Gặp gỡ Việt Nam - hơn cả khoa học cơ bản
Những ngày này mảnh đất ven biển Quy Nhơn (Bình Định) được đón những vị khách cực quý. 5 giáo sư là chủ nhân của giải Nobel danh giá đã đến Việt Nam tham dự chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016 cùng rất nhiều các nhà khoa học tên tuổi trên thế giới.
Trong số ấy, có thể tự hào với những nhà khoa học người Việt mà tên tuổi tầm cỡ thế giới, uy tín của họ đủ để mời các vị khách quý đến Việt Nam, như GS Ngô Bảo Châu – Giải thưởng Fields, GS Trịnh Xuân Thuận và đặc biệt là các Giáo sư đồng sáng lập Gặp gỡ Việt Nam là vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu.
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho vợ chồng GS Kurt Wuthrich. nguồn: khoahocphattrien.vn.
Cuộc gặp gỡ đang diễn ra ở Quy Nhơn là cuộc gặp gỡ của trí tuệ và học thuật đỉnh cao, là niềm vinh dự của đất nước những ngày này. Đó cũng là dịp tuyệt vời và hiệu quả để quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế so với rất nhiều triệu đồng bỏ ra cho các chiến lược quảng bá của ngành du lịch.
Nhớ những lần gặp gỡ Việt Nam trước, khi lần đầu tiên các nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Gặp gỡ Việt Nam, một lãnh đạo tỉnh Bình Định đã thốt lên: GS Trần Thanh Vân đã trao cho địa phương một cơ hội mà dù có rất nhiều tiền cũng không mua được.
Công đầu thuộc về Giáo sư Trần Thanh Vân – một nhà khoa học mà suốt đời mình phấn đấu vì 2 mục đích: Khoa học và Quê hương. Suốt đời mình, ông nỗ lực tập hợp các nhà vật lý hàng đầu thế giới cùng tham gia các cuộc gặp gỡ khoa học như Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và cùng GS Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nảy ra sáng kiến tổ chức Gặp gỡ Việt Nam hàng năm, ông đã không mệt mỏi mong muốn xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại Việt Nam.
Với sự có mặt của 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel, cùng với cuộc trở về của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và rất nhiều nhà khoa học tên tuổi khác, Gặp gỡ Việt Nam đến lần này là năm thứ 12 đã trở thành một hội nghị khoa học mang tầm vóc toàn cầu.
Để có đủ sức quy tụ các nhà khoa học từ khắp năm châu, tầm cỡ và uy tín của nhà khoa học gốc Việt Nam Trần Thanh Vân là rất lớn. Điều đáng quý ở ông là dù sống ở nước ngoài, dù đạt tới một tầm vóc một nhà khoa học lớn được cả thế giới biết đến với những công trình nghiên cứu vật lý hạt cơ bản, ông không bao giờ chỉ phấn đấu cho riêng bản thân mình. “Khoa học và Quê hương chính là lẽ sống của đời tôi” – “tuyên ngôn” ấy của GS Vân không chỉ là ngôn từ đẹp đẽ. Nó còn là sự thực hiển hiện qua cuộc đời ông mà Gặp gỡ Việt Nam là một.
“Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành” tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, với tổng mức đầu tư khoảng 6 triệu USD được khánh thành cách đây vài năm, bây giờ trở thành nơi tổ chức Gặp gỡ Việt Nam hàng năm là nỗ lực bền bỉ suốt nhiều năm qua của ông và các đồng nghiệp. Đem về quê hương xây dựng một Trung tâm khoa học quốc tế, ông tâm niệm từ đây tầm vóc khoa học của Việt Nam sẽ được nâng cao và góp phần nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam.
Các nhà khoa học bạn ông vẫn thường kể câu chuyện cảm động về ông. Giữa giá rét mùa đông ở Thủ đô Paris, GS Trần Thanh Vân và vợ là GS Lê Kim Ngọc đã đi bán thiếp Noel để góp tiền mang về Việt Nam xây dựng Làng Trẻ em SOS Đà Lạt, Đồng Hới và Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân (Huế). Cũng vợ chồng GS Trần Thanh Vân lập Quỹ học bổng Odol Valell tài trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học Việt Nam mỗi năm hàng tỷ đồng.
Lần đầu tiên Gặp gỡ Việt Nam được tổ chức ở Hà Nội vào năm 1993. Đó là thời điểm còn mới mẻ và đầy khó khăn đối với các nhà khoa học trong nước khi tiếp cận với các nhà khoa học Châu Âu và Mỹ. Dần dần, uy tín của những cuộc gặp gỡ Việt Nam ngày càng tăng lên và trong khoảng 3 năm gần đây, năm nào cũng mời được các nhà khoa học từng đoạt giải Nobel tham dự. Gặp gỡ Việt Nam năm 2016 này còn có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond được GS Trần Thanh Vân sáng lập từ năm 1966.
Chủ đề chính của Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 này là khoa học cơ bản và xã hội. Lần gặp gỡ này cũng không phải chỉ gồm các nhà khoa học cơ bản, trong số 5 Giáo sư được giải Nobel có GS Finn Kydland (Giải Nobel Kinh tế năm 2004) và Jean Jouzel (Giải Nobel Hòa bình năm 2007).
Chiều 6/7, ngay sau khi đặt chân tới Qui Nhơn, Giáo sư Kurt Wüthrich đã có buổi nói chuyện về chủ đề: “Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi”. Như vậy để thấy, câu chuyện gặp gỡ của các nhà khoa học bậc thầy của thế giới đến Việt Nam không phải chỉ là việc các nhà khoa học tự bàn với nhau về vật lý thiên văn và vũ trụ xa xôi đâu đó.
Những cuộc hội tụ của các nhà khoa học lớn đang truyền thông điệp gì tới xã hội và chúng ta tận dụng được gì từ cơ hội đặc biệt này? Câu chuyện cuộc đời GS Nguyễn Thanh Vân là minh chứng sinh động của khoa học không phải là tháp ngà. Một nhà khoa học cơ bản tầm cỡ thế giới đã sống một cuộc đời dấn thân và cống hiến không mệt mỏi cho quê hương. Những gì ông làm được cho Việt Nam là bằng sự thực tâm và hiệu quả. Thực tâm coi khoa học và quê hương là lẽ sống của đời mình, ông phấn đấu cả đời cho 2 mục đích ấy và đạt hiệu quả thực sự.
Mỗi một năm, bằng Gặp gỡ Việt Nam, bằng uy tín của mình mời được 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Việt Nam, ông đã tạo ra một cơ hội vàng cho nền khoa học, cho hình ảnh đất nước.
Trong khi đó, ở phía các cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ nước nhà, chúng ta đã tận dụng được gì từ lợi thế có sẵn “tài nguyên” là rất nhiều nhà khoa học đạt tầm vóc quốc tế, chỉ tính riêng ở lĩnh vực vật lý và toán học, như Hoàng Tuỵ, Nguyễn Văn Hiệu, Trịnh Xuân Thuận, Trần Thanh Vân, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn…?
Gặp gỡ Việt Nam không chỉ là cơ hội cho khoa học cơ bản nước nhà, không phải chỉ là cơ hội để thổi bùng niềm đam mê khoa học cơ bản với giới trẻ Việt Nam, mà còn mang nhiều ý nghĩa và cơ hội lớn mà chúng ta cần nắm bắt được. Chỉ riêng ở lĩnh vực sinh động là du lịch, còn gì đẹp hơn hình ảnh các nhà khoa học hàng đầu thế giới vừa gặp gỡ, tranh luận khoa học vừa dạo chơi, thư giãn bên bờ biển Ghềnh Ráng.