Nông nghiệp tăng trưởng âm: Tìm giải pháp tăng tốc
Lần đầu tiên kinh tế nông nghiệp tăng trưởng âm, nhận định này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại Hội nghị sơ kết sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm, đặt ra nhiều mối quan ngại cho “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Vụ mùa Đông - Xuân bị thiệt hại nặng nề tại khu vực ĐBSCL do biến đổi khí hậu.
Lần đầu tiên không tăng trưởng
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, GDP nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 0,18%, giá trị sản xuất ước đạt 397.400 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nông nghiệp đạt 297.200 tỷ đồng, giảm 0,7%, lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với 3%.
“Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua, kinh tế nông nghiệp tăng trưởng âm”- báo cáo của Bộ NN&PTNT nêu rõ. Phân tích rõ hơn về sự sụt giảm của ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực trồng trọt đã gánh chịu thiệt hại kép cả về diện tích và sản lượng đối với nhiều loại cây trồng, từ lúa, ngô, khoai đậu tương, mía đường…
Với cây trồng chủ lực là lúa, diện tích gieo cấy vụ Đông - Xuân của cả nước cũng giảm hơn 31.000 ha. Nhiều loại cây trồng ngắn hạn như ngô và khoai lang giảm sản lượng rõ rệt với hàng chục ngàn tấn…
Nguyên nhân của sự sụt giảm dẫn đến kinh tế nông nghiệp tăng trưởng âm được lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu ra, là bởi từ đầu năm đến nay, chúng ta gặp quá nhiều bất lợi do thiên tai, thời tiết. Rét đậm, hạn hán, xâm nhập mặn, cá chết hàng loạt… là nguyên nhân khiến cho tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp đều theo chiều mũi tên đi xuống.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra ước tính, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo đánh giá của TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong 5 trở lại đây, tăng trưởng của nền kinh tế nông nghiệp đều theo hướng sụt giảm. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp còn không tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng âm như nhận định của Bộ NN&PTNT cho thấy cần phải có những giải pháp tích cực để khắc phục.
Cần chính sách thích hợp
Nhận định về sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp thời gian qua, TS. Sơn cho rằng, suốt thời gian dài sau đổi mới, cơ chế chính sách đã tạo lực đẩy cho nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam, đưa Việt Nam từ nước thiếu gạo trở thành quốc gia có những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển đó thiếu bền vững, định hướng nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng nên dù sản lượng hàng hóa xuất khẩu nông, thủy sản lớn song rất lộn xộn, giá rẻ.
Thực tế thì kinh tế nông nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, đời sống, thu nhập của bà con nông dân bấp bênh. Chỉ một trận thiên tai, hay dịch bệnh, sâu bệnh là bao nhiêu tiền bạc, đầu tư cho một vụ mùa mất trắng.
Như chia sẻ của bà Phạm Thị Tươi, nông dân Kim Sơn, Ninh Bình thì có khi đầu tư bao nhiêu công sức, tiền bạc để chăm sóc cho một vụ lúa nhưng nạn ốc biêu vàng tràn đến là phá tan tất cả. Bao công sức của nông dân đổ xuống sông xuống biển hết.
Câu chuyện mất mùa do nạn ốc bươu vàng của bà Phạm Thị Tươi chỉ là một trong số rất nhiều những câu chuyện “thất bát” do thiên tai gây ra đối với người nông dân. Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao một nước với 70% dân số làm nông nghiệp, sống ở nông thôn nhưng nền kinh tế nông nghiệp lại khó tăng tốc?
Câu trả lời được giới chuyên gia nêu lên, là bởi chính sách cho nông nghiệp mới chỉ mang tính “cho” nông dân mà chưa “cùng” với nông dân. Dẫn ra việc Chính phủ ban hành Nghị định 67 với mục tiêu nâng cao hiệu quả đánh bắt cá, cải thiện đời sống ngư dân, tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản, song thực tế ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay, ông Nguyễn Duy Lượng- Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, hiện các chính sách dành cho lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa sát, thiếu tính hợp lý.
“Việc xây dựng chính sách để phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, ổn định khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân một cách thiết thực vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng”- ông Lượng nêu quan điểm.
Về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ để sản xuất nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn gắn với xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực cần tận dụng mọi khả năng để phục hồi, duy trì tăng trưởng sản xuất, triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Trong chỉ đạo điều hành phải luôn sâu sát, quyết liệt, đặc biệt lưu ý luôn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước; trong đó chú trọng xây dựng, triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách có tính chất động lực. Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tình thế nhưng cũng phải chú ý đến vấn đề dài hạn, phương châm là suy nghĩ chiến lược, hành động cụ thể” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ.
Đầu tư xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp đạt 43,53% Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2016, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) vốn ngân sách tập trung ước đạt 2.932 tỷ đồng, bằng 43,53% kế hoạch. Báo cáo về tình hình thực hiện vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ NN&PTNN cho biết, tổng số vốn kế hoạch năm 2016 được giao 6.736,345 tỷ đồng, trong đó: vốn trong nước 2.083,645 tỷ đồng, vốn ngoài nước 4.652,7 tỷ đồng. Kết quả, khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngân sách tập trung 6 tháng năm 2016 ước đạt 2.932,03 tỷ đồng, bằng 43,53% kế hoạch. Trong đó: Vốn trong nước thực hiện ước đạt 647 tỷ đồng; vốn ngoài nước thực hiện ước đạt 2.285 tỷ đồng. H.H. |