Những cánh rừng kêu cứu: Kỳ 1 - Rừng Măng Cành rỗng ruột
Hơn 900 hécta rừng sản xuất được giao cho UBND xã Măng Cành (huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum) quản lý, bảo vệ nhưng do lực lượng mỏng, cùng sự buông lỏng của cơ quan chức năng và thủ đoạn khai thác tinh vi của lâm tặc mà những cây gỗ quý có giá trị đã bị chúng khai thác cạn kiệt, để lại một khu rừng già rỗng ruột. Đáng chú ý, sự sự việc bùng ra, thì các cơ quan chức năng lại đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân mất rừng.
Rừng Măng Cành từng bị khai thác tràn lan.
Ngày 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, tổ chức tại Đắk Lắk.
Trước thực trạng rừng tự nhiên Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng suốt thời gian dài, để cứu những cánh rừng còn sót lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại cho mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án liên quan an ninh, quốc phòng quan trọng”. Từ số báo này, ĐĐK sẽ khởi đăng loạt bài thực tế những gì đã và đang diễn ra ở những cánh rừng; đồng thời đưa ra những giải pháp để giữ rừng, cứu rừng.
“Cha chung không ai khóc”
Người dân từng phản ánh việc rừng xã Măng Cành thường xuyên bị lâm tặc triệt hạ, thế nhưng không các cơ quan chức năng nào đứng ra ngăn chặn, xử lý. Trong vai những người đi tìm lan, săn chim rừng, chúng tôi đã có cơ hội trực tiếp thâm nhập và tìm hiểu thực trạng phá rừng nơi đây. Theo lời dặn của người dân, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng hành trang cho chuyến mục sở thị, cũng như lên phương án cụ thể để ứng phó với lâm tặc nếu lỡ giáp mặt trong rừng.
...Chúng tôi chạy xe từ trung tâm hành chính huyện Kon Plông, theo tỉnh lộ 676 đi thẳng vào xã Măng Cành, đến km thứ 12 ngay cạnh mỏ đá tiểu khu 474. Theo hướng dẫn của người dân đưa đi tìm lan và chim rừng chúng tôi rẽ phải vượt lên con dốc đá hơn 100m thì đã vào đến cửa rừng. Cũng may hôm đó trời mưa nên mọi hoạt động khai thác đá cũng như khai thác gỗ của lâm tặc cũng tạm ngưng nghỉ.
Vừa đặt chân đến cửa rừng cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là bãi đất rộng của khu mỏ đá, đây là một địa điểm để thực hiện bốc xếp gỗ lậu, đưa đi tiêu thụ mà cơ quan chức năng khó phát hiện. Cũng theo phản ánh của người dân thì gỗ ở đây mất cứ mất, còn cơ quan chức năng khó mà bắt được vì các loại xe tải lớn nhỏ khi vào mỏ đá, họ thường xếp gỗ quý xuống dưới rồi mua đá 1x2 đổ lên trên, để đánh lừa cơ quan chức năng khiến nhiều người tưởng là xe chở đá, chớ làm gì nghĩ trong đó có gỗ mà bắt.
Vượt lên con dốc nhỏ đâm thẳng vào cánh rừng tiểu khu 474, chúng tôi thấy những gốc cây gỗ lớn đang chảy nhựa vì vừa bị khai thác, mùn cưa còn tươi và những tấm bìa vứt ngổn ngang. Càng vào sâu bên trong thì số lượng gỗ bị khai thác càng nhiều, cùng với đó là các đường nhánh rẽ do lâm tặc mở chạy khắp khu rừng để khai thác.
Không chỉ tất cả cây to, có giá trị đều chỉ còn trơ lại gốc, cành ngọn và những miếng ván bìa, nhiều cây gỗ khác cũng bị lâm tặc cưa hạ chỏng chơ nhưng không lấy đi vì bị rỗng ruột. Những dấu tích để lại như hằn xe máy cày độ, dây cáp bị đứt vứt bên đường, cùng những gốc cây, ván bìa đã phủ rêu cho thấy khu rừng này đã bị khai thác từ trước đến nay và như một đại công trường mà không có ai giám sát, bảo vệ. Thậm chí lâm tặc còn đem cưa vào khai thác, cắt gỗ theo kích thước được đặt hàng và xếp ngay ngắn bên đường rừng mà quên chưa lấy…
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh Văn- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông cho biết, tiểu khu 474 là rừng sản xuất đã được giao cho UBND xã Măng Cành quản lý. Chính quyền xã sau đó giao lại 900ha cho 150 hộ dân ở 3 làng Kon Kum, Tu Ma và Tu Rằng giữ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Cũng theo ông Văn, nguyên nhân mất rừng là do người dân địa phương chặt lấy về sửa chữa nhà cửa. Cụ thể, để làm một căn nhà, người dân phải đốn khoảng 10m3 gỗ tròn mới đủ. Chưa tính chuồng trâu, chuồng bò cũng phải cần trên 5m3, sửa chữa một nhà rông văn hóa cần tới 30m3. Thế cho nên lượng gỗ lấy đi hơi nhiều.
Còn ông A Ninh- Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho rằng, người dân trong xã chỉ khai thác lượng gỗ đủ để làm 10 nhà Rông văn hóa, 8 nhà đại đoàn kết và chuồng trại gia súc. Việc làm nhà Rông cũng đã hoàn thành từ cuối năm ngoái. Bởi vậy lâm tặc mới là thủ phạm chính phá rừng.
Ông A Ninh nhấn mạnh, lâm tặc bây giờ rất tinh vi và khai thác rất hiện đại, có máy cày, máy cưa. Do vậy chúng chỉ cần vào rừng trong 1 tiếng đồng hồ là nó cắt gỗ đưa về khiến công tác quản lý bảo vệ rừng rất khó. Với lại bọn lâm tặc chủ yếu lợi dụng vào các ngày khi mà lực lượng không tuần tra truy quét để ra tay.
Cũng theo ông A Ninh chia sẻ, từ đầu năm đến nay các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng và lực lượng dân quân du kích của xã đã bắt được 5 vụ, thu 10 máy cưa, 5 máy tời của lâm tặc. Để ngăn lâm tặc vào cưa gỗ vận chuyển ra khỏi rừng, chính quyền xã đã phải rải đinh ở những vị trí xung yếu, dùng cây rào chắn ngang đường thế vẫn không thể kiểm soát được tình hình.
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Sau khi có phản ánh của báo chí về tình trạng phá rừng ở Măng Cành, các cơ quan chức năng huyện Kon Plông đã tiến hành triển khai đặt trạm kiếm soát và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã họp dân nhắc nhở các hộ nhận bảo vệ rừng nêu cao cảnh giác, thường xuyên đi tuần tra, cử người chốt chặn ở trạm để ngăn ngừa nạn phá rừng.
Tuy nhiên theo người dân thì dẫu có là việc “mất bò mới lo làm chuồng” của xã Măng Cành thì dù sao “có còn hơn không”, bởi nếu bảo vệ, quản lý tốt thì sẽ bảo vệ được diện tích rừng còn lại và phục hồi rừng trở lại.
Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông nhận định, tình trạng rừng tại tiểu khu 474 bị rút ruột thủ phạm bao gồm cả người được giao giữ rừng, lẫn lâm tặc. Hiện huyện đã có văn bản khẩn chỉ đạo cho kiểm lâm, công an xác minh lại và làm rõ việc này.
Trong lúc UBND huyện Kon Plông đang chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương làm rõ vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 474 xã Măng Cành, thì tại nhiều cánh rừng khác ở huyện này, cả người dân và lâm tặc vẫn đang ngày đêm lén lút vào rừng cắt gỗ. Thủ đoạn rút ruột rừng theo kiểu chỉ chọn những cây gỗ to, có giá trị để cưa hạ được dư luận tại địa phương mỉa mai gọi là “phá rừng bền vững”.
Nếu chính quyền địa phương nơi đây không kịp thời ngăn chặn thì tài nguyên rừng trên cao nguyên Kon Plông, được ví như Đà Lạt thứ hai, có hệ động, thực vật nhiệt đới phong phú với độ che phủ rừng tới trên 82% sẽ ngày càng teo tóp, cạn kiệt.
Mới đây, trong buổi giao ban báo chí, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo về công tác quản lý bảo vệ rừng tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua, từ thông tin của báo chí, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm và cá nhân, tập thể để mất rừng.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hải, thời gian tới tình hình khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản và phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, tinh vi.
Vì vậy, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương; đồng thời tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để giữ rừng như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho người dân, cán bộ công chức trong toàn hệ thống chính trị phải nhận thức sâu sắc vấn đề bảo vệ rừng.
Cùng với đó, tiến hành rà soát, phân loại các loại rừng đồng thời đóng mốc cho được trên thực địa; củng cố lại tổ chức của toàn ngành nông nghiệp. Những cán bộ nào không có năng lực, phẩm chất kém trong lần này cũng xử lý. Gắn trách nhiệm của chủ rừng đối với việc để xảy ra mất rừng dưới mọi hình thức và gắn trách nhiệm của những người có liên đới với trách nhiệm này.
Những cơ sở chế biến gỗ gần rừng, những cơ sở chế biến gỗ không chứng minh được nguồn gốc, chế biến để làm gì giao ngành nông nghiệp rà soát và mạnh dạn xóa bỏ… Tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để khôi phục rừng và nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 62,3% hiện nay lên 63,75%.
Con số từ Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho Tây nguyên hơn 3,3 triệu ha. Cụ thể, đất có rừng hiện nay là hơn 2,5 triệu ha, giảm 180.000ha rừng so với năm 2010. Nguyên nhân diện tích rừng tự nhiên giảm là do chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 110.000ha, chiếm 40,3%; chuyển rừng sang mục đích xây dựng công trình thủy điện, giao thông... 37.000ha, chiếm 13,8%; còn lại là do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác với gần 123.000ha, chiếm 45%...
Nguyễn Tuấn Anh