Tìm phương án khai thác cầu Hạc Trì đảm bảo hài hòa lợi ích các bên
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ chiều ngày 11/7.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại hiện trường.
Đề nghị giảm mức thu phí cầu Hạc Trì
Tham gia buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ GTVT, Tài chính, Xây Dựng, VPCP, UBND tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết cầu Việt Trì hiện đã xuống cấp do lưu lượng xe lớn, mặt cầu hẹp, lại bị xe quá khổ, quá tải lưu hành nhiều khiến mặt cầu bị bong rộp nhiều, việc sửa chữa rất tốn kém; trên cơ sở kết quả kiểm định, nhằm đảm bảo an toàn khai thác cầu Việt Trì cũ theo thiết kế ban đầu (cho đường sắt và đường bộ), bộ GTVT đã có phương án phần luồng cho các phương tiện ô tô qua cầu Hạc Trì.
Báo cáo Phó Thủ tướng, đại diện tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết khi thực hiện theo phương án phân luồng trên, người dân phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc chưa đồng thuận. Nguyên nhân là do mức phí để đi qua cầu Hạc Trì bị cho là cao ( thấp nhất là 35.000đ/ lượt) và việc di chuyển qua cầu Hạc Trì khiến quãng đường dài hơn từ 3 - 5 km. Mặc dù nhà đầu tư đã tiến hành miễn phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng ở Phú Thọ, tuy nhiên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Từ đó, địa phương đề nghị chủ đầu tư tính toán phương án giảm mức thu phí qua cầu Hạc Trì, hoặc cần có quy định cụ thể về việc khai thác cầu Việt Trì cũ theo hướng chỉ hạn chế xe tải, cho phép xe dưới 7 chỗ ngồi lưu thông.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, đại diện các nhà đầu tư BOT xây dựng cầu Hạc Trì cũng đã phát biểu ý kiến về chất lượng cầu Việt Trì, mức phí, phương án thu hồi vốn của chủ đầu tư BOT…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Thuận lợi cho dân, đảm bảo an toàn phải đặt lên hàng đầu
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí cho rằng tuy cầu Việt Trì đã góp phần quan trọng cải thiện hệ thống giao thông trên Quốc Lộ 2, kết nối các tỉnh phía Bắc; phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực vận tải cả đường sắc, đường bộ, tạo ra bộ mặt mới cho địa phương, nhưng trong quá trình khai thức sử dụng, xe quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến chất lượng cầu, đặc biệt là mặt cầu. Bên cạnh đó, mặt cầu nhỏ, dễ dẫn đến ách tắc khi lưu lượng giao thông cao.
“Năng lực vận tải của cầu Việt Trì hiện đang bất cập so với yêu cầu hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KTXH của Phú Thọ và các tỉnh phía Bắc”, Phó Thủ tướng nói.
Từ đó, năm 2010 – Chính Phủ đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng cầu Hạc Trì nhưng không cân đối được ngân sách. Do đó, Bộ GTVT và các Bộ, ngành đã thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư để xây dựng cầu. Cầu Hạc Trì sau khi đưa vào khai thác đã cải thiện đáng kể giao thông trên quốc lộ 2, góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân, giảm ách tắc trong những kỳ Giỗ tổ Hùng Vương.
Trước những bức xúc của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu 2 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc cần quan tâm một cách nghiêm túc việc giải quyết quan hệ giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, đời sống của người dân. Theo Phó Thủ tướng, nếu giải quyết không tốt, chắc chắn sẽ dẫn đến mất trật tự ATGT, ATXH.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá toàn diện an toàn của cầu Việt Trì cũ, xây dựng phương án lưu thông trên cầu cũ đảm bảo an toàn cho cầu, thuận lợi cho người dân.
“Lấy thuận lợi cho người dân là số 1. Nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất phương án giá phí trên cơ sở tính toán tổng thể lại chi phí đầu tư xây dựng công trình để từ đó có phương án phù hợp nhằm đảm bảo thời gian thu hồi vốn, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
“Phải sớm đề ra được phương án tốt nhất đề người dân bằng lòng, doanh nghiệp có lợi, nhà nước có công trình để phát triển KTXH”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ GTVT, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Tài chính, hai tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc đề xuất phương án đầu tư xây dựng Quốc lộ 2 - giai đoạn 2 đoạn qua Phú Thọ - Vĩnh Yên báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao việc báo chí đã kịp thời phản ánh bức xúc của người dân liên quan đến dự án BOT cầu Hạc Trì, đồng thời đề nghị báo chí tiếp tục thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác, trách nhiệm hơn trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc.
Hợp tác công – tư là chủ đạo trong phát triển hạ tầng
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nhấn mạnh chủ trương tập trung thực hiện khâu đột phá chiến lược trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải của Đảng, nhà nước thời gian qua. Theo Phó Thủ tướng, thực hiện chủ trương này, thời gian qua đã phát triển rất mạnh hạ tầng đường bộ, sân bay, cảng biển. góp phần quan trọng nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo dịch vụ hậu cần cho nền kinh tế.
Phó Thủ tướng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hữu hiệu, tích cực, quyết liệt nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cũng có một số dự án BOT còn để lại dư luận, bức xúc của người dân, trong đó chủ yếu là mức phí cao và việc người dân, đặc biệt là người lao động nghèo ít sự lựa chọn.
“Phải quan tâm đến lợi ích của nhân dân. Phát triển hạ tầng, làm đường là để nâng cao năng lực vận tải, để phát triển kinh tế, nhưng người hưởng lơi cuối cùng là nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần cân đối hài hoà để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, những người đã bỏ vốn ra để xây dựng, khai thác công trình”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc huy động nguồn lực từ xã hội, trong đó có hình thức BOT không phải là mới, và không phải dự án BOT nào người dân cũng “kêu”. Có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản như hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư BOT chậm được hoàn thiện; còn hạn chế về năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan QLNN về giao thông, đặc biệt là về BOT. Bên cạnh đó còn có sự chủ quan, hạn chế về năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia đầu tư BOT, việc nhà đầu tư chưa chủ động tiếp thu ý kiến, giải thích thắc mắc của người dân.
Từ những phân tích nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, tiếp tục rà soát để có báo cáo về BOT toàn diện, sâu sắc hơn để báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức, báo cáo Quốc hội và nhân dân cả nước.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để hiện thực chiến lược đột phá trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hình thức hợp tác Công – Tư (PPP) sẽ là trọng tâm, mà hình thức hợp tác BOT sẽ vẫn là một trong những hướng chính.