Buông lỏng quản lý

Tấn Thành 12/07/2016 05:00

Mới đây làm việc tại Quảng Nam, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo, kiên quyết với vấn nạn vàng tặc và nợ thuế từ khai thác vàng. Đây là những vấn đề gây nhức nhối tại địa phương này nhiều năm qua. Không chỉ vàng mà các khoáng sản khác cũng đang bị khai thác vô tội vạ. Điều đó cho thấy có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của một số cán bộ địa phương trong quản lý khai thác khoáng sản.

Buông lỏng quản lý

Toàn cảnh khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu (Ảnh: Dân Trí).

Nhiều nhiệm kỳ qua, các chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi nhậm chức đều tuyên bố thậm chí tuyên chiến với nạn khai thác khoáng sản trái phép. Sự việc luôn nóng ở các cuộc tiếp xúc cử tri từ ĐBQH đến HĐND các cấp. Thế những nạn khai thác khoáng sản trái phép vẫn lộng hành, trong đó vấn nạn vàng tặc vẫn luôn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Hầu như ở tất cả các địa phương miền núi đều có sự hoạt động của vàng tặc. Khai thác vàng trái phép không chỉ thất thoát tài nguyên khoáng sản, tiền thuế mà nó đồng nghĩa với nạn tàn phá rừng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và rất nhiều hệ lụy khác như mất trật tự an ninh, nạn xì ke ma túy, bót lột sức lao động trẻ em, cướp giật cho đến sập hầm, ngạt khí gây chết người… Thế nhưng nó vẫn cứ tồn tại!

Chính quyền, các cơ quan quản lý ở đâu khi mà hàng trăm con người ngày đêm khai thác vàng chui, tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh mà lại dửng dưng không biết? Hay như tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, năm này qua năm khác, có lúc cao điểm cả hàng nghìn con người ăn ở chui rúc trong các hầm lò khai thác vàng, bất kỳ ai chỉ cần đi qua cũng biết nhưng vì sao chính quyền lại không biết? Dư luận bức xúc đặt câu hỏi chính quyền ở đâu? Các cơ quan quản lý ở đâu? Nếu không có sự bảo kê thì tại sao lại có sự làm ngơ bất thường để vấn nạn trên mặc sức tồn tại lâu đến như vậy.

Trong thông báo số 291 /TB-UBND, ngày 29/6/2016 UBND tỉnh nhận định “Một số địa phương thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý địa bàn, thậm chí còn có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho lâm tặc, khoáng tặc; vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy, chưa huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân dẫn đến tình trạng khai thác trái phép chậm được phát hiện, xử lý truy quét, đẩy đuổi…”.

Lập luận đó cho thấy, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã nhận ra vấn đề và thẳng thắn thừa nhận. Nhưng đến bao giờthì nạn “khoáng tặc”, “vàng tặc” được xử lý kiên quyết, giải quyết dứt điểm là một câu hỏi bức bách mà người dân đặt ra cho các cơ quan chức năng.

Trở lại vấn đề đại gia vàng nợ trên 430,7 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Công ty vàng Phước Sơn đang nợ 334 tỷ đồng và Công ty vàng Bồng Miêu nợ khoảng 100 tỉ đồng (cả hai thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam). Thậm chí Công ty vàng Bồng Miêu đã hết giấy phép hoạt động từ ngày 5/3/2016 vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND tỉnh ra tối hậu thư họ mới thực hiện dừng khai thác, chế biến vàng.

Còn nhớ, ông David Seton- Chủ tịch Tập đoàn Besra từng khẳng định: “Nhà máy tuyển luyện vàng ở Phước Sơn và Bồng Miêu là những nhà máy tiên tiến nhất Đông Nam Á, với công nghệ khai thác và tuyển luyện vàng đẳng cấp thế giới”. Hơn nữa, theo số liệu thăm dò, trữ lượng vàng thì mỏ vàng Phước Sơn công suất 1.000 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 92-95%.

Mỏ vàng Bồng Miêu 500 tấn quặng/ngày, tỉ lệ thu hồi vàng là 88%. Càng đáng nói riêng tại mỏ vàng Phước Đức theo giấy phép thăm dò trữ lượng vàng tại mỏ này lên đến 7.000 tấn. Nghĩa là họ khai khoáng, chế biến ở những mỏ vàng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Besra Việt Nam cũng đã khai thác gần 7 tấn vàng.

Vậy tại sao họ nợ tiền thuế đến con số khủng nói trên? Tại sao ngay từ đầu khi họ còn nợ ít chúng ta không có biện pháp, chế tài với họ mà để đến khi số nợ quá khủng thì mới lên tiếng và đến giờ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu trong vấn đề này. Phải chăng có sự nuông chiều trong những dự án có yếu tố nước ngoài hay có sự bao che của ai đó mà sự việc dẫn đến hậu quả như ngày nay?

Nhiều ý kiến cho rằng, dù anh là ai nhưng khi đã hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước này thì anh cũng như tôi phải chấp hành nghiêm túc pháp luật Việt Nam. Có doanh nghiệp cho biết, nếu họ nợ 100 tỉ đồng tiền thuế thì liệu có được yên không. Cần có sự công bằng và siết chặt trong việc quản lý hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, trong đó có cả nghĩa vụ đóng thuế.

Còn nữa việc hai nhà máy vàng nói trên đóng cửa đồng nghĩa trên 1.500 lao động mất việc làm, số phận họ sẽ về đâu. Những cam kết của các nhà máy với chính quyền, với người lao động và quyền lợi của người lao động sẽ được giải quyết ra sao?

Hàng loạt câu hỏi đặt ra qua một vụ việc rất cần được trả lời.

Tài nguyên khoáng sản ngày một mất đi, tiền thuế thất thu, môi trường ô nhiễm,… hậu quả quá trình khai thác khoáng sản để lại không hề nhỏ. Rõ rằng ngoài biến động của giá cả, ảnh hưởng của bão lũ và những yếu tố chủ quan nội tại như buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, dấu hiệu dung túng, tiếp tay của cán bộ địa phương như báo cáo báo sô 291 /TB-UBND đã nhận định, cần sớm được khắc phục, xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

Tấn Thành