Chặn xe cứu thương đang chở bệnh nhân là sai!
Từ vụ việc bảo vệ BV Nhi Trung ương chặn xe cứu thương, gây dư luận không tốt trong xã hội, sáng ngày 8/7 phóng viên báo ĐĐK có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề đảm bảo an ninh trật tự BV cũng như đảm bảo vận chuyển bệnh nhân.
TS Nguyễn Huy Quang.
Theo ông Quang, cho đến nay, Bộ Y tế không có bất cứ một quy định nào về việc bảo vệ các BV được phép hay không được phép kiểm tra giấy tờ xe cứu thương ra vào nơi này. Tuy nhiên, mỗi BV đều ban hành những quy định, nội quy riêng để đảm bảo an ninh trật tự của mình, như việc quy định chỗ nào được đỗ xe, chỗ nào được dừng xe…
Xe cứu thương là xe chuyên dụng và chỉ được ưu tiên cho chuyên chở người bệnh. Tức là khi đó, phải có việc phục vụ cho công tác cấp cứu, khám chữa bệnh chứ không dùng đi chơi hay làm việc gì khác. Nó phải được tạo mọi điều kiện hoạt động thuận lợi nhất để bệnh nhân được chăm sóc y tế một cách kịp thời, vì khi đó, thời gian là vàng để cứu bệnh nhân. Thậm chí khi thấy đúng là có xe cứu thương bật còi ủ tiến vào cổng, thì ở bên trong bộ phận cấp cứu của BV phải đảm bảo đã được chuẩn bị mọi phương tiện để trực đón bệnh nhân một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là lý do mà các khoa cấp cứu BV luôn được bố trí nằm ở gần cửa ra vào bệnh viện.
PV:Trong trường hợp như ở BV Nhi Trung ương, xe không chở bệnh nhân vào viện cấp cứu mà xe vào đón bệnh nhân thì bảo vệ có quyền được xét hỏi giấy tờ cũng như lý do xuất hiện của xe không, thưa ông?
- Đương nhiên họ được quyền xét hỏi giấy tờ. Vì biết đâu có xe giả dạng cứu thương đột nhập vào BV để bắt cóc trẻ con hay để trộm cắp thì sao? Thậm chí, khi chưa đón được bệnh nhân, nếu BV quy định phải gửi xe thì lái xe cũng phải gửi để đợi bệnh nhân, thậm chí phải trả tiền gửi xe nữa. Đó là tùy theo quy định của BV. Còn khi bệnh nhân đã lên xe, có giấy tờ đầy đủ (giấy ra viện của bệnh nhân) thì bảo vệ phải cho người ta chở bệnh nhân ra khỏi BV, không có lý do gì để chặn họ lại cả. Còn trong trường hợp bệnh nhân ra về có giấy tờ đầy đủ mà lại hạch sách, chặn xe cứu thương chuyên chở họ chỉ vì bệnh nhân này không dùng xe của BV thì rõ ràng là sai.
Vậy trong trường hợp BV tìm cách độc quyền dịch vụ vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương của mình để thu giá cao thì sao?
- Nếu BV có đội xe cứu thương sẵn sàng, mà chất lượng cũng như giá cả phục vụ của các xe này tương đương với xe cứu thương bên ngoài thì rất đáng hoan nghênh, vì như vậy người nhà bệnh nhân đỡ phải vất vả đi tìm gọi xe từ nơi khác đến, lại đỡ mất thời gian cho người bệnh. Còn nếu BV có xe cứu thương, nhưng giá cao hơn rất nhiều so với xe cứu thương bên ngoài, thì cần phải xem lại, vì như thế là độc quyền.
Qua sự việc xảy ra ở BV Nhi Trung ương, ông đánh giá như thế nào về lực lượng bảo vệ ở đây?
- Đến cơ quan nào cũng vậy, người đầu tiên ta gặp là bảo vệ. Nếu họ niềm nở thì chúng ta cảm thấy dễ chịu, thân thiện, còn nếu mặt họ lạnh như tiền sẽ khiến ta rất khó chịu. Trong sự việc này, rõ ràng cách ứng xử của bảo vệ là chưa được và điều này chắc chắn đã vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận, ký kết giữa BV và công ty bảo vệ. Nếu họ vi phạm thì cứ theo hợp đồng đã ký mà xử lý.
Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của các BV xung quanh trong sự việc này?
- Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cá nhân những người bảo vệ trực hôm đó có hành vi chặn xe cứu thương. Tiếp đó là trách nhiệm của công ty sử dụng những người làm công tác bảo vệ đó. Thứ ba là trách nhiệm của BV. Mặc dù là anh là người bỏ tiền ra thuê một công ty làm công tác bảo vệ BV, nhưng không vì thế mà anh đổ hết tội cho người làm sai hoặc công ty đó. Sự việc xảy ra trong BV nơi anh quản lý thì anh phải có trách nhiệm về sự việc đó, cũng như trách nhiệm trong việc giải quyết sự việc.
Trân trọng cảm ơn ông!