Tước giấy phép kinh doanh xăng dầu nếu cho thuê
Chính phủ vừa ban hành dự thảo (lần 2) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Theo đó, hành vi cho thuê, mượn hoặc thuê, mượn giấy phép bán xăng dầu sẽ bị thu hồi, hoặc có thể bị phạt tiền lên tới 120 triệu đồng (đối với tổng đại lý xăng dầu).
Ảnh minh họa.
Phạt tới 200 triệu đồng nếu tẩy xóa giấy phép
Theo quy định của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (lần 2), hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt 60-80 triệu đồng.
Số tiền phạt sẽ tăng lên 80-120 triệu nếu có cầu cảng nhưng không đúng quy định; có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu nhưng không đúng quy định; có phương tiện vận tải xăng dầu nhưng không đúng quy định; có hệ thống phân phối xăng dầu nhưng không đúng quy định; thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu nhiên liệu bay có phương tiện tra nạp nhiên liệu bay nhưng không đúng quy định. Trong trường hợp vi phạm là không có các hạng mục kể trên thì số tiền phạt sẽ lên tới 120-160 triệu đồng...
Cũng như các thương nhân kinh doanh XNK xăng dầu, các thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu... cũng sẽ bị chế tài xử phạt với số tiền giao động 10-160 triệu đồng nếu có các hành vi vi phạm như đã nêu trên. Ngoài hình thức phạt tiền, các doanh nghiệp, thương nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu có thể còn bị các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu 1-3 tháng, hoặc tịch thu giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu...
Không niêm yết giờ bán cũng bị phạt
Theo quy định tại Điều 37, Dự thảo Nghị định, hành vi không niêm yết công khai giờ bán xăng dầu hoặc niêm yết không rõ ràng, không dễ thấy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Số tiền phạt tăng lên 2-4 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác...
Đối với cửa hàng, đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định; giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Riêng đối với các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, mức phạt sẽ là 40-60 triệu đồng nếu giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định...
Dự kiến Nghị định sẽ được ban hành trong tháng 7/2016.