Những vùng đất bị quên lãng

Mỹ Hiền (Nguồn tham khảo: National Geographic) 09/07/2016 10:35

Những nhà thám hiểm, những nhà du lịch chuyên nghiệp có máu phiêu lưu luôn muốn khám phá những gì được cho là độc đáo, “có một không hai”. Họ có thể bỏ ra cả tháng, cả năm trời để đến với những hoang mạc khô cằn, hay là nơi nhiệt độ quanh năm dưới độ âm. Trong quá trình “dịch chuyển” ấy, họ đã ghi nhận “những địa chỉ bị thế giới lãng quên” vô cùng hiu quạnh.

Đàn cừu trên sa mạc Atacama.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Sylvain Margaine là một trong những người như vậy. Tay máy này đã lăn lộn hầu như tất cả những nơi được coi là hoang vu nhất thế giới. Sau những chuyến đi dài lê thê ấy, Sylvain chợt nhận ra rằng, không hẳn những nơi ấy từ trước tới nay không có con người sinh sống, mà chính là do họ đã “chán” rồi bỏ đi từ lúc nào không ai biết. Để lại sau lưng một sự hoang tàn cô độc đến rợn người.
Bộ sách ảnh của Sylvain được nhà xuất bản Jonglez Publishing ấn hành cho thấy điều đó. Trong lần ra mắt ấn phẩm, Sylvain tâm sự, đó là những gì con người đã chối bỏ, nhưng chính phế tích ấy lại nói lên rất nhiều điều. Lạc vào đó, người ta chợt hiểu sâu hơn giá trị của cuộc sống và không bao giờ muốn mình bị lâm vào cảnh ngộ ấy.

Sylvain cho biết, mình đã lần mò đến khu mỏ ở Sardinia. Với những bức ảnh chỉ nói lên sự hoang tàn, ông nói rằng tốt nhất là đừng ai đến đó nữa. “Một khung cảnh thê lương, những ngôi nhà vô chủ nằm như chết. Khi chiều xuống, ánh sáng tắt dần, những con gió đuổi nhau và gào khóc trong những ngôi nhà hoang gợi lên cảnh âm phủ”- Sylvian mô tả.

Cuộc sống thường ngày của một bộ tộc ở Namiabia.

Ông cũng đã tới một ngôi nhà thờ bỏ hoang ở làng Zeliszow, Ba Lan. Ngôi nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 18. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, người ta đã bỏ làng ra đi, bỏ cả nhà thờ, vì đó là vùng đất đã kiệt quệ. Với nhà máy điện Flanders ở Bỉ, nó bắt đầu hoạt động từ năm 1914 còn thời điểm chấm dứt cũng chưa lâu nhưng đã nhanh chóng hoang tàn.

Trong tập ảnh của Sylvian, sự cô đơn, nỗi ám ảnh trong những bệnh viện được ông mô tả khá rõ nét. Đó là bệnh viện tâm thần ở Vercelli nước Ý. Ông đã tha thẩn trong khu bệnh viện bỏ hoang cả ngày trời, tưởng tượng ra người ta sống trong đó như thế nào. Khung cảnh thật là hãi hùng. “Người bị bệnh sống ra sao, đó là một chuyện. Nhưng thật sự tôi không thể hình dung được thầy thuốc và những người bình thường chăm sóc người bệnh sống như thế nào. Chắc chắn là còn kinh hơn sống trong ngục tù”- Sylvian nói. Bức ảnh ông chụp hội trường của bệnh viện tâm thần Vercelli có thể nói là độc nhất vô nhị. Cũng ở nước Ý, và cùng đề tài bệnh viện bỏ hoang, Sylvian đã ghi lại nhiều hình ảnh về bệnh viện tâm thần ở Racconigi. Bệnh viện này mở cửa vào năm 1871 và bị đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1998. “Bệnh viện này có kiến trúc đặc biệt vì bản thân kiến trúc cũng là một cách chữa trị. Đó là một phần của câu chuyện ở nơi đây”- Sylvian nói.

Khu mỏ bỏ hoang Sardinia.

Sylvian cũng tới những nhà tù, trong đó có nhà tù bị bỏ hoang như nhà tù Loos ở Lille của nước Pháp. Ông nói: Cầu mong cho trái đất không còn nhà tù, nhà tù nào cũng bị bỏ hoang!

*
* *

Cùng với những “địa chỉ ma”, người ta cũng ghi nhận những vùng đất được cho là nguyên sơ nhất trên thế giới.

Trước hết, đó chính là Nam Cực, vùng đất lạnh giá nhất trái đất và chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất với loài người. Thật khó hình dung 96% diện tích của lục địa này bị bao phủ những lớp băng dày tới hơn 1,6km, hầu như không thể là nơi tồn tại của bất cứ sinh vật nào, đặc biệt là con người. Người ta chỉ đến đây để nghiên cứu, hoặc một vài người phiêu lưu nào đó. Trung bình mỗi năm chỉ khoảng 1.000 người lai vãng tới vùng đất ghê gớm này.

Sa mạc Atacama (Chile) cũng được coi là vùng đất kỳ lạ bậc nhất thế giới vì sa mạc này chưa bao giờ đón nhận bất kỳ một cơn mưa nào. Rộng tới 103.600km2 chỉ có muối, cát, dung nham và đất đá khô cằn tới mức không một sinh vật nào có thể tồn tại.

Đánh bắt cá ở Papua New Guinea.

Vùng Kamchatka (của Nga) cũng được coi là nguyên sơ bao quanh bởi Thái Bình Dương ở phía đông và biển Okhotsk ở phía Tây. Nơi đây, chuyện động đất tới 9 độ richter không phải là chuyện lạ, cũng như núi lửa bỗng đột nhiên phun trào dữ dội đã khiến cho bất cứ người nào sống được ở đây thì cũng có thể sống được ở bất cứ nơi nào trên trái đất.

Người ta cũng xếp khu vực Fiordland nằm ở cuối phía Nam bờ biển Tây New Zealand là vùng đất hoang dã bậc nhất với những dãy núi lởm chởm, không một bóng người. Ở đây, trong năm, cũng chỉ chừng vài ba ngày có người Maori tới săn bắn, bắt cá, rồi lại trở về trạng thái cô độc vĩnh hằng.

Cuối cùng, cũng có thể kể thêm về Papua New Guinea và Namibia. Papua New Guinea là nơi ít được con người khám phá, đặc biệt là ở những khu rừng rậm của quốc gia này. Còn ở Namibia, một trong những khu vực thưa dân nhất thế giới, nhưng lại là “đất’ của loài báo đốm với số lượng lên tới 2.500 cá thể, chiếm 1/4 tổng số báo đốm trên thế giới. Namibia khiến người ta choáng ngợp bởi những bức tượng đá cổ không biết có tự bao giờ; nhiều miệng núi lửa và những thác nước hùng vĩ. Tất cả tạo nên vẻ hoang sơ như thuở hồng hoang vô cùng kì lạ.

Mỹ Hiền (Nguồn tham khảo: National Geographic)