Phán quyết của PCA cung cấp cơ sở pháp lý thuận lợi cho Việt Nam

M.Loan (thực hiện) 13/07/2016 23:14

Ngay sau khi Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12/7 ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, TS Phạm Lan Dung- Khoa Luật quốc tế (Học viện Ngoại giao) trao đổi với Đại Đoàn Kết đã cho rằng: “Mặc dù phán quyết chỉ ràng buộc các bên của vụ kiện nhưng kết luận này của Tòa rõ ràng cung cấp cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh bảo vệ lợi ích của Việt Nam”.

TS Phạm Lan Dung.

PV:Thưa bà, cuối cùng thì PCA đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Ở góc độ người nghiên cứu luật pháp quốc tế trong đó có các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông lâu năm, bà đánh giá thế nào về phán quyết này?

TS Phạm Lan Dung: Phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc có ý nghĩ quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông nói riêng, việc giải thích và áp dụng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nói chung và rộng hơn nữa là nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Thứ nhất, Tòa đã xem xét rất kỹ lưỡng và đưa ra quyết định, dựa trên cơ sở khoa học và mang tính thuyết phục cao về việc có thẩm quyền đối với 3 cụm vấn đề lớn, đó là: yêu sách đường lưỡi bò; quy chế pháp lý của các thực thể và các hành vi của Trung Quốc đối với Philippines.

Thứ hai, Tòa đã không né tránh mà tiếp cận trực diện và giải quyết các vấn đề nêu ra trong đơn kiện một cách thấu đáo. Trong phán quyết không có những điểm mập mờ, không rõ ràng, có thể tạo khả năng cho việc giải thích lệch lạc hoặc gây khó khăn trong việc thực thi phán quyết.

Thứ ba, lần đầu tiên Tòa đã giải thích và áp dụng Điều 121 và các quy định của UNCLOS để xác định quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông.

Thứ tư, phán quyết của Tòa đã khẳng định các quy định của UNCLOS được tôn trọng và đảm bảo được ý nghĩa và giá trị của Công ước này cũng như nguyên tắc thượng tôn pháp luật.

Theo bà, từ phán quyết này, Việt Nam có những thuận lợi pháp lý gì và cần có những bước đi thế nào trong đấu tranh pháp lý trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông?

- Trước tiên cần lưu ý rằng phán quyết này không giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Những thuận lợi mà phán quyết đem lại, trước tiên tập trung vào việc bác bỏ cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò”, qua đó loại bỏ được những biện minh mập mờ của Trung Quốc cho các hoạt động và hành vi không phù hợp với UNCLOS của họ.

Trong tuyên bố gửi lên Tòa tháng 11-2015, Việt Nam cũng khẳng định có quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông và khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Mặc dù phán quyết chỉ ràng buộc các bên của vụ kiện nhưng kết luận này của Tòa rõ ràng cung cấp cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Các kết luận của Tòa về quy chế pháp lý của các thực thể trong đơn kiện và việc một số thực thể khác ở Biển Đông không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà chỉ có thể có tối đa 12 hải lý góp phần làm rõ các vùng biển có thể yêu sách, giảm đáng kể các vùng biển chồng lấn, nhờ đó giảm khả năng các bên tùy ý biện minh cho các hành vi leo thang, bành trướng ở khu vực này, đồng thời tăng cơ hội cho việc đàm phán song phương và đa phương vì mục đích hợp tác.

Cũng tương tự như vậy khi Tòa kết luận các hành vi của Trung Quốc đã vi phạm những nghĩa vụ cụ thể trong các điều khoản nào ở Biển Đông.

Các bước tiếp theo của Việt Nam để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông là thể hiện lập trường, quan điểm nhất quán của mình về việc các bên của tranh chấp cần tuân thủ UNCLOS, tuân thủ phán quyết của Tòa. Cùng với các nước ASEAN, các nước trong khu vực và trên thế giới tác động bằng các biện pháp phù hợp thúc đẩy các bên thực thi phán quyết.

Góp tiếng nói cần thiết nếu xảy ra leo thang, căng thẳng làm xấu tình hình nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm Công ước, đi ngược lại với phán quyết. Thúc đẩy việc tự nguyện thực hiện phán quyết, kể cả việc các quốc gia không phải là các bên của vụ kiện tự nguyện thực hiện theo phán quyết. Các tiến trình đàm phán và thỏa thuận để giải quyết mọi tranh chấp, xung đột phát sinh hoặc nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác mà phù hợp với luật pháp quốc tế nên được ủng hộ và thúc đẩy.

Bà vừa nhắc đến việc chúng ta cần cùng với các nước ASEAN cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới tác động để thúc đẩy việc thực thi phán quyết. Tuy nhiên,Trung Quốc trên thực tế luôn nhắc đi nhắc lại rằng sẽ không tuân theo phán quyết của PCA; giống như trong thực tế quan hệ ASEAN - Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, họ dường như luôn trì hoãn việc thúc đẩy xây dựng COC. Với phán quyết này, theo bà, tới đây Trung Quốc sẽ ứng xử thế nào với tiến trình hình thành COC?

- Tôi chưa nhìn thấy mối liên hệ trực tiếp về mặt pháp lý giữa phán quyết của Tòa với tiến trình đàm phán COC. Về mặt nguyên tắc, việc đàm phán này thuộc chủ quyền của các quốc gia và phụ thuộc vào ý chí chính trị của các bên. Trung Quốc có thể trì hoãn đàm phán và điều này chỉ có thể dẫn đến những hệ quả và phản ứng về mặt chính trị chứ không vi phạm nguyên tắc nào của luật quốc tế. Phán quyết cũng không thể đề cập gì đến việc đàm phán COC.

Về mặt chính trị, nhiều khả năng Trung Quốc có thể tạm thời bỏ bê việc đàm phán COC trong ngắn hạn. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng trong dài hạn Trung Quốc có thể thúc đẩy tiến trình này để ghi điểm và tạo luật chơi mới và vị thế mới của mình nhằm thoát ra khỏi tác động không có lợi cho Trung Quốc từ phán quyết này.

Trân trọng cảm ơn bà!

M.Loan (thực hiện)