Vụ bảo vệ BV Nhi Trung ương không cho xe cấp cứu rời viện: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ!
Như Đại Đoàn Kết online đã đưa tin, khoảng 8h45’ ngày thứ Bảy, 2/7, xe cấp cứu biển kiểm soát 37A - 13612 (biển trắng) bật đèn quay và hú còi cấp cứu đi vào cổng bệnh viện sau đó đi đến đỗ tại sảnh thanh toán viện phí - trước cửa khoa Cấp cứu và Chống độc.
Bảo vệ BV Nhi Trung ương ngăn cản xe chở bệnh nhân rời viện (Ảnh cắt từ clip).
Lúc này, trên xe có 2 người, không có bệnh nhân.
Khi phát hiện chiếc xe trên vào dừng đỗ, lực lựợng bảo vệ AZ làm nhiệm vụ đến nhắc nhở và yêu cầu lái xe mở cửa và xuất trình giấy tờ nhưng lái xe không chấp hành. Sau đó 2 bên đã to tiếng với nhau như cảnh quay đã được đưa lên mạng xã hội.
Sau khi xảy ra sự việc, 10h sáng thứ Ba, 5/7, BV đã tổ chức cuộc họp khẩn, mời các bên liên quan để xác minh vụ việc.
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Công ty bảo vệ AZ, đơn vị ký hợp đồng bảo vệ với BV, Công an phường Láng Thượng và cán bộ PC45 - Công an Thành phố Hà Nội.
Người nhà bệnh nhân khóc lóc, cự cãi với bảo vệ BV Nhi Trung ương
khi muốn đưa bệnh nhân rời viện bằng xe cứu thương bên ngoài.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi được nêu ra mà phía BV Nhi Trung ương chưa có câu trả lời thỏa đáng:
Thứ nhất, nếu xe cứu thương không hợp tác với bảo vệ, không tuân thủ việc xuất trình giấy tờ hay lý do vào viện, thì tại sao lại lọt được qua cổng để vào tận sân trong. Hơn nữa, xe này còn đợi từ 8h45 đến 9h30, thừa thời gian để lực lượng bảo vệ tiến hành các thủ tục mà họ muốn, thậm chí là đuổi xe ra ngoài nếu phát hiện sai phạm. Vì sao sự căng thẳng chỉ đến khi bệnh nhi được chuyển lên và xe rời đi? Phải chăng đưa người vào thì dễ, còn đón người ra thì khó?
Thứ hai, nếu "vào dễ ra khó", phải chăng có sự đồng lõa, câu kết cho tình trạng bảo kê xe cấp cứu độc quyền? (Một bảo vệ đã trả lời phóng viên QPVN rằng, "Ở đây cũng có xe thì không đi").
Việc "vào dễ - ra khó" không phải là lần đầu xảy ra ở các bệnh viện. Ở các BV lớn ở Hà Nội như: Việt Đức, Nhi, Phụ sản, 198, Bạch Mai... từ lâu nay vẫn tồn tại tình trạng xe cứu thương "dù" lộng hành, gần như kiểm soát hoàn toàn hoạt động đưa đón bệnh nhân với giá cắt cổ. Tháng 3/2015, cũng 1 xe cứu thương từ Nghệ An, đưa bệnh nhân vào BV Việt Đức cấp cứu. Sau đó nạn nhân tử vong, xe này lại đưa về, thì bị 1 số đối tượng côn đồ quây lại đòi "lệ phí".
Khi bị từ chối, 3 tên côn đồ đã quây đánh lái xe gây thương tích. Ngay hồi tháng 3/2016, tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Thái Bình cũng bị tố cáo "bảo kê" cho 5 xe cấp cứu "dù", bao thầu hoạt động đưa đón bệnh nhân. Thậm chí các bác sĩ ở BV này còn gợi ý người nhà bệnh nhân nên đi xe đó (dù xe biển trắng, và có giá cao hơn giá quy định).
Thứ ba, nếu không có sự "bảo kê", móc ngoặc của BV Nhi Trung ương với lực lượng bảo vệ thuê ngoài, và với một đội xe cứu thương "dù" nào đó, thì tại sao sự việc đau lòng như vậy diễn ra trong 1 tiếng đồng hồ, ngay ở sân BV, mà không có ai trong Ban GĐ BV can thiệp? Để cuối cùng, bệnh nhi tử vong trên xe, khi mà bố mẹ cháu đang khản cổ van vỉ để xin đưa cháu về?
Thứ tư, Câu hỏi này xin dành cho lãnh đạo ngành Y tế: Bộ trưởng và các thứ trưởng, Vụ trưởng, có biết đến sự việc này chưa? Có biết đến tình trạng bảo kê lộng hành ở các bệnh viện không? Và các vị có đồng tình với giải thích của BGĐ BV Nhi Trung ương, rằng đây chỉ là "lỗi ứng xử" của lực lượng bảo vệ, để rồi xử lý nội bộ hay không?