Môn Sử: Thay đổi cách dạy, học và thi

Nhị Hà 10/07/2016 10:10

Kỳ thi THPT 2016 quốc gia vừa khép lại với một thực tế không bất ngờ khi Lịch sử là môn ít thí sinh đăng ký thi nhất. Tình trạng thí sinh không mặn mà với môn lịch sử, hầu như không cá biệt ở địa phương nào. Ví dụ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, có 4 hội đồng thi chỉ có một thí dự môn lịch. Tại cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, có 5 điểm thi không có thí sinh dự thi môn sử. Tại điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (H.Phú Vang -Thừa Thiên-Huế) cả hội đồng thi hơn 20 người phục vụ

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi môn Lịch sử THPT quốc gia 2016 tiếp tục đổi mới theo hướng không yêu cầu nhớ máy móc, giảm câu hỏi về học thuộc lòng, tập trung những câu đòi hỏi thí sinh động não và phải có khả năng tư duy, cách nhìn tổng quan về lịch sử để phân tích theo ý hiểu của bản thân. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết thí sinh dự thi môn sử do vẫn có tâm lý phải học nhiều, ôn tập nhiều và chưa thích nghi với cách ra đề mở - phát huy tối đa năng lực, kỹ năng đánh giá vấn đề, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào thực tế nên nhiều thí sinh bỡ ngỡ, lúng túng.

Nhiều giáo viên tham gia chấm thi đã từng hết sức bi quan khi điểm thi môn Lịch sử quá thấp, trong đó có nhiểu điểm 0, nhiều bài viết rất ngây ngô. Vì thế họ cũng hy vọng với cách ra đề thi theo hướng đổi mới sẽ giúp thí sinh giảm bớt nỗi sợ khi chọn thi môn này, đồng thời góp phần lấy lại vị thế môn Sử. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng nếu chương trình học phổ thông vẫn nặng nề như hiện tại thì e rằng học sinh còn thờ ơ. Có thí sinh bức xúc: “Học, ôn luyện cả cuốn sách giáo khoa môn Sử lớp 12 dày cộm nhưng đề thi lại ra quá ít kiến thức liên quan. Vậy mà nhà trường định hướng rằng học gì thi nấy”. Thực tế nhiều năm qua cho thấy khi được quyền chọn lựa môn thi, phần đông học sinh đã khước từ môn Sử với lý do đơn giản: Ghét cách dạy, cách truyền tải nhàm chán và cách kiểm tra nặng nề.

Nói về thực trạng này, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, thời gian gần đây, học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, cơ bản là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. “Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản toàn và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi” – GS. Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Vậy, điều mà những người làm giáo dục cần quan tâm hiện nay chính là kịp thời có chủ trương, biện pháp thay đổi hiện trạng của môn học một cách căn bản và toàn diện. Học lịch sử không đơn thuần chỉ để biết lịch sử mà quan trọng là để nhận thức đúng bản chất, rút ra kinh nghiệm, bài học, quy luật lịch sử để hành động theo đúng quy luật khách quan. Chậm trễ e rằng học sinh sẽ tiếp tục chối bỏ môn học này như thời gian vừa qua.

Nhị Hà