Giải quyết dứt điểm chế độ cho người dân di cư
Thực hiện chủ trương di dân khỏi vùng ngập lụt lòng hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình, các hộ gia đình dân tộc Thái, Mường, Nùng… tại hai huyện Đà Bắc và Cao Phong (Hòa Bình) đã được chuyển tiếp vào huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) để xây dựng phát triển kinh tế mới. Tuy nhiên, sau gần 20 năm định cư tại vùng đất mới, hàng trăm hộ gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ, chính sách hỗ trợ nào.
Một góc thủy điện Hòa Bình (Ảnh: Internet).
Năm 1993, 56 hộ dân xã Thung Nai, huyện Cao Phong (Hòa Bình) với khẩu hiệu “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” đã phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn tiên phong định cư nơi vùng biên giới xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi với nhiều mất mát, thiệt thòi. Tuy nhiên họ vẫn cố gắng bám trụ với hi vọng sẽ ổn định cuộc sống.
Ông Bùi Văn Mẽo- thôn Thung Nai, xã Đắk Xú cho biết, lúc đó ông đang làm Chủ nhiệm HTX Cao Phong (Hòa Bình) lại là đảng viên nên xung phong đưa 56 hộ dân đi trước. “Ở nơi đất khách, điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn thiếu thốn, không có nhà cửa ruộng vườn nhưng được sự hỗ trợ từ UBND huyện Ngọc Hồi về cấp đất ở, đất sản xuất, tiền mua dụng cụ...”- ông Mẽo tâm sự.
Với chủ trương di dân, giãn dân khỏi vùng ngập lụt thủy điện Hòa Bình để nhanh chóng ổn định đời sống, trong vòng 7 năm (từ năm 1991-1997) Chi cục Di dân và Phát triển tỉnh Hòa Bình đã đưa tổng cộng 661 hộ dân đi xây dựng kinh tế mới tại huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Văn bản số 397/BDT-TTr của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình nêu rõ là vậy, nhưng đến nay UBND huyện Ngọc Hồi khẳng định mới chỉ tiếp nhận và giải quyết chế độ cho 224 hộ dân theo Dự án.
Nhiều hộ dân bức xúc cho rằng, nếu UBND huyện Ngọc Hồi không tiếp nhận thì 437 hộ dân tại các xã Bờ Y, Đắk Xú, Đắk Kan, thị trấn Plei Kần, Sa Loong, huyện Ngọc Hồi di cư gần 20 năm nay bỗng trở thành dân di cư tự do. Mọi chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ chính sách di dân kinh tế mới coi như không có mà còn gặp rất nhiều khó khăn vấn đề định cư.
Ông Bùi Đức Minh, xã Sa Loong bức xúc: Bà con chúng tôi không mong mỏi tiền hỗ trợ nhưng nếu thuộc diện được hỗ trợ thì mong chính quyền sớm xem xét, giải quyết để người dân ổn định đời sống. Còn nếu không thuộc diện hỗ trợ thì trả lời rõ ràng, chứ để người dân mong ngóng hàng chục năm nay.
Chính vì sự không rõ ràng của UBND huyện Ngọc Hồi, người dân hoài nghi về số tiền hỗ trợ nên đã khiếu nại UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu giải quyết.
Ngày 8/3/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn số 419/UBND-NC chỉ đạo cho UBND huyện Ngọc Hồi phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát toàn bộ tình hình dân di cư đang sinh sống trên địa bàn huyện để bố trí sắp xếp ổn định dân di cư và lập dự án thực hiện theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 96/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 của UBND Tỉnh Kon Tum, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được xem xét thỏa đáng.
Được biết, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt từ năm 2009 đến 2015 ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia được với tổng kinh phí hơn 4000 tỉ đồng nhưng đến nay đã hết thời hạn song việc triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo ổn định đời sống và sinh hoạt của số bà con, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để mọi chính sách ưu tiên, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước kịp thời đến với người dân.