Bất cập trong công tác phát hành phim: Muốn nhanh vẫn phải từ từ
Như đã thông tin trên Báo Đại Đoàn Kết ngày 8/7 xung quanh việc đại diện 8 đơn vị điện ảnh đã gửi thư đến các cơ quan chức năng “tố” việc hệ thống rạp CGV cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, Bộ VHTT&DL đã có những động thái tích cực nhằm đưa hai bên tìm được tiếng nói chung, tránh để xảy ra việc khiếu kiện. Tuy nhiên, trong khi “cuộc chiến” vẫn chưa đến hồi kết thì những liên đới của sự việc đang ảnh hưởng đến công tác phát hành, phố biến phim của nhiều trung tâm phát hành phim, đặc biệt là tạ
Trung tâm chiếu phim Quốc gia.
Khó tìm tiếng nói chung
Mới đây Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan đã có những báo cáo cụ thể và hướng giải quyết trước mắt. Theo Cục trưởng: “Cục Điện ảnh cũng đã đề xuất với Bộ VHTT&DL và cũng có những động tác gửi văn bản và làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương. Nhưng thời điểm này, không thể lúc nào cũng nói là kết quả nó đến đâu và đã ra được kết quả chưa. Ở đây nếu sự việc là khiếu kiện hay kiện tụng thì để giải quyết có khi mất tới 5 năm mà cũng có thể là xong hoặc chưa xong”. Cũng theo bà Ngô Phương Lan, hiện nay Bộ VHTT&DL và Cục Điện ảnh đang rất tích cực để phối hợp với Bộ Công thương và Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam để từng bước giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, mới đây giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã nhiều động thái tích cực trong việc bảo về quyền lợi các đơn vị phát hành, phổ biến phim. Cụ thể, tại Hội thảo mạng lưới công nghiệp văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc, Cục Điện ảnh Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác trao đổi điện ảnh giữa hai nước với Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc. “Việc ký biên bản hợp tác nhằm mục đích không thể để một công ty nào có sự độc quyền ở trong điện ảnh. Nhưng khi trao đổi với Chủ tịch Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc cũng được biết ở Hàn Quốc thì hầu như năm nào tháng nào cũng nhận được những khiếu kiện tượng tự như của Việt Nam. Trong đó, với sự việc này Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc không thể giải quyết được, vì không thuộc chức năng. Cho dù Hội đồng này tại Hàn Quốc cũng tương đương Cục Điện ảnh của Việt Nam”, bà Lan cho hay.
Có thể thấy, với lý giải trên của Cục trưởng Cục Điện ảnh, dường như sự việc “đấu tố” giữa các đơn vị điện ảnh trước mắt xem ra khó tìm ra “lời kết”. Tuy nhiên, ở một góc độ liên đới thì dường như các đơn vị đang phải chịu ảnh hưởng chính là trung tâm phát hành phim nhà nước. Trong đó, với nhiều đơn vị tại các địa phương thì dường như bối cảnh trước đã khó này càng trở “bi đát” thêm.
Lối đi nào cho các đơn vị nhà nước?
Trong khi các “đại gia” điện ảnh vẫn đang tiếp tục đi “đòi” sự cạnh tranh lành mạnh, thì ở khía cạnh các Trung tâm Phát hành và phố biến phim tại các tỉnh/thành cách duy nhất hiện nay cũng chỉ biết là ngồi “an phận” đợi kết quả. Bởi khi sự việc chưa xảy ra thì sự lép vế giữa các đơn vị phát hành và phổ biến phim nhà nước trước các đơn vị tư nhân đã là câu chuyện “trầm kha”.
Theo ông Lê Quốc Khánh – Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đà Nẵng: “Hoạt động chiếu phim kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do khách quan. Như cơ sở vật chất nhà rạp xuống cấp, thiết bị vẫn phải đi thuê ngoài trong khi đó tại thành phố các cụm rạp tư nhân ngày càng nhiều với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy chiếu hiện đại và chất lượng. Ngoài 2D còn có các loại hình 3D, 4D tạo cảm giác mới lạ, đáp ứng thị hiếu của giới trẻ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho rạp không thể cạnh tranh với các cụm rạp tư nhân khách nên lượng khách đến mua vé xem phim thưa thớt dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp”. Cũng theo ông Khánh, về nguồn phim thì phim nhà nước vừa ít, vừa chỉ đảm bảo phục vụ chính trị là chủ yếu. Trung tâm cũng đã chủ động trong việc tìm kiếm khai thác phim từ các đối tác tư nhân. Tuy nhiên, đa số phim tư nhân lại là phim nước ngoài, cộng thêm sức ép doanh thu, chi phí quảng cáo và phim phim lại luôn đi sau các cụm rạp tư nhân nên không còn sốt. Vì vậy mà không thu hút được khán giả.
Một thành phố lớn như Đà Nẵng đã vậy, thì với một tỉnh miền núi như Lào Cai còn “bi đát” hơn nhiều! Bà Nguyễn Thị Thanh – Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lào Cai chia sẻ: “Hiện nay tại Lào Cai có 3 phòng chiếu phim nhưng hiện tại chỉ có 1 phòng chiếu phim hoạt động, còn 2 phòng đang đợi xã hội hóa. Bên cạnh đó, giá vé thấp, không như các thành phố lớn; giá vé phải bán đúng quy định của ngành thuế, đăng ký trước khi phát hành không được nâng lên hạ xuống, khuyến mại như các rạp của tư nhân”. Cũng theo bà Thanh, về nguồn phim chủ yếu do các công ty tư nhân, phát hành mà không có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước như Cục Điện ảnh…
Không chỉ Đà Nẵng hay Lào Cai mà việc phổ biến, phát hành phim đang là vấn đề của hầu hết các tỉnh/thành trong cả nước hiện nay. Trong đó, vấn đề cấp thiết để về “cứu” các trung tâm đó là cơ quan chức năng Nhà nước xem xét ban hành những rào cản kỹ thuật cụ thể phù hợp với pháp luật và cam kết quốc tế. Từ đó, có thể ngăn chặn độc quyền trong phát hành và phổ biến phim, nhập phim, chèn ép đối tác trong nước trong chiếu phim. Ban hành chính sách ưu tiên phát triển sản xuất, phát hành và phổ biến phim Việt Nam. Hay như ông Nguyễn Văn Nhiêm – Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phố biến phim Việt Nam đề xuất: “Trước mắt, các đơn vị điện ảnh trong nước cần tăng cường hợp tác, liên kết, đoàn kết tập hợp thành một khối thống nhất xây dựng vị thế của mình. Tăng cường vai trò và năng lực trong thị trường điện ảnh để phát triển và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của khán giả trong nước”. Và có lẽ, muốn nhanh vẫn phải từ từ?!