Lò gạch 'nghi ngút' khói, dân khốn khổ

Đức Sơn - Minh Tuấn 11/07/2016 07:35

Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo cấm tuyệt đối việc tận dụng đất nạo vét ao hồ nuôi trồng thủy sản để sản xuất gạch thủ công đồng thời cấm UBND cấp xã không được phép tái ký hợp đồng với các chủ lò gạch. Tuy nhiên, xã Phú Cát (huyện Quốc Oai) vẫn “biến tấu” cho lò gạch thủ công tồn tại, khiến cuộc sống của nhân dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lò gạch hành dân

Tại khu đất nông nghiệp ven sông Tích tại thôn 1, xã Phú Cát từ lâu đã biến thành “đại công trường” lò gạch. Nhiều ống khói tỏa ra những cột khói trắng xóa phủ ra khu vực rộng lớn xung quanh. Bên cạnh những lò gạch đang hoạt động là diện tích lớn đất nông nghiệp bị đào bới nham nhở thành những thùng vũng. Theo người dân địa phương, những lò gạch này liên tục nhả khói suốt ngày đêm khiến sức khỏe, đời sống của nhân dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người dân cho rằng, các lò gạch hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà năng suất sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân bị giảm sút. Đặc biệt, khu cánh đồng Khoang Ông thì liên tục mất mùa vì hoa màu bị khô héo bởi khói lò gạch. Có lần, do chính quyền không giải quyết kiến nghị của dân, người ta phải mang cả máy bơm phun nước vào lò gạch đang đốt nhưng sau đó đâu lại hoàn đấy.

Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên xã, lên huyện nhưng không cơ quan nào vào cuộc giải quyết. Không chỉ vậy, tại xã Phú Cát, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng vận chuyển đất vào lò gạch và vận chuyển gạch thành phẩm đi tiêu thụ khiến các con đường bị băm nát.

Chỉ đứng gần UBND xã vài phút, chúng tôi chứng kiến gần 30 xe “Hổ vồ” nườm nượp ra vào khu lò gạch phía sau Nhà văn hóa Thôn 1. Các xe chở gạch, đất cát thường phóng nhanh vượt ẩu, cuốn theo lớp bụi mù mịt. Tuyến đường mà các loại xe chở đất, gạch đi qua ngay sát trường học khiến cả giáo viên và học sinh mỗi khi ra đường đều nơm nớp.

Lò gạch nhả khói khiến người dân xã Phú Cát khốn đốn.

Đổ lỗi cho lãnh đạo khóa trước

Được biết, trong Chỉ thị số 15 ngày 29/6/2010 của UBND TP. Hà Nội nêu rõ: “Cấm tuyệt đối việc tận dụng đất nạo vét ao hồ nuôi trồng thủy sản để sản xuất gạch thủ công. UBND cấp xã không được phép tái ký hợp đồng với các chủ lò gạch”. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cửu - Chủ tịch UBND xã Phú Cát cho biết, trên địa bàn xã hiện có 4 chủ với 6 lò gạch đang hoạt động, lò thấp nhất cũng có công xuất 2,4 triệu viên/ năm.

Lý giải vì sao UBND TP Hà Nội đã cấm vậy mà chính quyền xã vẫn ký hợp đồng cho chủ lò gạch thuê đất thì ông Nguyễn Văn Cửu đùn đẩy trách nhiệm: “Đây là những hợp đồng đã được chính quyền khóa trước ký, do vẫn còn thời hạn nên phải duy trì.”.

Cũng theo Chủ tịch xã Phú Cát, tháng 11/2013, UBND xã Phú Cát đã ký hợp đồng mới số 50 cho ông Nguyễn Văn Thứ thuê quỹ đất công do UBND xã quản lý, mục đích là “cải tạo, khai thác, nuôi trồng thủy sản và tận dụng đất để sản xuất gạch nung tại chỗ theo công nghệ tuynel lò đứng”.

Theo nội dung hợp đồng, ông Thứ được sử dụng 16.318 m2 đất với thời hạn 4 năm, diện tích tận dụng lấy đất là 1.067 m2 với độ sâu nạo vét là 4m. Ngoài ra, chính quyền xã Phú Cát còn ký hợp đồng cho 3 hộ khác thuê với tổng diện tích là 27.752 m2.

Còn theo Báo cáo số 59 (ngày 26/3/2013) của UBND huyện Quốc Oai về “kết quả công tác xóa lò gạch thủ công và đề xuất vị trí chuyển đổi áp dụng công nghệ xử lý khói lò gạch nung” đề xuất với UBND TP cho chuyển đổi công nghệ 11 điểm lò ở các xã Tân Hòa, Ngọc Liệp, Phú Cát, Cấn Hữu, Hòa Thạch và Tuyết Nghĩa. T

iếp đó, ngày 24/5/2013, Sở Xây dựng Hà Nội có Báo cáo số 3401 gửi UBND TP, đề nghị số lượng lò áp dụng cho huyện Quốc Oai chỉ có 4 lò.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở xã Phú Cát đã có 4 chủ lò được Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai - Hoàng Đăng Thiều đã ký giấy phép xây dựng tạm.

Báo cáo số 24 ngày 26/5/2016 của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, trên địa bàn xã Phú Cát có 6 lò gạch nung của 5 cơ sở sản xuất bao gồm: 1 lò vòng, 3 lò úp vung, 1 lò đứng và 1 lò bán vòng.

Với cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Thứ, theo giấy phép xây dựng tạm, công trình được xây lò tuynel đứng (diện tích xây dựng là 66,5 m2, tổng diện tích sàn là 66,5 m2, chiều cao công trình là 9,09m). Tuy nhiên, tháng 9/2015, ông Thứ đã xây 1 lò vòng với diện tích lên tới 1.218 m2.

Trước thực trạng nêu trên, đề nghị ngành chức năng sớm kiểm tra, làm rõ.

Đức Sơn - Minh Tuấn