Trật tự bệnh viện: Khi nhân viên móc nối với 'cò'
Thời gian qua, ngành y tế nói chung, các bệnh viện nói riêng đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc, ứng xử với bệnh nhân, cũng như tổ chức việc khám chữa bệnh cho dân; Tuy nhiên không chỉ vụ việc bảo vệ ngăn cản xe cứu thương ở Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua mà thực tế cho thấy công tác quản lý, tổ chức khám chữa bệnh, đón tiếp bệnh nhân ở nhiều bệnh viện vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.
Xe cứu thương luôn được ưu tiên đỗ trước cửa bệnh viện (Ảnh: Đức Sơn).
Móc ngoặc với lái xe cứu thương “dù”
Thời gian qua, xảy ra không ít sự cố tai biến gây chết người trong các bệnh viện (BV), người nhà bệnh nhân vào đập phá BV, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế... Để đảm bảo an ninh trật tự, các BV đã tăng cường lực lượng bảo vệ. Tuy nhiên, như đối với vụ việc bảo vệ BV Nhi Trung ương, đã gây bất bình dư luận thì nói như PGS Lê Thanh Hải- Giám đốc BV thì bản thân ông cũng rất bức xúc. BV đã họp yêu cầu Công ty bảo vệ trong một tuần phải thay đội ngũ bảo vệ có những hành vi, thái độ ứng xử không đúng mực với người bệnh. Nếu không, BV sẽ chấm dứt hợp đồng.
Sau sự việc kể trên, bên cạnh sự bất bình với hành xử của nhân viên bảo vệ, sự việc cũng làm dấy lên nghi ngờ về tình trạng “cấu kết ngầm” giữa bảo vệ BV và các xe cứu thương “dù” để độc quyền vận chuyển người bệnh với giá cao. Còn nhớ, cách đây chưa lâu tại BV Việt Đức, tài xế xe cấp cứu mang biển kiểm soát tỉnh Nghệ An bị nhóm côn đồ hành hung, đập phá xe vì không nộp đủ phí ra vào cổng BV.
Tại các BV Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Xanh Pôn… chúng tôi chứng kiến nhiều xe taxi, xe chở bệnh nhân đua nhau mời chào hành khách ngay trước cổng. Tại BV Việt Đức, người dân cho biết, xe cấp cứu các tỉnh khi ra vào cổng phải nộp lệ phí ra vào nếu không sẽ bị các đối tượng đầu gấu chặn xe, dọa nạt, thậm chí hành hung.
Chị Hoa, một người dân cho biết, mới đây, khi đưa mẹ ra viện, chị đã gọi xe của BV, khi ra đến cổng thấy xe cấp cứu cứ tưởng là xe BV nên đưa mẹ lên xe về nhà ở phường Nhật Tân. Trong xe chỉ có một chiếc giường xếp ở băng sau cho bệnh nhân, ngoài ra không còn một thiết bị nào khác. Mặc dù đoạn đường chỉ có 2km nhưng lái xe cứu thương đòi 1,5 triệu đồng. Lúc này, chị Hoa mới biết mình đi phải xe cứu thương “dù”.
Được biết, BV Việt Đức có gần 20 xe cấp cứu. BV còn liên kết với Công ty TNHH vận chuyển người bệnh Bắc Việt với số lượng 16 chiếc, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển bệnh nhân. Cũng tại BV này, phóng viên ghi nhận nhiều xe cứu thương chỉ dán vẻn vẹn dòng chữ “Vận chuyển cấp cứu 24/24” và dán logo chữ thập đỏ, đậu đỗ nhan nhản ngoài khu vực cổng BV. Liên hệ với một tài xế xe cứu thương nói trên, tài xế thừa nhận là xe ngoài không thể xuất hóa đơn đỏ.
Nan giải chuyện “cò”
Cùng với tình trạng xe vận chuyển người bệnh “dù” là tình trạng cò xe cứu thương. Không chỉ hoạt động ngoài BV, các “cò” còn vào tận giường bệnh để mời chào bệnh nhân đi xe của mình. Anh Nam (trú tại Bắc Ninh) cho biết, mỗi khi có gia đình bệnh nhân xuất viện, là có người đến thông báo không có xe của viện và mời chào luôn xe cấp cứu đưa gia đình bệnh nhân với giá bằng xe của BV. Nhưng khi lên xe thì họ lại đòi thêm 500.000 đến cả triệu đồng với lý do chi phí ra vào cổng BV. Quan sát, xung quanh một số BV lớn trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi cũng thấy sự xuất hiện của những xe cứu thương không ghi rõ thông tin cụ thể nói trên.
Là người có con nhỏ và bố mẹ già nên anh Hoàng Kim Anh (Đông Anh- Hà Nội) thường xuyên phải đến các BV ít nhất 1 tháng/lần. Hồi đầu anh còn bỡ ngỡ và lúng túng với việc xếp hàng từ sáng đến chiều để khám cho bố, mẹ và con. Thế rồi, theo vài người “tốt bụng” rỉ tai vào khám nhanh với 1 chiếc phong bì, bây giờ thì anh đã quen với việc lót tay cho “cò” để khỏi mất thời gian xếp hàng lấy số khám bệnh. “Tôi chẳng có họ hàng thân thuộc gì với bác sĩ cả, chỉ là mối quan hệ làm ăn. Tôi dẫn bệnh nhân đến với bác sĩ để khám nhanh, đôi bên cùng có lợi, người bệnh thì không mất thời gian, tôi kiếm chút đỉnh, còn bác sĩ cũng có phong bì đút túi...”- một “cò” trước cổng BV Bạch Mai chia sẻ.
“Cò” BV không chỉ tồn tại ở các trạng thái trên, mà còn biến tướng ở nhiều hình thức khác tinh vi hơn. Vấn đề ở chỗ nếu là “cò” ngoài cổng BV thì có thể sẽ không “chăn dắt” được một số người có tinh thần cảnh giác. Song, nếu “cò” lại chính là nhân viên y tế, thậm chí chính là bác sĩ trực tiếp khám bệnh thì bệnh nhân thật khó thoát.
“Tôi đi khám, bác sĩ chỉ định phải chụp X-Quang, nhưng xếp hàng cả buổi chẳng đến lượt nên anh nhân viên phòng chụp chỉ ra ngoài phòng khám tư chụp xong ngay mà giá tiền thì vẫn thế...”- chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự. Trường hợp như chị Hồng Hoa là may mắn vì đã có sự “hợp tác” giữa bác sĩ khám bệnh và nhân viên phòng chụp X-Quang, còn nhiều người cũng rơi vào hoàn cảnh đó, song khi chụp X-Quang ở ngoài mang vào thì bác sĩ lắc đầu bắt phải chụp lại đúng ở trong BV chứ không công nhận kết quả X-Quang đã chụp ở ngoài.
Dư luận cứ mãi đặt câu hỏi vì sao ngành y tế, các cơ quan chức năng không thể dẹp nổi nạn “cò” BV, mà chưa có câu trả lời. Nay nếu bảo vệ, kiêm luôn “cò” thì càng nan giải. Nó chỉ khiến cả trong lẫn ngoài BV càng phức tạp và cuối cùng chính người dân lãnh đủ.