Vàng và những hiểm họa từ vàng-Kỳ cuối: Khi vàng tặc lộng hành
UBND tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nạn khai thác vàng trái phép. Đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra, đẩy đuổi, thậm chí truy tố những kẻ tổ chức khai thác vàng. Nhưng vấn nạn này chỉ lắng xuống trong một thời gian rồi sau đó đâu lại vào đó. Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu không có sự tiếp tay của địa phương thì những tụ điểm khai thác vàng có tồn tại?
Lực lượng chức năng khống chế vàng tặc tại bãi vàng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Tranh.
Trong khu bảo tồn thiên nhiên, rừng vẫn bị phá
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sông Thanh nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, có diện tích rừng và đất rừng hơn 75.000ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 62.000ha chiếm hơn 82% diện tích khu bảo tồn. Thế nhưng những năm qua Khu bảo tồn liên tục bị vàng tặc tấn công.
Ông Từ Văn Khánh- Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn cho biết, 6 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng đã tổ chức 13 đợt tuần tra truy quét các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong lâm phận quản lý. Theo ông Khánh: công tác kiểm tra, truy quét, chốt chặn tại các khu vực khai thác lâm, khoáng sản, săn bắt động vật rừng trái phép đã được triển khai phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác lâm, khoáng sản trái phép, tình trạng vận chuyển lâm sản trên tuyến đường 14D, đường Hồ Chí Minh vẫn còn diễn ra.
“Nguyên nhân do lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản quá lớn nên các đối tượng bất chấp và tìm mọi cách để qua mặt các lực lượng chức năng. Trong đó còn có sự phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Kiểm lâm địa bàn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chưa nắm bắt được tình hình trên địa bàn quản lý”- theo ông Khánh.
Việc khai thác vàng trái phép tại các khu BTTN hay rừng phòng hộ không chỉ thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia mà còn đồng nghĩa với việc tàn phá rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
Hiểm họa khôn lường
Việc khai thác vàng trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy, như buôn bán thuốc nổ, bóc lột sức lao động trẻ em, nạn xì ke ma túy, cướp bóc…
Đêm 30/6, Công an Quảng Nam đã bắt vụ vận chuyển, buôn bán vật liệu nổ trái phép do đối tượng Nguyễn Dần (52 tuổi), trú xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thực hiện. Trước đó, ngày 20/6, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã công bố phá thành công vụ án mua bán, vận chuyển trái phép VLN và đã bắt giữ 5 đối tượng nằm trong đường dây này. Tổng khối lượng thuốc nổ thu giữ được là 2.964 kg, 7.000 kíp điện, 3.000 kíp đốt và 1.500m dây cháy chậm.
Theo Đại tá Huỳnh Trung Nguyên- Thủ trưởng Cơ quan ANĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, các đối tượng vận chuyển khối lượng thuốc nổ lớn là để bán cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép, trong đó chủ yếu là khai thác vàng trái phép tại miền núi tỉnh Quảng Nam.
Chưa hết, mới đây người dân xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh lại lo lắng về một băng cướp chuyên trấn lột tài sản của người làm vàng. Chúng thường gây án vào ban đêm tại các bãi vàng thuộc xã Tam Lãnh. Một số nạn nhân cho biết, bọn chúng bịt mặt, mang hung khí như dao, mã tấu, súng điện ập vào các lán trại khống chế người đào vàng, buộc giao nộp tài sản và cả vàng mà họ khai thác được. Nhóm cướp này đã chém anh Trần Văn Phi, người dân trú tại xã Tam Lãnh trọng thương ngay tại lán trại của anh ở bãi Thầu Đâu.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Công an xã Tam Lãnh cũng cho biết, đất đai ở xã đa phần đã cấp cho Công ty Vàng Bồng Miêu nên nhiều người dân địa phương đi làm vàng trái phép để kiếm sống. Chính vì thế, khi xảy ra các vụ cướp, người dân không dám báo với chính quyền địa phương. Trong vụ cướp mới đây, người nhà anh Phi cũng không hề khai báo, chỉ khi công an nắm được thông tin và điều tra thì anh mới trình bày lại vụ việc.
Em Cụt Văn May (trái) và Seo Văn Viềng may mắn trốn thoát khỏi bãi vàng.
Thật xót xa khi có những thân phận trẻ em bị đánh lừa rơi vào những khu rừng sâu, nước độc khai khoáng vàng, để sau khi không chịu đựng nổi đã tìm đường tháo chạy khỏi địa ngục trần gian. Mới đây nhất là vụ 2 lao động nhí trốn khỏi bãi vàng ở huyện Phước Sơn, đến đến trụ sở Công an huyện Nam Giang (ngày 25/4) trình báo sự việc, đã làm cho chính quyền và người dân thêm lo lắng. Kinh hoàng hơn, tại các bãi vàng khai thác trái phép, chủ bưởng sẵn sàng dụ các lao động vào con đường chích hút, để khi lao động này đã nghiện ngập, khi về quê nhà đói thuốc, thiếu tiền buộc phải trở lại các bãi vàng này- trong đó có cả trẻ em.
Trao đổi với phóng viên ĐĐK, Tiến sĩ Trần Văn Kiệm- Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Quảng Nam cho biết: Quảng Nam hiện có 2 cơ sở, một ở TP Tam Kỳ, hai là ở huyện Tiên Phước điều trị các đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng Methadone cho 312 người. Trong số đó nhiều nhất vẫn là người từ các bãi vàng khai thác trái phép trở về.
Nước mắt của những lao động nhí khi thoát các bãi vàng, nỗi đau của những gia đình tan nát khi con em đi làm thuê, làm mướn tại bãi vàng bị nghiện và bao hệ lụy khác không khỏi khiến chúng ta nhức nhối. Nhưng vàng tặc còn là các tệ nạn, các vấn nạn này sẽ còn. Đó là nỗi lo không của riêng ai.
Ai tiếp tay cho vàng tặc?
Vụ 4 phu vàng chết ngạt vào chiều tối ngày 12/4, nhóm 7 phu vàng cho nổ mìn dưới hầm vàng thuộc thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) để khai thác, theo người dân nơi đây thì bãi vàng này hoạt động từ lâu và nhiều lần phản ánh với chính quyền nhưng không thấy lực lượng chức năng truy quét. Nhưng, nói như ông A Lăng Mai- Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thì “Không hề hay biết ở đây có khai thác vàng trái phép và cũng chưa từng nghe ở khu vực này có vàng”!?
Hay như đợt truy quét lớn nhất vào đêm ngày 10 và sáng ngày 11/6 mới đây nhằm vào bãi vàng Thành Mỹ 1 ở xã Đắk Pring, ở đây có hơn 200 phu vàng, nhiều mìn và hung khí.
13 chủ vàng đã bị lập biên bản xử phạt,15 hầm lò, 22 lán trại cùng hàng chục máy móc được dùng để khai thác vàng đã bị phá hủy. Từ đó, dư luận đặt câu hỏi: Điểm khai thác vàng chết 4 phu vàng đã hoạt động nhiều năm qua và tụ điểm cả 200 con người cày nát Khu bảo tồn thiên nhiên như vậy mà tại sao chính quyền địa phương không biết? Hay biết nhưng làm ngơ?
Đáng lo ngại không ít lần chúng tôi đi với các đoàn kiểm tra liên ngành thì hầu như thông tin truy quét, đẩy đuổi đã bị lộ. Những địa điểm được báo trước đang rất nóng, thì khi đoàn kiểm tra liên ngành đến, các đối tượng chỉ để lại lán trại trống trơ, máy móc cũng không còn. Nhưng ngay khi đoàn kiểm tra rút đi họ lại hoạt động rầm rộ.
Không chỉ 2 địa điểm nói trên mà vàng tặc hoạt động hầu hết ở các địa phương miền núi Quảng Nam. ĐĐK đã liên tục phản ánh các điểm nóng như Bồng Miêu, sông Quế Phương, Sông Lon, xã Trà Lăng và ngay cả danh thắng quốc gia hồ Phú Ninh… Vậy do đâu mà chúng ngang nhiên tồn tại, gây cảnh nhức nhối trong xã hội?
Thực tế thì UBND tỉnh Quảng Nam đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nạn khai thác vàng trái phép. Đã tổ chức nhiều đoàn liên ngành kiểm tra, đẩy đuổi, thậm chí truy tố những kẻ tổ chức khai thác vàng. Nhưng vấn nạn này chỉ lắng xuống trong một thời gian rồi sau đó đâu lại vào đó. Dư luận đặt ra câu hỏi, nếu không có sự tiếp tay của địa phương thì những tụ điểm khai thác vàng có tồn tại?
Tại sao những điểm nóng, với số lượng con người khủng khai thác vàng mà chính quyền không biết? Có hay không việc tiếp tay của một số cán bộ địa phương? Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam cần làm rõ và xử lý nghiêm những kẻ tiếp tay này nếu có và cần mạnh tay với vàng tặc. Nếu không, không chỉ tài nguyên khoáng sản quốc gia bị mất đi mà những hiểm họa từ vàng tặc sẽ rất là kinh khủng.
Thông báo số 291, ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam nhận định: Một số địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho lâm tặc, khoáng tặc; vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy, chưa huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân dẫn đến tình trạng khai thác trái phép chậm được phát hiện, xử lý truy quét, đẩy đuổi; các đơn vị có giấy phép, sản lượng khoáng sản thực tế khai thác chưa kiểm soát được, nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài, không nộp thuế, nhiều cơ sở chế biến khoáng sản không gắn với nguồn nguyên liệu, thu mua nguyên vật liệu trái phép để sản xuất, vi phạm pháp luật,… làm thất thoát tài nguyên, mất rừng, mất đất sản xuất, môi trường bị hủy hoại, thất thu ngân sách và giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền địa phương. |