Phán quyết từ PCA: ‘Đường lưỡi bò’ không có cơ sở pháp lý

12/07/2016 16:24

Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague hôm 12/7 đã tuyên bố rằng họ không thấy cơ sở pháp lý trong các tuyên bố quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Tòa án này cũng nói rằng Trung Quốc đã can thiệp vào quyền khai thác thủy sản của Philippines trên vùng biển tranh chấp. (nhấn F5 để cập nhật)

Một nhóm người Philippines tuần hành ngay trước thời điểm PCA công bố phán quyết - Ảnh: Rappler.

Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định phán quyết về Biển Đông của tòa án trọng tài The Hague là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ.

Ông cũng khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng luật pháp, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc cho hay Trung Quốc “không chấp nhận và không công nhận” phán quyết từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague, Hà Lan, về “đường lưỡi bò”’ thêm rằng tòa án này không đủ thẩm quyền để xử lý vụ việc. Hãng này mô tả tòa án đã ra “phán quyết yếu kém” về Biển Đông.

Phản ứng từ Mỹ

Bà Kristie Kenney, cố vấn và đại diện cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, đã kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của PCA về vụ kiện “đường lưỡi bò” giữa Philippines và Trung Quốc.

Bà Kenney, người từng giữ chức vụ Đại sứ Mỹ tại Philippines trong khoảng 2006-2010, đã bày tỏ hy vọng rằng phán quyết của PCA tại The Hague sẽ góp phần giải quyết các tuyên bố chủ quyền phức tạp trên các vùng biển thuộc Biển Đông.

“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ tôn trọng phán quyết này, kiềm chế và sử dụng phán quyết như một co sở để tiến tới giải quyết các tuyên bố phức tạp bằng biện pháp ngoại giao và hướng tới một giải pháp tích cực” - bà Kenney nói.

Phản ứng từ Philippines

Ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết của họ liên quan tới vụ kiện “đường lưỡi bò”, Bộ Ngoại giao Philippines cũng đưa ra phản ứng trong một tuyên bố.

“Philippines thể hiện mạnh mẽ sự tôn trong đối với quyết định cột mốc này, như một đóng góp quan trọng đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông (Biển Tây Philippines). Quyết định này đã giữ vững luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982” - Tuyên bố nêu rõ.

Ngoài ra, tuyên bố cũng nhắc lại cam kết của Philippines trong nỗ lực theo đuổi một giải pháp hòa bình và giải quyết tranh chấp theo hướng đảm bảo hòa bình và sự ổn định của khu vực.

Sau khi PCA ra phán quyết, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bàn về vấn đề này. Ông Duterte cho hay chính phủ Philippines sẽ “từng bước nghiên cứu” về phán quyết của PCA.

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là “đường lưỡi bò”; Reuters dẫn thông báo từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan, cho biết.

Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của LHQ.

“Do không tìm thấy thực thể nào mà phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), Tòa án nhận thấy rằng có thể tuyên bố rằng một số khu vực biển nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bởi các khu vực này không bị chồng lấn bởi bất kỳ vùng đặc quyền nào của phía Trung Quốc” - Phán quyết dài 497 trang nêu rõ.

PCA cũng nói rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của phía Philippines.

“Nhận thấy rằng một số khu vực nhất định nằm trong EEZ của Philippines, Tòa cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines ngay trong EEZ của họ bằng cách: Ngăn chặn Philippines đánh bắt cá, thăm dò dầu khí, xây dựng đảo nhân tạo và ngư dân Trung Quốc tới đánh cá trong khu vực này” - Phán quyết cho hay.

PCA cũng nói rằng Trung Quốc đã gây nên “tổn hại vĩnh viễn và không thể đề bù” đối với hệ sinh thái san hô tại quần đảo Trường Sa. Cùng thời điểm, giới truyền thông Trung Quốc đã phản đối phán quyết này, thể hiện rõ quan điểm của họ từ trước đó là không tham gia vụ kiện và không chấp nhận phán quyết của PCA.


Các phóng viên tập trung ở trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines tại Manila để tham gia buổi họp báo - Ảnh: ABS-CBN News.

Năm 2013, Philippines khởi kiện “đường lưỡi bò”, cho rằng nó không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) với các lập luận:

Trung Quốc không có quyền thực hiện “quyền lịch sử” đối với các vùng biển, đáy biển, và vùng đất dưới đáy biển ngoài giới hạn mà nước này được hưởng.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thể hiện qua đường 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra và chiếm gần trọn biển Đông, là vô giá trị theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Những cấu trúc ở biển Đông không phải các đảo với các quyền gắn với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS vì can thiệp vào quyền thực thi chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.

Trung Quốc gây thiệt hại không thể phục hồi với môi trường biển.