Những công việc đầy thách thức của tân Thủ tướng Anh

Khánh Duy 13/07/2016 20:50

Cựu Bộ trưởng Nội vụ, ứng viên duy nhất trong cuộc đua kế nhiệm ông David Cameron và thủ lĩnh đảng Bảo thủ và là người được mệnh danh là “bà đầm thép thứ hai” của nước Anh, Theresa May, đã chính thức trở thành tân Thủ tướng của một quốc gia đang rối bời bởi sự kiện Brexit.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May đứng trước tòa nhà công vụ số 10 phố Downing. (Nguồn: Reuters).

Tối ngày 13/7 (theo giờ Anh), bà Theresa May đã chính thức trở thành tân Thủ tướng của nước Anh, để lại sau lưng hàng loạt các sự kiện chấn động như cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả là Anh rời khỏi EU trong khi Thủ tướng David Cameron phải từ chức, người kế nhiệm được dự đoán Boris Johnson bị các đồng minh “đâm lén sau lưng” và đối thủ của bà, Bộ trưởng Nội vụ Andrea Leadsom, bị hạ bệ chỉ vì bình luận về bổn phận làm mẹ.

Tuy được mệnh danh là “bà đầm thép thứ hai”, sau cố Thủ tướng Margaret Thatcher, nhờ tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc và cứng rắn, nhưng giới phân tích đều cho rằng bà May đang ở vào một vị trí mà chả ai muốn làm do nước Anh đang có hàng loạt các vấn đề thách thức chờ người giải quyết.

Thỏa thuận về Brexit

Bất chấp việc từng là một người có quan điểm ủng hộ nước Anh ở lại EU trong thời điểm trước cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 23/6 vừa qua, bà May đã thay đổi ý định và quay sang ủng hộ Anh rời khỏi khối liên minh 28 thành viên này. “Brexit có nghĩa là Brexit, và chúng ta phải thực hiện nó”, bà May từng tuyên bố.

Brexit cũng chính là thách thức đầu tiên của bà trong cương vị Thủ tướng Anh. Vị tân Thủ tướng này sẽ cần phải vạch ra một con đường mới để Anh có thể tiếp cận vào thị trường đơn miễn thuế của châu Âu, xóa tan nỗi quan ngại về dân nhập cư của đại đa số cử tri Anh từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit, và giữ vững mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng châu Âu.

Bà May cũng sẽ phải chịu sức ép cực lớn từ giới lãnh đạo EU để quá trình rời khỏi khối này của nước Anh diễn ra suôn sẻ, trong khi nhiều lãnh đạo đã tuyên bố rằng sẽ không đàm phán với Anh trừ khi nước này kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - tức động thái khiến cho tiến trình Brexit chính thức được khởi động.

Bà May từng tuyên bố rằng đã sẵn sàng sắn tay áo để đương đầu với công việc thách thức phía trước, nói rằng: “Ken Clarke (một chính trị gia đảng Bảo thủ) từng nói rằng tôi là một người phụ nữ cực kỳ cứng rắn. Người đàn ông tiếp theo sẽ cảm nhận được điều đó chính là ông Jean-Claude Juncker (Chủ tịch Ủy ban châu Âu)”.

Gắn kết một quốc gia đang chia rẽ

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hôm 23/6 ở Anh cho ra kết quả 52% ủng hộ Brexit và 48% ủng hộ Anh ở lại EU. Kết quả này rõ ràng cho thấy một sự chia rẽ không hề nhỏ trong cộng đồng người dân khắp nước Anh. London và Scotland cũng theo xu hướng ủng hộ chiến dịch “Ở lại” với số phiếu bầu lần lượt là 60% và 62%, khiến cho một số người đứng lên kêu gọi hai khu vực này tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh (UK).

Trong khi Scotland đã lựa chọn duy trì là một phần của UK trong cuộc trưng cầu năm 2014 với 55% cử tri phản đối tách khỏi UK, Bộ trưởng thứ nhất Nicola Sturgeon giờ lại nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý khác có thể sẽ được cân nhắc sau sự kiện Brexit.

Bà May đến nay vẫn loại bỏ khả năng tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước năm 2020, nhưng trước mắt bà vẫn phải dẫn dắt nước Anh vượt qua được sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng liên quan tới Brexit. Rất khó để có thể thuyết phục những cử tri trẻ tuổi từng ủng hộ Anh ở lại phải chấp nhận một nước Anh tiến bước theo con đường Brexit.

Bình ổn kinh tế Anh

Một trong số những ưu tiên hàng đầu của tân Thủ tướng Anh sẽ là đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế trong nước, tránh việc rơi vào một cuộc khủng hoảng. Hiện nay, đồng Bảng Anh đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm trở lại đây như một hậu quả của Brexit, trong khi mức xếp hạng tín dụng của các ngân hàng Anh cũng bị chuyển thành “tiêu cực”.

Ngoài ra, nhiều tín hiệu nền kinh tế Anh cũng cho thấy rằng có khả năng một số tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động ở nước này bỏ đi, khiến cho thị trường việc làm cùng các khoản đầu tư suy giảm.

Bà May cũng cần phải kiểm soát tốt tình hình an ninh trong nước trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều các vụ tấn công xuất phát từ phân biệt chủng tộc xuất hiện sau cuộc trừng cầu dân ý. Theo các hãng truyền thông Anh, mới đây xuất hiện nhiều các truyền đơn có nội dùng “Rời khỏi EU - không có thêm ký sinh Ba Lan” xuất hiện trên khắp vùng Cambridgeshire của nước này. Hội đồng Hồi giáo ở Anh mới đây cũng công bố danh sách 100 sự việc liên quan tới phân biệt chủng tộc xảy ra trên khắp nước Anh.

Khánh Duy