nhiều nhưng người có tài hát bài chòi du dương, trầm bổng như anh Lương Đáng thì khó kiếm. Khoảng 40 năm trước, cậu bé Lương Đáng hàng đêm theo mẹ đi bộ hơn mười cây số từ làng Cẩm Hà xuống bến củi ở phố Hội An chơi bài chòi. Trong ký ức của anh, hồi ấy mỗi chòi chơi có một cái mõ, khi anh hiệu hô trúng vào con bài của chòi nào thì chòi ấy đánh mõ lên báo. Những năm chiến tranh, chòi được thay bằng ghế cho gọn nhẹ, dễ cơ động nên trò chơi bài chòi lại được gọi là chơi bài ghế. Từ những tháng ngày xách ghế đi chơi ấy, bài chòi đã trở thành một thứ đam mê, thành máu thịt của cậu bé thuở ấy nay là anh Lương Đáng- một người có tiếng hát hay, dí dỏm nhất ở Hội An và cả các vùng phụ cận. Nơi hát bài chòi bây giờ cũng chính là điểm hô bài chòi của cư dân phố cổ trước đây, vốn là một bến củi bên sông Hoài, nơi ngày xưa ghe thuyền chở củi từ thượng nguồn sông Thu Bồn-Vu Gia về đậu để bán cho cư dân phố thị. Từ đó đến nay, qua bao thăng trầm của thời gian, của dòng đời mà tiếng hô bài chòi dường như vẫn không thay đổi.
Đến Hội An, ngoài nghe hát bài chòi, du khách còn được lang thang trên góc phố ngập trong ánh đèn lồng khi đêm xuống, thưởng lãm những mái nhà, bờ tường, con ngõ nhỏ khác biệt... rồi cứ để tâm hồn lãng đãng theo rừng hoa đăng lung linh trên dòng sông. Hay buổi sớm, ngồi trong quán cà phê Chu Chu trên đường Trần Phú. Vẻ ngoài xinh xắn, đơn giản mà cũ cũ với dàn hoa giấy của Chu Chu sẽ khiến du khách để ý ngay khi lướt qua. Ở đây, thích nhất là ngồi ở hàng hiên và cứ để nắng từ những kẽ lá trên đầu rơi vào lòng. Gọi một ly cà phê ngồi đắm chìm trong nhịp sống chậm nơi đây. Du khách đến Hội An có lẽ cũng chỉ để tìm những cảm giác hạnh phúc đơn giản như thế. Nói về cách làm du lịch thì thấy dân cư ngụ ở Hội An hiền lành và lịch thiệp. Du khách được chiều như thượng đế. Mảnh đất này cũng vắng bóng tệ nạn, trộm cắp. Vậy thôi cũng đã là của hiếm trên thế giới này rồi.