Siết chặt đào tạo lái xe
Thời gian vừa qua, tai nạn giao thông vẫn tiếp tục gia tăng, tuy rằng đã có rất nhiều nỗ lực hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là lái xe không tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Vì thế, cùng với việc nâng cao mức xử phạt lỗi chạy quá tốc độ, uống rượu bia khi lái xe, Chính phủ còn ban hành Nghị định 65 siết chặt khâu đào tạo và sát hạch lái xe.
Việc ban hành NĐ65 nhằm đẩy lùi tai nạn giao thông (Ảnh: Hoàng Long).
Không mở ồ ạt các trung tâm đào tạo
Còn nhớ cách đây khoảng 5-6 năm, khi KT-XH có chút khởi sắc, đời sống dần khấm khá hơn, người dân đua nhau học lái xe theo phong trào dù chưa có ô tô, hoặc thậm chí cũng chẳng bao giờ mua được ô tô.
Đó chính là lý do để các trung tâm đào tạo lái xe mọc lên như nấm sau mưa, vì đầu tư vào lĩnh vực này cho lợi nhuận lớn. Và cũng chính vì cái sự ồ ạt đó mà chất lượng đào tạo cũng như sát hạch lái xe không thực sự đảm bảo, nếu không muốn nói là có phần “tháo khoán”, buông lỏng quản lý.
Nhiều người có thể dễ dàng được cấp bằng lái xe dù không biết gì, hay thậm chí còn không biết quyển Luật Giao thông đường bộ dày hay mỏng. Nhiều “ông thày” đào tạo học viên lái xe thay vì đào tạo bài bản từ lý thuyết đến thực hành, từ nghiên cứu cấu tạo và cách vận hành động cơ đến chạy xe ngoài đường, thì chỉ dạy “tủ” – nghĩa là bài thi sát hạch lái xe có 10 bước thì cứ thuần thục theo kiểu “học vẹt” để qua các bước đó là được, không cần biết trình độ tay nghề, tâm lý học viên ra sao khi vào đời thực.
Chính vì vậy, nhiều người cầm bằng lái xe trong tay nhưng không đủ tự tin để ngồi sau vô lăng. Còn nhiều người “điếc không sợ súng” thì dù không thuộc luật, dù tay nghề còn non vẫn cứ nhảy lên ô tô lái nên mới có những vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn. Để hạn chế điều này, Nghị định sồ 65/2016/NĐ-CP quy định việc phát triển cơ sở kỉnh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe phải theo quy hoạch.
Theo đó, Bộ GTVT chủ trì, phối họp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước; chịu trách nhiệm công bố, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt... tránh tình trạng mở ồ ạt các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe như trong thời gian vừa qua để đảm bảo chất lượng đào tạo, sát hạch.
Cơ sở vật chất phải đạt chuẩn
Ngoài quy định việc phát triển các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô, Nghị định 65 còn quy định chi tiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị của một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe.
Cụ thể, các trung tâm đào tạo lái xe phải có đủ hệ thống phòng học chuyên môn, bao gồm các phòng học lý thuyết và phòng học thực hành, bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn phù hợp với quy mô đào tạo theo quy định của Bộ GTVT.
Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô với số lượng 500 học viên trở lên phải có ít nhất 2 phòng học pháp luật giao thông đường bộ và 2 phòng học kỹ thuật lái xe; nếu số học viên từ 1.000 trở lên phải có ít nhất 3 phòng học pháp luật giao thông đường bộ và 3 phòng học kỹ thuật lái xe. Phòng học pháp luật giao thông đường bộ phải đảm bảo có thiết bị nghe nhìn (màn hình, máy chiếu), tranh vẽ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa hình... Phòng học cấu tạo và sửa chữa thông thường phải có mô hình cắt bổ động cơ, hệ thống truyền lực; mô hình hệ thống điện; hình hoặc tranh vẽ sơ đồ mô tả cấu tạo và nguyên lý hoạt động của động cơ, hệ thống truyền lực, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái; phòng học kỹ thuật lái xe phải có xe ô tô được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng...
Cũng để đảm bảo các học viên được học lái xe thực, chứ không phải là đánh trống ghi tên rồi cấp bằng, Nghị định 65 quy định các trung tâm phải có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với số lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe. Cho phép các trung tâm đào tạo lái xe được sử dụng xe hợp đồng thời hạn từ 1 năm trở lên nhưng số lượng không được vượt quá 50% số xe sở hữu cùng hạng tương ứng của cơ sở đào tạo (đối với xe tập lái các hạng B1, B2, C, D, E). Riêng xe hạng B1, B2 có số tự động được sử dụng xe hợp đồng.
Xe tập lái ngoài việc phải có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực, còn phải có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng; đồng thời phải có 2 biển “Tập lái” theo mẫu quy định...
Việc ban hành Nghị định 65 là một trong những giải pháp đồng bộ cùng với việc nâng cao mức xử phạt hành chính trong phát hiện, xử lý lái xe vi phạm an toàn giao thông đường bộ, thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm thiểu, đẩy lùi vấn nạn xã hội TNGT.