Chặn lạm chi
Tại cuộc họp sơ kết ngành Tài chính tổ chức ngày 2/7, nhiều vấn đề nóng được nêu lên. Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý, không để lợi ích nhóm can thiệp vào chính sách thu chi, đừng vì một đối tượng, một cơ quan nào chi phối chính sách. Phó Thủ tướng cũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ chuyện này, từ khâu xây dựng cơ chế tới lúc thực thi. Đặc biệt, cuộc họp đã đưa ra cảnh báo về bội chi, lạm chi.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Cuộc họp cũng nêu vấn đề về tiến độ thu ngân sách tới thời điểm hiện tại. Nhưng quan trọng là việc chi ngân sách phải thực hiện tiết kiệm và đặc biệt là “theo khả năng”. Đây chính là vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm, trong khi đất nước còn nghèo, nguồn thu chưa nhiều, năng suất lao động chưa cao, bộ máy hành chính cồng kềnh.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các tỉnh không đạt chỉ tiêu thu năm nay thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, tránh việc có dự toán chi từ đầu năm rồi cứ chi, tới lúc bội chi tăng lên vì thu không đủ như dự toán đầu năm lại “chạy về Trung ương thì không có đâu mà bù”. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải giảm các khoản chi không cần thiết, như các khoản khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài...
Đáng chú ý, báo cáo 6 tháng của Bộ Tài chính cho thấy, số thu ngân sách sau nửa năm ước đạt 476.800 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất so với 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, về chi ngân sách, sau 6 tháng là 562.500 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi ngân sách nhà nước qua tính toán ở mức 85.600 tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.
Trong những việc chi quá tay, gần đây dư luận rất quan tâm tới vụ thừa xe công. Những con số cụ thể, rõ ràng thừa ở đâu, bao nhiêu xe đã được đưa ra nhưng xử lý thế nào thì chưa rõ. Theo bà Tạ Thanh Tú- Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thì quy định các đơn vị phải báo cáo việc rà soát, sắp xếp lại xe công và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính trước ngày 21/3/2016, nhưng cho đến ngày 30/6 mới có 37/43 Bộ, ngành và 49/63 địa phương gửi báo cáo rà soát, sắp xếp xe ôtô về Bộ Tài chính.
Một chuyện đã rõ thế nhưng vì sao triển khai lại quá chậm? Chính vì thế dẫn đến việc dư luận hoài nghi về việc giảm chi tiêu công, thực hành chính sách tiết kiệm. Lãng phí từ lâu đã được coi là “cặp bài trùng” cùng với nạn tham nhũng. Có người còn cho rằng, lãng phí gây thất thoát công quỹ lớn hơn cả tham nhũng. Cũng không rõ thực hư ra sao nhưng thực tế cho thấy chuyện tiết kiệm chi từ ngân sách cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Gần đây, câu chuyện nợ trong xây dựng nông thôn mới (với tổng số nợ trên dưới 15.000 tỉ đồng) cũng cho thấy bất cập trong chi tiêu. Đã đành xây dựng nông thôn mới phải huy động nhiều nguồn, trong đó có nguồn kinh phí từ dân trong thôn xã, với chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, vì xét cho cùng thụ hưởng trực tiếp và lâu dài chính là người dân.
Nhưng điều đáng nói là trong khi chưa có tiền trong tay đã chi ào ào, làm trụ sở xã thật to, làm đường bêtông liên thôn xã rất hoành tráng..., sau khi được công nhận nông thôn mới rồi thì không biết lấy tiền đâu ra mà trả. Trong vụ này, người ta hay nói đến bệnh thành tích, đúng, nhưng quan trọng vẫn là không biết tiết kiệm, không biết cách chi tiêu, dẫn đến nợ nần chồng chất và nhận lãnh sự ta thán của người dân.
Đất nước còn nghèo, phải thắt lưng buộc bụng, nên không thể chi theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” được, chưa nói đến việc lợi dụng chi tiêu để xà xẻo, nhũng lạm, móc túi công quỹ cho vào túi mình và nhóm lợi ích của mình. Thực tế cho thấy, có quá nhiều dự án, công trình chi phí quá cỡ, không đem lại hiệu quả thiết thực. Có những dự án “trùm mền”, dự án “đắp chiếu” năm này sang năm khác. Đồng vốn bị chôn, không luân chuyển để sinh lợi, cũng không được chuyển sang đầu tư vào dự án khác, nơi khác.
Lạm chi trong nhiều trường hợp còn đi liền với lãng phí tiền bạc của Nhà nước. Rất nhiều cuộc hội nghị tổ chức linh đình, hao tiền tốn của. Nhiều lễ khai trương, khánh thành công trình dù chỉ ở cấp huyện cũng thật rình rang. Lại có cả những chuyến đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài nhưng xem ra chỉ là việc cố gắng hợp thực hóa chi tiêu từ nguồn ngân sách, rút tiền ngân sách để “giải quyết chế độ”. Nhắc đến chuyện này, hẳn nhiều người vẫn chưa quên ở địa phương nọ người ta chi tiền cho một đoàn cán bộ sang Canada học kinh nghiệm làm... xổ số.
Chi tiêu đúng mục đích, mang lại lợi cích cho xã hội thì dù có lạm chi chút đỉnh thì chắc cũng không bị lên án. Đáng nói là với quyền hạn trong tay, không cân nhắc thiệt hơn, không nghĩ vì dân vì nước mà chỉ nghĩ đến việc cứ chi đã, nợ nần tính sau.
Chính vì vậy việc Chính phủ một lần nữa cảnh báo việc lạm chi, chi không đúng mục đích, để lại nợ nần nhiều là động thái rất cần thiết. Nhưng, cùng với cảnh báo, người dân còn trông đợi nhiều hơn vào việc kiểm tra xem những nơi nào lạm chi, chi sai, tham ô tham nhũng trong chi tiêu của công.
Những “địa chỉ đen” đó cần được đưa ra ánh sáng, công bố công khai trước bàn dân thiên hạ và phải được xử lý thích đáng. Ai làm hao tổn tiền của Nhà nước thì phải bị đền bù, bị kỉ luật, nặng thì phải đối diện với vành móng ngựa. Chỉ có như thế mới khiến cho những kẻ nhăm nhe lợi dụng quyền hạn chi tiêu của công quá cỡ, làm nghèo quê hương, đất nước phải chùn tay.
Rất mong từng năm, cơ quan chức năng công bố địa phương nào, ngành nào bội chi, lạm chi, con số là bao nhiêu; đồng thời đưa ra kiến nghị xử lý. Điều đó sẽ ngăn chặn được những vị có tư tưởng “vung tay quá trán” sẽ không dám làm liều với công quỹ, và từ đó sẽ đem lại niềm tin trong nhân dân.