Dân số và chất lượng sống

Hà Trọng Nghĩa 11/07/2016 00:35

Ngày 11/7/1987, lúc 6h35’ (giờ Anh), cậu bé người Nam Tư Matej Gaspar ra đời tại thành phố Zagreb (nay là thủ đô của Croatia) và đây cũng là công dân thứ 5 tỷ của thế giới. Tháng 11/1989 Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gaspar, ngày 11/7 làm Ngày Dân số thế giới. Cho tới nay, sau gần 30 năm, dân số thế giới đã lên tới 7,3 tỉ người. Dân số tăng nhanh, tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn chính là chất lượng sống.

Cấp phát tờ rơi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên trên các tuyến phố. Ảnh: Danang Online.

Chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”, với mong muốn các em được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn, khỏe mạnh. Đây quả là đối tượng cần chăm sóc đặc biệt, vì không bao lâu các em sẽ trở thành những người mẹ, sinh ra và nuôi dưỡng những thế hệ tiếp theo của loài người.

Tuy nhiên, nhân Ngày Dân số thế giới, nhiều chuyên gia lĩnh vực này cũng đã lên tiếng lo ngại về chất lượng sống, bên cạnh tốc độ tăng trưởng của dân số thế giới. Cho đến nay, bằng rất nhiều nỗ lực, nạn “nhân mãn” được coi là đã kiểm soát được, nhưng chất lượng cuộc sống thì vẫn là vấn đề nan giải với nhiều quốc gia.

Câu chuyện nổi lên hàng đầu chính là nạn di cư quá lớn trong thời gian gần đây, khiến cho bản thân những người dời bỏ quê hương lẫn những nơi họ đến đều gặp khó khăn, này sinh nhiều vấn đề xã hội. Mới đây, chính vấn đề nhập cư đã chia rẽ nước Anh, là nguyên nhân chính để người dân nước này chọn Brexit- chia tay EU.

Cũng thật khó hình dung được rằng, năm 2015 thế giới có tới 40 triệu người di cư, đạt con số kỉ lục, trong đó người di cư từ Syria, Yemen, Iraq Afghanistan, Trung Phi, Colombia, Nigeria, và Nam Sudan là nhiều nhất. Con số đó được Trung tâm giám sát hoạt động di tản nội địa (IDMC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ) công bố, đồng thời cũng nhấn mạnh cuộc sống bấp bênh của họ và gánh nặng của những nước tiếp nhận người di cư.

Nói cách khác, trong năm 2015, mỗi ngày có khoảng 66.000 người phải rời bỏ nhà cửa để tìm kế mưu sinh ở vùng đất mới xa lạ. Chính vì thế, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đề xuất “Hiệp ước toàn cầu về chia sẻ trách nhiệm”.

Nhắc lại câu chuyện di cư trên thế giới với quá nhiều bất cập cũng để thấy việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân trong nước của chúng ta. Sau tháng 4/1975, Việt Nam cũng xuất hiện những làn sóng di tản, với lượng người lên con số triệu. Đó là một thực tế.

Tuy nhiên, theo thời gian, bằng những chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, vết thương ấy đã lành lặn. Hiện có khoảng trên 4,5 triệu người Việt Nam định cư, làm ăn sinh sống ở nước ngoài, đa số bà con đều hướng về quê hương đất nước trong ý nghĩa đồng bào.

Hiện Việt Nam là quốc gia xếp thứ 13 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 Đông Nam Á về quy mô dân số. Ngày 14-1-2016, thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (Tổng cục DS-KHH gia đình), dân số nước ta hiện ở mức 92 triệu người.

Còn theo LHQ, diện tích Việt Nam hiện đứng thứ 65 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu so sánh 2 con số (dân số - diện tích) thì nước ta có mật độ dân cư thuộc loại cao trên thế giới. Chính vì thế, việc bảo đảm cuộc sống cho mọi người không hề đơn giản, trước hết là do đất chật người đông.

Dân số bao giờ cũng đi liền với chất lượng sống. Diện tích đất canh tác của đất nước tính theo đầu người thấp, trong khi đó trung bình mỗi năm có thêm 1 triệu người gia nhập đội quân lao động. Chỉ bảo đảm được chừng ấy vị trí làm mới cũng là một nỗ lực lớn lao. Nếu không có việc làm, cuộc sống bí bách, tất nảy sinh những vấn đề xã hội. Do đó, điều nổi lên hơn cả chính là việc làm.

Những con số về tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam đưa ra chưa trùng khớp, tuy nhiên cũng có thể nhận thấy cơ hội việc làm đã được mở rộng hơn, do sự phát triển, tăng trưởng của nhiều thành phần kinh tế. Nhưng, bên cạnh đó vẫn tồn tại vấn đề thu nhập thấp của người lao động (mức lương tối thiểu), cùng với việc “thừa thầy thiếu thợ” dẫn đến con số cử nhân mới tốt nghiệp đại học không có việc làm hoặc việc làm không đúng ngành nghề đào tạo.

Đó là những thách thức trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống nói chung, cần có giải pháp tháo gỡ. Nếu như ở đất nước ta không còn cảnh người di tản như nhiều nước, điều đó chứng tỏ đất nước yên hàn, thì vấn đề quan trọng là phải lo được cho người dân một cuộc sống tốt hơn.

Trở lại chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”, chúng ta có thể nói rằng nhiều năm qua Việt Nam đã rất chú trọng đối tượng này, thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Ngay ở những vùng núi cao, xa xôi cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng trẻ em gái các dân tộc thiểu số vẫn được đến trường, nhiều em học lên cao. Số trẻ em gái vị thành niên sớm có chồng, có con giảm hẳn. Hôn nhân cận huyết cũng được loại trừ. Trẻ em gái trong các gia đình đã được đối xử ngang bằng với trẻ em trai, không bị phân biệt, bị rẻ rúng.

Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, việc đem đến bình đẳng cho trẻ em gái vị thành niên vẫn là cuộc đấu tranh nằm trong tổng thể cuộc đấu tranh bình đẳng nam nữ. Vẫn còn đó các em gái 13-15 tuổi không được cha mẹ cho đến trường, phải ở nhà làm nương rẫy và lấy chồng. Tương lai vừa lóe lên đã khép lại. Ở thành thị, số các em thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ đã sớm quăng quật ngoài đời vẫn còn. Như vậy, chất lượng cuộc sống của các em bị đánh mất, bị đánh cắp. Điều đó cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc từ mỗi gia đình, từ xã hội.

Chung tay vì cuộc sống của những đối tượng yếu thế, trong đó có trẻ em gái vị thành niên, cũng có nghĩa là nâng cao chất lượng sống của mỗi người, của cộng đồng và toàn xã hội. Thông điệp “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” của LHQ năm nay cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Hà Trọng Nghĩa