Bao giờ hết âu lo?
Trong những huyện có thế mạnh về sản lượng cũng như trữ lượng của các loại đá xanh và đá vôi thì Yên Bình (Yên Bái) được đánh giá cao nhất. Trong huyện này thì xã Mông Sơn được coi là nhỉnh hơn cả, nên việc tập trung các xưởng khai thác đá tại đây đã đem lại nhiều hệ lụy cho dân. Bao giờ hết sự âu lo về môi trường sống, luôn là câu hỏi thường xuyên với những hộ dân sống xung quanh khu vực này.
Một bãi tập kết đá gây bụi, ồn tại thôn gây ảnh hưởng đến người dân.
5 phần mới được 1
Những năm gần đây, hoạt động khai thác đá ở Mông Sơn được coi là rất phát triển, hấp dẫn. Nhiều đơn vị đã đầu tư, xin cấp phép khai thác tại đây. Hiện tại ngay khu vực xã này đã có 5 nhà máy, xưởng sản xuất đá với quy mô khai thác lớn đứng trú chân. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, những tác động về môi trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo ông Mai Văn Lâm sinh sống tại thôn Tân Minh, xã Mông Sơn thì những hoạt động này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của các gia đình. Nơi gia đình ông sinh sống có rất nhiều mỏ đá của các đơn vị khác nhau cùng hoạt động. Bởi vậy, việc xác định trách nhiệm của các đơn vị khai thác có ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông cùng các hộ dân lân cận các mỏ đá thường rất khó khăn.
Kéo theo đó là tình trạng chậm trễ xử lý các kiến nghị phản ánh của người dân về thực trạng bụi, ồn, mất an toàn tại các mỏ đá. Đó cũng là lý do khiến người dân bức xúc. Cũng theo ông Lâm, cạnh khu vực nhà ông có nhiều mỏ đá cùng hoạt động.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình và môi trường, ông đã có đơn thư, ý kiến phản ánh đến các ngành chức năng của địa phương về tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn do các hoạt động khai thác và chế biến đá gây nên.
Tuy nhiên, khi nhận được đơn thư của ông, chỉ có cơ sở chế biến đá thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái vào cuộc. Họ đã tiếp thu ý kiến và tiến hành đệm cao su vào thân máy nên hiện tại tiếng ồn không còn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Để giảm thiểu bụi trong quá trình sản xuất, đơn vị đã tiến hành phun nước trước, trong và sau quá trình sản xuất. Nhờ đó, hiện tại không còn thấy bụi…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bãi tập kết đá đang gây ra tiếng ồn, bụi mỗi khi đập đá, sản xuất. Mặc dù người dân đã có kiến nghị với chính quyền địa phương, đơn vị có bãi tập kết đá này, thế nhưng, đến nay những kiến nghị nêu trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Không để “mất bò mới làm chuồng”
Về những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Mông Sơn cho rằng, phản ánh của người dân được chính quyền địa phương chuyển đến các đơn vị, đề nghị họ chủ động và tiếp thu xử lý ngay để đảm bảo môi trường không ô nhiễm cho cuộc sống người dân, mà tiêu biểu phải kể đến là Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.
Ông Đông cũng cho biết, Mông Sơn là một xã vùng mỏ, có 4.500 dân, trong đó có 20% lao động địa phương tham gia khai thác đá, đồng thời xã có 5 điểm mỏ khai thác đá trên địa bàn nên tình trạng bụi, ồn… là không tránh khỏi.
Mặc dù chưa có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra trên địa bàn liên quan đến hoạt động khai thác của các mỏ đá, tuy nhiên, các đơn vị khai thác đá cũng phải chủ động kế hoạch sản xuất để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.
Ông Đông cũng cho hay, với kiến nghị của người dân về bãi tập kết đá tại thôn Tân Minh gây tiếng ồn, bụi, UBND xã đã yêu cầu đơn vị này sớm di chuyển đi chỗ khác. Nhưng, theo lời ông Chủ tịch UBND xã Mông Sơn thì cũng phải mất vài tháng nữa thì đơn vị này mới di chuyển được.