Nguy cơ bùng phát bệnh dại

Nguyễn Thành 12/07/2016 15:00

Trời nắng nóng cũng khiến cho bệnh dại có nguy cơ bùng phát khi vaccine dại đang khan hiếm tại một số địa phương do nguồn cung bị giảm sút. Chỉ trong 5 tháng đầu năm đã có tới 26 người chết vì bệnh dại. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện ngành y tế đang khẩn trương khắc phục tình trạng khan hiếm vaccine, đồng thời chỉ đạo các điểm tiêm chủng đã có vaccine dại (do Ấn Độ sản xuất) tạm thời chỉ sử dụng cho người có chỉ định tiêm.

Đưa chó mèo đi tiêm phòng – cách tốt nhất để phòng bệnh dại.

Bệnh dại gia tăng

Bệnh dại tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Tuyên Quang và Tây Ninh. Nhiều địa phương có số lượng người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế điều trị tăng đột biến, như Thái Nguyên đã có gần 2.000 người bị chó cắn. Cá biệt có trường hợp chó phát dại cắn cùng lúc 7 người. Năm 2015, tại tỉnh này đã có 6 người tử vong vì bệnh dại sau khi bị chó cắn; hơn 10.000 người bị chó cắn phải tiêm vắc xin phòng dại.

Về nguyên nhân bệnh dại tăng ở Thái Nguyên vì trước đó tại một số huyện, thành, thị trong tỉnh xuất hiện tình trạng chó chạy rông, chó không rõ nguồn gốc có biểu hiện lên cơn dại cắn người với các vết thương nặng, rất nguy hiểm hoặc cắn nhau với chó nhà nuôi.

Đáng lo ngại là nhiều trường hợp bị chó nghi dại cắn nhưng không đi khám và tiêm vắcxin, hoặc tự chữa bằng thuốc nam. Ngoài ra, việc phát hiện các trường hợp bị phơi nhiễm tại cộng đồng để khuyến khích người dân đến cơ sở y tế khám, tư vấn, tiêm phòng rất khó khăn do bản thân người bị giấu thông tin, không hợp tác.

Hay như Thanh Hóa cũng là một điểm nóng đáng ngại về bệnh dại với con số lên tới gần 800 người bị chó dại cắn chỉ trong 5 tháng đầu năm, trong đó có 3 người bị tử vong. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hà (thị trấn Lang Chánh) là một điển hình của sự chủ quan. Sau khi con chó nhà chị nuôi có biểu hiện bất thường đã đuổi cắn làm 6 người bị thương, 6 người này sau đó đã đến Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng nên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng đáng tiếc, riêng trường hợp của chị Hà, sau khi bị con chó nhà mình cắn, chị chủ quan cho rằng chó mới đẻ dữ nên không đi tiêm phòng. Một thời gian ngắn sau đó chị có biểu hiện co giật, mất kiểm soát, được người thân đưa đi cấp cứu nhưng tử vong.

Thời gian ủ bệnh dại trung bình từ 20 - 90 ngày, cũng có trường hợp đến cả năm, vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2 - 4 ngày. Trước đó, bệnh nhân thường có các triệu chứng như: bị đau nhức tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức và sợ gió... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, hạ huyết áp, giãn đồng tử, có những phản ứng cơ thể dữ dội và tử vong.

Những triệu chứng đáng sợ

Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây ra những cái chết với triệu chứng rất đáng sợ. Đặc điểm của bệnh là virus tác động vào hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh trung ương làm cho con vật trở nên điên dại và chết. Nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã.

Bởi vậy khi bị chó cắn, nếu con vật mang virus dại thì người bệnh có thể phát dại từ 2 tuần đến 1 tháng sau đó. Song cũng có trường hợp phát bệnh sau 4 ngày hoặc thậm chí vài năm. Do vậy, cần phải tiêm vắcxin kháng dại ngay từ đầu và tiêm song song với huyết thanh kháng dại vì trong vòng 2-4 tuần đầu, vắc-xin chưa tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ: Thời kỳ đầu: Khoảng 1 - 4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng.

Thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

Nguyên nhân gia tăng bệnh dại

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến số ca mắc tử vong do bệnh dại tăng cao là bệnh nhân vẫn còn lơ là, chủ quan trong việc tiêm ngừa sau khi bị súc vật nghi dại cắn. Bên cạnh đó, việc tiêm văcxin phòng dại cho động vật nuôi chiếm tỷ lệ quá thấp. Số liệu từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn) cho thấy, trong năm 2015 có địa phương như Cà Mau tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó chỉ đạt 1,65%, đa số các địa phương không đạt tỷ lệ tối thiểu 70% như quy định.

Theo PGS-TS Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng ban Thường trực dự án Khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thì tỷ lệ đàn chó phải được tiêm vắc xin bệnh dại đạt từ 70% trở lên thì mới có thể loại trừ nguy cơ lây lan bệnh dại trong cộng đồng. Thế nhưng, nhiều địa phương, đặc biệt là địa bàn miền núi, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó đạt rất thấp, đây là nguy cơ dẫn đến bệnh dại gia tăng.

Để phòng bệnh dại, cách tốt nhất là tiêm phòng cho thú nuôi. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cần rửa ngay vết thương với xà phòng và rửa dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắcxin phòng bệnh dại theo đúng chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Cục Y tế dự phòng cũng cảnh báo, với người đã bị bệnh dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% nên người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng chống như: tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ; chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi; khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước ngay lập tức với xà phòng liên tục trong 15 phút, rửa sạch vết thương với cồn 70%, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất

Khi bị động vật cắn, cần rửa ngay vết thương với xà phòng và rửa dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó, đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyễn Thành