Hồi sinh những dòng sông
Tăng trưởng nóng những năm qua đang khiến các dòng sông bị ô nhiễm ngày một tăng lên. Liên tiếp nhiều vụ việc gây ô nhiễm sông ngòi mới được phát hiện cho thấy số phận những dòng sông đã bị bỏ mặc quá lâu. Những động thái xử lý tích cực hiện nay liệu có muộn?
Ô nhiễm ở sông Khởi Luông.
Kho báu đang cạn kiệt
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng (Hội Thủy lợi Việt Nam), thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam một mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhưng chúng ta nằm hầu như ở phần hạ lưu các dòng sông. Sông Mekong, sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai… đều có chung một đặc điểm bắt nguồn bên ngoài lãnh thổ chúng ta. 90% sông Mekong nằm ngoài lãnh thổ, 90% dòng chảy của nó được phát sinh ở bên ngoài. Sông Hồng có 50% lưu vực chảy bên ngoài lãnh thổ Việt Nam… Để thấy, trong bối cảnh nước là nguồn tài nguyên cực kỳ quý báu hiện nay, chúng ta phải đối mặt với thực tế là có khả năng rơi vào tình trạng bị động về nguồn nước.
Theo GS Hồng, trong tình hình ấy nếu không điều tiết và phân bố được kế hoạch sử dụng, chúng ta sẽ làm tăng sự cạn kiệt các dòng sông. Ví dụ nếu Tây Nguyên trồng cao su quá quy hoạch, thì sông suối ở Nam Trung Bộ sẽ cạn kiệt. Quá trình đô thị hóa và thủy điện cũng đang tác động làm các dòng sông đổi dòng. Ông Hồng kể, ông từng chứng kiến sự nổi giận của thiên nhiên: một dòng suối cổ ở Mường Lay (Điện Biên) bị chết do đổi dòng đã tạo ra một trận lũ quét bùn đá, chỉ sau 3 giờ đồng hồ, vùi lấp 51 người, xóa sạch các ngôi nhà, để đòi lại dòng dẫn cũ…
Trong tất cả các nguy cơ, từ xả thải sinh hoạt đô thị và công nghiệp đang là nguyên nhân hàng đầu cho ô nhiễm nguồn nước mặt. Và đáng tiếc, theo GS Hồng, vấn đề đang ngày một xấu đi. Hầu hết nước thải đang được xả trực tiếp vào các dòng sông. Các khu công nghiệp vẫn ngày một tăng lên, chất thải công nghiệp là nguồn chính của ô nhiễm nước.
Từ năm 2010, Báo cáo Môi trường Quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định: “Thực tế hiện nay, do các nguồn thải đổ vào lưu vực sông hầu như chưa được kiểm soát làm cho vấn đề ô nhiễm nước mặt đang ngày càng trở nên nghiêm trọng”, và: “Hiện nhiều nơi đã phát hiện dấu hiệu ô nhiễm Coliform vượt quy chuẩn cho phép từ hàng trăm đến hàng nghìn lần”.
Nói về việc này, TS Đào Trọng Tứ (Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), trao đổi: “Những dòng sông chết đang làm nguy cơ thiếu nước sạch càng trầm trọng, nhất là vào mùa cạn ở những vùng ít mưa”.
Những dòng sông kêu cứu
Trong quá trình phát triển vài thập kỷ qua, thành tựu kinh tế - xã hội đạt được kéo theo sự trả giá về môi trường. Đô thị phát triển và nguồn thải xả thẳng ra sông đã biến những Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ, sông Thị Nghè… thành những dòng sông chết.
Năm 2008, khi các lực lượng chuyên ngành đưa ra ánh sáng việc nhà máy Vedan xả thải thẳng ra sông Thị Vải, thì dòng sông đã chịu cảnh đầu độc dài suốt 14 năm. Và Thị Vải, đáng tiếc thay không phải là thân phận sông đầu tiên cũng chẳng phải cuối cùng.
Nhiều năm liền, báo chí tốn bao giấy mực cho sông Đồng Nai khi một dự án cải tạo cảnh quan đô thị mà thực chất là lấp một phần sông được triển khai trong nhiều năm dựa trên một báo cáo ĐTM vội vàng và chưa đánh giá hết những tác động của thay đổi dòng chảy. Điều đáng nói là trong 6 năm trời ròng rã chuẩn bị triển khai dự án, kiến nghị của các nhà khoa học và dư luận hoàn toàn bị bỏ ngoài tai cho tới năm 2015, trước thái độ kiên quyết của các nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra khảo sát và sau đó Bộ đã có kiến nghị tạm dừng dự án…
Gần đây nhất, sau vụ cá chết ở miền Trung gây chấn động dư luận do Formosa xả thải ra biển, các nhà khoa học lại cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm sông Hậu từ việc xả thải của Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Ở miền Bắc, các cơ quan chức năng ở Bắc Giang đã nhiều lần bắt quả tang Công ty Á Cường xả nước thải trực tiếp ra sông Cẩm Đàn...
Tồn tại ở khâu quản lý
Phải công nhận rằng, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những phản ứng kịp thời trước những vấn đề dư luận đưa ra. Ví dụ như khẩn trương thành lập Đoàn thanh tra Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam (cùng đợt này có 29 doanh nghiệp khác thuộc các ngành nghề thủy sản, sản xuất bia, dược phẩm, sản xuất thuốc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mía đường… có tên trong danh sách thanh tra). Hoặc Bộ đã kịp thời có quyết định kiểm tra toàn diện Công ty Á Cường liên quan đến việc xả thải đầu độc sông Cẩm Đàn…
Nhưng trong những tồn tại về việc tác động xấu đến các dòng sông, rõ ràng có sự làm ngơ và thiếu trách nhiệm trong quản lý, cấp phép xả thải hoặc phê duyệt báo cáo ĐTM của các cơ quan có trách nhiệm. Theo chuyên gia Đỗ Hồng Phấn, tình trạng thụ động trong việc thẩm định, kiểm tra, xử lý diễn ra y như nhau ở các sự việc một số khu công nghiệp xả thải trộm, hoặc các dự án kiểu Dự án cải tạo (thực chất là lấp sông) Đồng Nai và thủy điện Đồng Nai 6 và 6A...
Có nghĩa là chỉ đến khi dư luận có ý kiến rất quyết liệt thì các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương mới bắt đầu biết tới và xem xét. Ví dụ trong dự án lấp sông Đồng Nai, suốt 6 năm trời, các cơ quan có trách nhiệm chuyên môn ở địa phương như Sở Tài nguyên và Môi trường đã không có bất kỳ một tiếng nói nào. Hay trong sự việc Công ty khoáng sản Á Cường xả thải thẳng ra sông Cẩm Đàn ở Bắc Giang, rõ ràng là các cơ quan chức năng ở địa phương đều biết, có việc kiểm tra và xử phạt hành chính nhiều lần. Nhưng sau đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục xả thải không qua xử lý và không hề bị đình chỉ hoạt động. Đáng nói là sự việc đã tồn tại tới 4 năm qua…
Gần đây, trên báo Đại Đoàn Kết ra ngày 7/6/2016 có đăng loạt bài phản ánh tình trạng xả thải xuống sông Khởi Luông (Lạng Sơn) của một cơ sở sản xuất da nhưng sau đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho hay không hề biết gì về vấn đề này…
Hồi sinh những dòng sông
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc quản lý các dòng sông phải được thực hiện theo tổng thể lưu vực sông chứ không giao cho từng địa phương quản lý chia cắt như hiện nay. Chưa kể là ở cấp trung ương, trách nhiệm quản lý còn đang chồng chéo giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo TS Đào Trọng Tứ, vấn đề quan trọng nhất trong quản lý tài nguyên nước hiện nay là quản lý “lưu vực sông” để điều hòa, phân bổ, phối hợp điều tiết… Trong đó, phải kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép các hoạt động xả thải.
Dư luận đang chờ đợi từ sự vào cuộc tích cực của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nhiều vụ việc gần đây, những sai phạm phải được xử lý đến nơi đến chốn. Không phải chỉ với các đơn vị vi phạm mà cả ở khía cạnh của các cơ quan có trách nhiệm quản lý.
GS Vũ Trọng Hồng kể rằng, ông nhớ mãi câu hỏi của Tổng thống Hungary khi tiếp xúc với các chuyên gia tài nguyên nước của Việt Nam năm 2014, rằng: “Việt Nam có bao nhiêu nước thải chưa qua xử lý? Nghe nói mới xử lý được 10%, còn 90% vẫn thải ra sông?”. Câu hỏi mà các chuyên gia có mặt đã không biết trả lời thế nào vì không nắm được hết những vụ âm thầm xả thải trộm mỗi ngày.
Luật Tài nguyên Nước đã có, Luật Môi trường cũng có, và những dòng sông không thể vẫn âm thầm bị đầu độc mỗi ngày, chúng cần được hồi sinh.
Thành Vĩnh
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Việt Nam có 392 con sông, chảy liên tỉnh được đưa vào danh mục quản lý của Cục đường sông Việt Nam theo quyết định số 1989 ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, 191 tuyến sông, kênh với tổng chiều dài 6.734,6 km được xem là tuyến đường sông quốc gia. 3 dòng sông rộng nhất là sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu với chiều rộng trung bình khoảng 1 km. Việt Nam có 112 cửa sông lạch đổ ra biển. PV |