Những cây cầu trăm tỷ phơi sương
Mặc dù là những công trình dân sinh quan trọng, cần thiết nhưng vì nhiều lý do, ở khu vực TP Hồ Chí Minh hiện nay có nhiều cây câu chỉ xây đến lưng chừng lòng sông rồi bỏ đó. Hậu quả của nó, ngoài việc lãng phí hàng trăm tỷ đồng, còn ảnh hưởng nhiều đến giao thông đường thủy.
Cầu Kênh Lộ bắc qua sông Rạch Giồng (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) có vốn đầu tư 392 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn ngổn ngang, cỏ mọc um tùm hai bên đường dẫn lên cầu. Phần trụ chính gồm những cột bê-tông giữa lòng sông đã xây xong nhưng chưa ghép nối khiến công trình cứ trơ trơ cùng mưa nắng.
Tất nhiên, trong suốt thời gian đó, người dân 2 bên bờ sông vẫn ngày ngày phải đi trên những chuyến đò ngang đầy bất tiện và bất trắc. Nhiều người dân phản ánh, khi làm lễ khởi công, hàng trăm hộ dân ở xã Hiệp Phước mừng rơi nước mắt vì nghĩ sắp thoát cảnh đi đò.
Tuy nhiên, suốt 5 năm qua, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Và thực tế thì cũng chưa biết bao giờ công trình này sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thành bởi nó đã bị bỏ hoang như vậy từ cách đây gần 2 năm.
Tuy nhiên, đó không phải là công trình cầu dang dở duy nhất ở thành phố. Nằm cách cầu Kênh Lộ khoảng hơn mười cây số, một cây cầu khác cũng chịu chung số phận là cầu Phước Lộc bắc qua rạch Long Kiểng. Nhiều người dân ở đây cho biết, sau khi khởi công năm 2012, cầu Phước Lộc được xây các trụ bê-tông và trụ nối.
Tuy nhiên, sau đó đơn vị thi công dời đi, bỏ lại tất cả vật liệu xây dựng và cây cầu mới xây tới giữa sông suốt hơn một năm. Không ai biết bao giờ cầu Phước Lộc tiếp tục xây dựng.
Theo chủ đầu tư của 2 công trình trên là Khu quản lý giao thông đô thị số 4 (thuộc Sở GTVT TP.HCM) thì nguyên nhân chính do những vướng mắc về tiền đền bù. Mỗi công trình đều có một số hộ dân chưa đồng ý với phương án tiền đền bù nên không chịu di dời. Chủ đầu tư vì thế không bàn giao kịp mặt bằng cho đơn vị thi công khiến tiến độ công trình bị chậm trễ.
Trong khi đó, một công trình cầu dang dở khác là cầu Tân Tạo nằm ở tỉnh lộ 10B nối huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, chạy suốt qua các khu công nghiệp ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An). Đây là một trong những công trình lớn, quan trọng với tổng số vốn lên đến hơn 550 tỷ đồng.
Thực tế, cầu Tân Tạo gần như đã hoàn thành tất cả các hạng mục chính với chiều rộng 30, có 6 làn xe chạy. Tuy nhiên, sau gần 10 năm khởi công, đến nay công trình này vẫn đang “đắp chiếu” ngoài mưa nắng, chưa thể đem vào sử dụng. Nguyên nhân, theo chủ đầu tư thì do việc đền bù mặt bằng của các hộ dân ở chân cầu Tân Tạo bị vướng mắc.
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng những cây cầu dân sinh là rất quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan quản lý và chủ đầu tư cần có những chế tài, phương án cần thiết để đảm bảo công trình được hoàn thành đúng tiến độ, tránh tình trạng xây dựng nhiều năm chưa hoàn thiện như hiện nay.