Kinh doanh điện ảnh: Nên có sự thỏa thuận giữa các bên
Bộ VHTT&DL vừa có cuộc họp nội bộ với đại diện 8 đơn vị điện ảnh đã gửi thư đến các cơ quan chức năng “tố” việc hệ thống rạp CGV cạnh tranh không lành mạnh. Trước mắt theo quan điểm của Bộ VHTT&DL, các đơn vị nên ngồi lại thỏa thuận cùng nhau trước khi nghĩ đến vấn đề khởi kiện.
CGV đang bị 8 đơn vị điện ảnh tố cạnh tranh không lành mạnh.
Giọi nước tràn ly
Như đã thông tin từ các số báo trước, từ tháng 5-2016, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã có đơn khiếu nại đến Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh và các cơ quan chức năng khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.
“Tâm thư” của 8 đơn vị điện ảnh bày tỏ: “Hiện tại những người làm điện ảnh Việt Nam chúng tôi đang vướng phải thách và khó khăn từ một đối tác lớn, đó là tập đoàn truyền thông CGV, đơn vị kinh doanh tại Việt Nam có nguồn vốn đầu tư của nước ngoài. Với lợi thế này của một tập đoàn có bề dày kinh nghiệm trong nghề, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư mạnh, CGV đang từng bước chiếm lĩnh thị trường Phát hành phim tại Việt Nam với hệ thống rạp chiếm 40% thị phần, hiện nay”.
Ngoài ra, 8 đơn vị điện ảnh cũng “tố” gần đây CGV cũng đã chính thức “lấn sân” với mạng phim “ăn khách” theo văn hóa Hàn Quốc. Với những lợi thế “thống trị thị trường” Việt Nam như hiện có, CGV đã bắt đầu áp đặt lối chơi ngay trên “sân nhà” của những người làm điện ảnh Việt.
Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp mà CGV hiện là nhà phát hành phim lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Họ đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Cụ thể, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác tỉ lệ ăn chí là 55/45 (CGV hưởng 55%), còn phim Việt Nam do các doanh nghiệp Việt phát hành tại hệ thống CGV là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành đó chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lện hạ dần theo tuần).
Các nhà phát hành trong nước không còn cách nào khác là phải chịu sự áp đặt của CGV do lượng rạp của CGV quá lớn. Nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu tại hệ thống CGV. Đồng nghĩa với việc không được chiếu trên 40% tổng số rạp, có nghĩa sẽ mất 40 % doanh thu. Nhà phát hành trong nước khi nhận được tỷ lệ ăn chia thấp như vậy thì cũng có thể đưa lại doanh thu thấp cho nhà sản xuất phim.
Theo “tâm thư” nói trên, sự chênh lệch tỷ lệ này với các nhà sản xuất – phát hành phim Việt Nam là rất lớn và rất bất hợp lý. Một tỷ lệ chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất – phát hành. Bởi lẽ chính nhà sản xuất – phát hành mới là người phải bỏ ra chi phí rất lớn, không chỉ là cho sản xuất phim mà còn bỏ cả chi phí về maketing, phát hành chop him.
Trên cơ sở đó, 8 đơn vị điện ảnh khẳng định: CGV đang tiến hành việc áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau, điều này chính là bất bình đẳng trong cạnh tranh và có dấu hiệu vi phạm khoản 4, điều 11, Mục 2, Chương II Luật Cạnh tranh.
Tránh kiện tụng
Bên cạnh những cáo buộc của 8 đơn vị điện ảnh với CGV, các đơn vị này cũng đưa ra những cảnh báo với hiện trạng này trong tương lại nền điện ảnh Việt Nam sẽ có nguy cơ bị CGV điều phối toàn bộ, theo cung cách và văn hóa Hàn Quốc. Đây là điều đã từng xảy ra với nhiều nước ở châu Á, khi bị phim truyền hình Hàn Quốc “phủ sóng”, cuốn giới trẻ khắp nơi vào mộ đường hướng văn hóa ngoại lai khác với thuộc tính văn hóa sở tại.
Trước vấn đề này, trong buổi gặp gỡ 8 đơn vị điện ảnh vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên khẳng định: Bộ VHTT&DL ủng hộ việc cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp làm đúng Luật. Sự nghiệp phát triển điện ảnh Việt Nam phải có sự nỗ lực của các đơn vị điện ảnh trong nước.
Vì vậy, Bộ mong muốn các đơn vị điện ảnh Việt Nam đoàn kết, tạo nên sức mạnh thực lực. Phát triển điện ảnh Việt Nam về lâu dài là vì người dân, vì cộng đồng và không dựa vào doanh nghiệp nước ngoài”. Cùng với đó, ông Biên cũng đề nghị các đơn vị tiến tới ngồi lại thỏa thuận cùng nhau trước khi nghĩ đến vấn đề khởi kiện. Bộ VHTT&DL sẽ có cuộc làm việc với đại diện CGV để có ý kiến về vấn đề này trong thời gian tới.
Về phía đại diện 8 đơn vị điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh- Giám đốc BHD cho biết: “Việc 8 đơn vị cùng gửi thư lên Bộ VHTT&DL và các cơ quan chức năng mới là tâm thư của chúng tôi để các cơ quan nhà nước hiểu thực tế đang có tình trạng không công bằng diễn ra chứ chưa phải là kiện cáo, khiếu nại. Bản thân chúng tôi cũng không muốn kiện cáo, chúng tôi muốn các cơ quan nhà nước có thể làm “trọng tài” để có thể có thỏa thuận hợp lý với CGV”.
Như vậy sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Qui hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì vụ việc nói trên được xem phép thử đầu tiên. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển, đặc biệt là sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đặt ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh phát hành phim ra rạp.
Đến đây, sự việc ít nhiều đã cho thấy trong cơ chế thị trường, kinh doanh điện ảnh cũng không nằm ngoài qui luật cạnh tranh quyết liệt. Tất nhiên theo các chuyên gia, pháp luật chỉ bảo hộ sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.