Tư vấn miễn phí hơn 1.600 vụ việc tại Trụ sở tiếp công dân TW
Chiều 6/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai việc luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý miễn phí cho công dân đến khiếu nại tố cáo (KNTC) tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ cuối năm.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha phát biểu kết luận hội nghị.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha; Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh; Trưởng ban tiếp công dân Trung ương - TTCP Nguyễn Hồng Điệp cùng hơn 100 luật sư.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, thực hiện chương trình phối hợp về giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở giữa 5 cơ quan, trong năm 2016, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã triển khai tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân ở cả hai Trụ sở tiếp công dân Trung ương tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, có 243 luật sư đã tham gia tư vấn pháp lý cho dân với hơn 1.600 lượt tư vấn.
Việc triển khai tư vấn Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở cả TP HCM và Hà Nội cho thấy các luật sư rất nhiệt tình, trách nhiệm, dù đây là việc rất khó khăn đối với các luật sư so với việc thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý với khách hàng của mình.
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, ở Trụ sở tiếp công dân Trung ương, thực tế có tới 60% việc khiếu kiện đã hết thẩm quyền, không đúng pháp luật, chỉ khoảng 40% là khiếu kiện đúng cơ sở.
Vì vậy, khi đến đây, được các luật sư tư vấn thì đa số người dân đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ của họ, qua đó thái độ ứng xử của người dân đối với việc khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước đã có những thay đổi nhất định.
Đã có một số trường hợp sau khi nói chuyện với luật sư thì đã về quê không khiếu kiện nữa.
Quang cảnh hội nghị.
Hoạt động tư vấn này cũng giúp cho các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết KNTC của người dân được đúng pháp luật; phát hiện một số vụ giải quyết khiếu kiện chưa thỏa đáng, còn có sai sót để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyển bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân…
Khó khăn của việc trợ giúp pháp lý miễn phí trong KNTC, theo ông Thịnh là các vụ việc tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương thường đã được các cơ quan giải quyết qua nhiều cấp, kéo dài qua nhiều năm.
Tính chất vụ việc phức tạp, nhạy cảm, do đó khi trợ giúp pháp lý cho người dân, luật sư cũng không thể nắm bắt hết và hiểu thấu đáo bản chất các vụ việc trong thời gian ngắn. Nhưng luật sư vẫn phải đưa ra những tư vấn ngay cho người dân, vì thế không thể thấy được ngay hiệu quả của việc tư vấn…
Từ thực tiễn tư vấn pháp lý cho dân, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị TTCP cùng với Liên đoàn chọn một số vụ việc điển hình để trợ giúp pháp lý cho dân và giúp cơ quan nhà nước giải quyết dứt điểm việc khiếu kiện cho dân, qua đó sẽ rút kinh nghiệm cách làm để việc trợ giúp có thể hiện quả, thiết thực hơn.
Qua thực tế tư vấn cho thấy, cần nâng cao công tác tiếp dân tại địa phương của cán bộ tiếp dân, tránh tình trạng người dân khiếu kiện vượt cấp.
Cơ quan Nhà nước phải giải quyết khiếu kiện của dân đúng hạn, nếu từ chối cần phải nêu rõ lý do trên cơ sở tuân thủ đúng pháp luật.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, xu hướng khiếu kiện của bà con bây giờ là tập trung đông người chỗ công cộng, huy động cả trẻ em, học sinh tham gia; có cả thế lực thù địch đứng sau..
Xuất hiện nhiều hành vi quá khích của dân chống lại chính quyền. Tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã xảy ra trường hợp dân đánh trọng thương cán bộ tiếp dân. Có những công dân đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương để gây sức ép với nhà nước.
“Trong số các nguyên nhân gây khiếu kiện đông người thì lớn nhất vẫn là cơ chế chính sách. Tuổi thọ của các văn bản chính sách không dài, nhất là về đất đai, chỉ cách một ngày mức bồi thường đã khác nhau, chỉ cách nhau một khoảng gần mức bồi thường đã khác nhau.. khiến dân rất bức xúc, dẫn đến khiếu kiện”, ông Điệp nói.
Để nâng cao hiệu quả KNTC, ông Điệp cho rằng, người đứng đầu phải tăng cường tiếp dân. “Thực tế cho thấy, cứ vụ khiếu kiện nào mà Bí thư, Chủ tịch tỉnh tiếp dân, giải quyết là ổn ngay”, ông Điệp nói.
Cũng theo ông Điệp, nhiều trường hợp chuyển đơn khiếu kiện cũng chưa đúng thẩm quyền, địa chỉ, kể cả cả đại biểu Quốc hội nhiều người cũng chuyển sai.
Nhiều ý kiến luật sư cho rằng, KNTC gia tăng vì vẫn còn tình trạng thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng dân, nhất là trong những chủ trương, dự án lớn, vì vậy khiến dân rất bức xúc, khiếu kiện vượt cấp.
Nhiều nơi, chính quyền địa phương không coi trọng luật KNTC, không tiếp dân .., khiến cho dân ấn tượng xấu với các cơ quan nhà nước, mất lòng tin, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.
Vì vậy, các ý kiến đều cho rằng, các cấp chính quyền cần trách nhiệm, thực hiện tốt việc tiếp dân, giải quyết KNTC.
Luật sư Nguyễn Văn Xứng (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) phát biểu tại hội nghị.
Luật sư Nguyễn Văn Xứng (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) chia sẻ, luật sư tư vấn cho dân không phải tất cả đều vì dịch vụ, có những vụ việc mà sự oan ức lâu năm của dân khiến luật sư thấy đau lòng, thấy mình phải có trách nhiệm giúp dân.
"Chúng tôi mong có sự phối hợp để làm tốt hơn việc giải quyết KNTC cho dân, nhất là phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền các cấp”, LS Xứng đề nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha ghi nhận ý kiến của các luật sư về những vấn đề bức xúc của người dân mà địa phương không giải quyết.
Trên cơ sở đề xuất của các cơ quan tham gia, chương trình phối hợp sẽ chọn một số vụ việc bức xúc để tổ chức các đoàn đi giám sát trực tiếp.
Từ kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa 5 cơ quan, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đề nghị cần có tổng kết 1 năm nếu nhận thấy thực sự có tác dụng thì tiếp tục triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.