Mạch máu Hội An giữa lòng phố Sài Gòn

Việt Quỳnh 13/07/2016 13:05

“Những sợi, vệt, mảng lung linh run run loang, quyết liệt thấm. Vẽ bằng hơi thở. Hoài niệm vừa ma mị vừa tươi rực trong ký ức trượt qua kẽ tay như không khí… Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn không vẽ cảnh Hội An, anh vẽ mạch máu Hội An”, nghệ sĩ thị giác nhà thơ Ly Hoàng Ly đã nhận xét như vậy về những bức tranh trong triển lãm “Hội An hoài niệm” của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

Mạch máu Hội An giữa lòng phố Sài Gòn

Một bức tranh trong triển lãm.

Hội An trong tranh của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn là những bức tường rêu phong loang thẫm màu nâu đen, khung cửa mở ra bao hoài niệm, mái ngói cổ kính sắc màu nhớ, con đò thong thả trên màn tối in bóng trăng mờ trên sông… Đó là một Hội An không đèn lồng, không du lịch, thiếu vắng bóng người. Mà như thế, Hội An mới thực sự trong tim của người sinh ra lớn lên trưởng thành, mang trong mình dòng máu dân phố Hội. Như họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ, trung tâm phố cổ là của du khách, còn đời sống thường nhật của người Hội An, đã lùi về những góc vắng ven đô. Để rồi tất cả khung hình thẫm gam tối về Hội An ẩn phía sau, nhường cho những mạch máu tươi đỏ, vàng rực, xanh non đến xanh đậm, xanh lơ… đan xen hòa quện, mở rộng trên khung hình. Nhìn vào tranh của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, thấy được độ sâu nhiều chiều trong tranh. Anh vẽ Hội An ở mọi cung bậc phức cảm, nhưng dù màu sắc nhấn tươi thế nào, thì toàn bộ không gian tranh tại À Gallery vẫn thấm đẫm một màu buồn u uẩn đến nao lòng. Như thể, một cõi bình lặng nào đó vừa mới tan vỡ. Một không gian an nhiên đang trôi về điểm dừng. Sự chết nào đó đang xảy ra, ngưng tụ lại, mà không thể nắm bắt được.

“Bạn sẽ thấy trên cái nền âm u, trầm tích..., tôi đặt để nhấn lấy những sắc đỏ, xanh, vàng... Tôi muốn gieo và chống lại cái nền để mang lại hiệu ứng thị giác sự mạnh mẽ cùng sức sống nhất có thể. Đôi khi đầy ngẫu hứng, phiêu linh. Mạch sống dòng thời gian cứ thế trôi, tôi mượn xác pháo hồng ngày xưa, hoa giấy, gốc rễ cây cổ thụ, hoa lá... và cả những câu chuyện ma…”, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ.

Mạch máu Hội An giữa lòng phố Sài Gòn - 1

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

Về những bức tranh phố Hội của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, người bạn của anh, nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly cảm nhận: Đó là “những sắc màu quyện đan u rực thảng thốt, những nét nhát tự ngỡ ngàng với mạch đập của chính mình. Cảm tưởng như mấy chục năm qua, họa sĩ vò nát, vo viên, xoa nắn Hội An trong tâm cảm mình với mọi cung bậc xúc cảm, rồi cất những viên ký ức đó vào một góc khuất trân quý, nhìn ngắm nó trong giấc mơ, cho đến khi những viên ký ức Hội An tự mình trỗi dậy, bung phẳng ra, những mạch những sắc tuôn về phía bàn tay người họa sĩ”.

Trong triển lãm này, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn thể hiện những rung cảm của mình qua giấy Dó. Cần nắm được những đặc trưng quan trọng của giấy Dó, cùng phương pháp truyền thống giã vỏ Dó độc đáo, đã tạo ra một loại giấy xốp, nhẹ, dai, bền, dễ ăn màu mực khi vẽ, lại không bị nhòe và dễ phai. Giấy Dó là loại giấy giữ được toàn vẹn đặc thù văn hóa dân tộc, mang nặng tính thủ công và rất khó để học theo sản xuất. Giấy Dó còn có khả năng chống ẩm đặc biệt cao, tại một số bảo tàng của Pháp, đằng sau những bức tranh quý, các nghệ nhân bồi giấy Dó để tranh không bị ẩm mốc, ố vàng, giữ bền tuổi thọ. Chính vì công dụng và đặc điểm riêng biệt, đậm tính dân gian của giấy Dó, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đã sử dụng để vẽ lên những hoài niệm về Hội An: “Tự thân giấy Dó là sự chọn thích hợp nhất. Loại giấy này giúp tôi trải bày, biểu cảm. Chỉ giấy Dó mới cho tôi thỏa lòng cho cách biểu hình như vậy. Và Hội An - Giấy Dó - cho bạn thấy một quá khứ mộng mơ, lãng đãng, thăm thẳm... ma mị trong u tịch u hoài”.

Để vẽ được 18 bức tranh phong cảnh Hội An, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đã bắt đầu những nét vẽ đầu tiên vào năm 2015, làm việc miệt mài trong suốt 3 tháng. Triển lãm “Hội An hoài niệm” đang diễn ra tại À Gallery – TP HCM và sẽ kết thúc vào ngày 15/7.

Việt Quỳnh