6 tháng đầu năm 2016: Thanh tra phát hiện sai phạm hơn 12.000 tỷ đồng

Đức Sơn 13/07/2016 22:46

Đó là kết quả mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016 tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội.

Thúc đẩy tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm của TTCP, toàn ngành đã triển khai hơn 3.300 cuộc thanh tra hành chính và hơn 123.800 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, phát hiện vi phạm hơn 12.000 tỷ đồng, 2,8 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 7,6 nghìn tỷ đồng và 824 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 4,4 nghìn tỷ đồng, hơn 2 nghìn ha đất; xử phạt vi phạm hành chính hơn 3,5 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 30 vụ, 45 đối tượng.

Thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, 6 tháng, cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp 182.310 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh với 98.751 vụ việc; có 2.448 đoàn đông người, tiếp nhận 117.462 đơn.

Qua phân loại 73.422 đơn đủ điều kiện xử lý, có 29.766 đơn khiếu nại, 8.876 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính với 16.781 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền. Ngành Thanh tra đã giải quyết 11.610 vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền (đạt 69,2%).

Phân tích kết quả giải quyết 8.805 đơn khiếu nại cho thấy có 12,7% đơn khiếu nại đúng; 69,3% đơn khiếu nại sai; 17% đơn khiếu nại có đúng có sai. Phân tích kết quả giải quyết 2.143 đơn tố cáo cho thấy có 11,5% đơn tố cáo đúng; 59,5% đơn tố cáo sai; 29 % đơn tố cáo có đúng có sai.

Thực hiện việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 1130, các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 98,29%; hiện còn 9 vụ việc đang được tiếp tục giải quyết (trong đó, TTCP 1 vụ, Quảng Ngãi 1 vụ, An Giang 1 vụ, Bạc Liêu 2 vụ, Cà Mau 1 vụ, TP.HCM 3 vụ).

Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát 509 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp theo Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, có 338 vụ việc đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, đã ban hành 158 thông báo chấm dứt. Qua xem xét, các địa phương đã có phương án giải quyết quyền lợi và hỗ trợ cho công dân 6,63 tỷ đồng; 0,7ha đất; hơn 3,2 nghìn m2 đất ở.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính và Tổng hợp Lê Hồng Lĩnh cho biết, một số địa phương có nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài cần tập trung giải quyết là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và TP.HCM…

Tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Thanh tra đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan hành chính và kế hoạch đề ra để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ngành Thanh tra đã xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Quan tâm xử lý chồng chéo. Nội dung xử lý sau thanh tra cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, ngành Thanh tra đã giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tham mưu giải quyết nhiều vụ việc đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an ninh trật tự chính trị xã hội.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đề nghị ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư KNTC; thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, không tiêu cực, đúng tiến độ, thực hiện công khai kết luận thanh tra. Công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của TTCP.

Trong đó, đặc biệt, quan tâm giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Tập trung giải quyết KNTC, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh.

Ngoài ra, chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu yêu cầu từng cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra phải thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong quá trình triển khai đoàn thanh tra hay giải quyết KNTC, phải thường xuyên họp đoàn để rút kinh nghiệm cũng như tìm phương án xử lý thích hợp nhất bảo đảm chất lượng cuộc thanh tra và kết quả giải quyết KNTC.

Đức Sơn